Thắp lửa nghề báo từ vùng đất cách mạng lịch sử
Trên hành trình 'Về nguồn' tại vùng đất cách mạng Thái Nguyên – 'Thủ đô gió ngàn' lịch sử, chúng tôi cảm nhận rõ ràng khí thế hào hùng của một thời kháng chiến cách mạng. Nơi đây, 'cây bút là chiến sĩ trên mặt trận văn hóa', những người làm báo thời kỳ cách mạng đầu tiên của Việt Nam đã vượt qua biết bao khó khăn thời chiến để 'giữ vững ngòi bút' như 'cầm chắc cây súng', truyền lửa tinh thần cho những người làm báo thời đại mới.

Đoàn Báo Kinh tế và Đô thị chụp ảnh tại Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Đèo De, xã Phú Đình, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên. Ảnh: Phạm Hùng
Hành trình trở về vùng đất kháng chiến năm xưa
Cách trung tâm Hà Nội khoảng 140km, Khu di tích lịch sử đặc biệt ATK Định Hóa (Thái Nguyên) là điểm đến đầu tiên của hành trình “Về nguồn” do Báo Kinh tế và Đô thị tổ chức. Những ngày tháng 4 lịch sử, con đường đất đỏ ngoằn ngoèo, uốn lượn qua rừng cọ, đồi chè dẫn lối bao bước chân về với ATK Định Hóa - điểm di tích cách mạng lịch sử, nơi từng ghi dấu bao quyết sách chiến lược của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Giữa núi rừng Việt Bắc hùng vĩ, mỗi nếp nhà, mỗi rặng tre, con suối… đều như âm vang tiếng bước chân hành quân, của tinh thần bất khuất và niềm tin vào ngày toàn thắng.
Qua ô cửa kính xe, hình ảnh thu trọn tầm mắt là công trình Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Đèo De, xã Phú Đình, huyện Định Hóa ẩn hiện trên đỉnh đèo, bao quanh cánh rừng già. Từng vạt nắng xuyên qua nhành lá xanh biếc, vương trên những mái tóc, tấm lưng của những con người từ Thủ đô Hà Nội chung niềm hân hoan trở về vùng đất kháng chiến năm xưa. Cảnh sắc thiên nhiên kỳ vĩ, tươi đẹp của “Thủ đô gió ngàn” lịch sử. Chúng tôi gọi đó không chỉ là một chuyến thực tế của đội ngũ người làm báo Kinh tế và Đô thị, mà còn là hành trình trở về với cội nguồn lịch sử, nơi ghi dấu những trang sử vẻ vang của dân tộc.
Từ câu chuyện kể của người hướng dẫn viên khu di tích Nguyễn Thị Hiền, chúng tôi cảm nhận được không khí hào hùng của một thời kỳ kháng chiến anh hùng. Những năm tháng cách mạng “ở rừng, bàn chuyện nước” mà Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Trung ương Đảng hoạch định đường lối chiến lược cho cách mạng Việt Nam.
Trước anh linh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các cán bộ, phóng viên, người làm báo Kinh tế và Đô thị đã kính cẩn nghiêng mình tưởng nhớ công lao vĩ đại của Người. Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa kiệt xuất đồng thời là một nhà báo cách mạng vĩ đại, người khai sinh và đặt nền móng cho báo chí cách mạng Việt Nam. Cách đây 100 năm, ngày 21/6/1925 Báo Thanh Niên do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập ra số báo đầu tiên tại Quảng Châu (Trung Quốc).

Dấu chân "Về nguồn" đến Di tích lịch sử quốc gia địa điểm thành lập Hội Nhà báo Việt Nam xóm Roòng Khoa, xã Điềm Mặc, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên. Ảnh: Mộc Miên
Trên hành trình “Về nguồn”, đoàn đến dâng hương tại Di tích lịch sử quốc gia địa điểm thành lập Hội Nhà báo Việt Nam vào năm 1950 ở xóm Roòng Khoa, xã Điềm Mặc, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên. Ngay từ những bước chân đầu tiên đặt vào khu di tích, không khí thiêng liêng, trang nghiêm của mảnh đất lịch sử như bao trùm lấy đoàn. Dưới nương chè bao quanh triền núi, trước bia tưởng niệm, những người làm báo kính cẩn nghiêng mình trước anh linh những bậc tiền bối, những nhà báo cách mạng đã đặt nền móng cho nền báo chí cách mạng Việt Nam. Trong khoảnh khắc tĩnh lặng ấy, từng người như cảm nhận được hơi thở của lịch sử, của một thời làm báo giữa bom đạn, đầy gian khó nhưng kiêu hùng.


Đoàn Báo Kinh tế và Đô thị tham quan Nhà trưng bày truyền thống của Hội Nhà báo Việt Nam tại xóm Roòng Khoa, xã Điềm Mặc, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên. Ảnh: Mộc Miên
Sau nghi lễ dâng hương, đoàn tiếp tục di chuyển đến Nhà trưng bày truyền thống của Hội Nhà báo Việt Nam, nơi lưu giữ nhiều kỷ vật, tư liệu, hình ảnh về các hoạt động quan trọng của lãnh đạo Hội từ khi thành lập đến nay. Những trang báo in trên giấy đen thời kỳ kháng chiến, chiếc máy đánh chữ cũ hay hình ảnh các nhà báo nổi tiếng thời kỳ đầu, cuốn album về hoạt động làm báo cách mạng như thợ sắp chữ Báo Cứu Quốc, Báo Nhân Dân trên các ngả đường trong kháng chiến, mô hình nhà sàn tái hiện hội trường 2 tầng 8 mái của Tổng bộ Việt Minh - nơi diễn ra Đại hội lần thứ nhất của Hội Những người viết báo Việt Nam (21/4/1950) … tất cả tái hiện chặng đường phát triển đầy vinh quang của nền báo chí nước nhà.
Tiếp lửa tinh thần báo chí cách mạng
Trong ánh chiều vàng dịu nhẹ giữa núi rừng hồ Núi Cốc, điểm dừng chân cuối của hành trình “Về nguồn” là Di tích lịch sử quốc gia địa điểm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng. Hình ảnh ngôi trường khang trang với điểm nhấn bức phù điêu khắc họa chân dung 48 thành viên Ban Giám hiệu, giảng viên và học viên của trường là tác phẩm nghệ thuật công phu, thể hiện sự đoàn kết và tinh thần hy sinh của vì sự nghiệp báo chí cách mạng.

Đoàn Báo Kinh tế và Đô thị chụp ảnh lưu niệm bức phù điêu tại Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng. Ảnh: Phạm Hùng
Ngôi trường mang tên một chí sĩ yêu nước - cụ Huỳnh Thúc Kháng, chủ bút của tờ báo Tiếng Dân. Tại đây, giữa không gian yên bình của núi rừng, các cây bút đầu tiên từ khắp mọi miền Tổ quốc tề tựu, nhiều người xuất thân từ chiến sĩ, giáo viên, nông dân… họ cầm bút như cầm súng, viết bằng trái tim cháy bỏng trước vận mệnh của dân tộc.
Theo lời kể của nhà báo Phan Hữu Minh - nguyên Ủy viên Ban thường vụ, Trưởng ban Kiểm tra Hội Nhà báo Việt Nam, nguyên Giám đốc Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh Thái Nguyên cho biết, lớp dạy làm báo đầu tiên vinh dự được nhiều nhà hoạt động chính trị cũng như nhà báo, văn nghệ sĩ đến dạy. Trong đó, đồng chí Trường Chinh dạy viết xã luận, bình luận. Nhà báo Võ Nguyên Giáp dạy viết bài phản ánh về quân sự. Đồng chí Hoàng Quốc Việt dạy về chính trị. Một số nhà văn như: Nguyễn Huy Tưởng dạy kịch; Nguyễn Tuân, Nam Cao dạy viết văn; Nguyễn Đình Thi dạy thơ…
Trong danh sách 42 học viên, chỉ duy nhất có 3 học viên nữ: Lý Thị Trung, Phạm Thị Mai Cương, Phương Lâm. Sau này, từ lớp học báo chí đầu tiên, nhiều người đã trở thành cây bút lớn, lãnh đạo các cơ quan báo chí hàng đầu, hoặc đóng góp quan trọng vào nền văn hóa cách mạng. Do hoàn cảnh kháng chiến, trường chỉ tổ chức được duy nhất một khóa học ngắn hạn (khai giảng 4/4/1949 và bế giảng ngày 6/7/1949 – tư liệu của Bảo tàng Báo chí Việt Nam).

Các phóng viên, biên tập viên chụp ảnh lưu niệm tại Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng. Ảnh: Mộc Miên

Tư liệu Giấy chứng nhận của học viên tốt nghiệp Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng. Ảnh: Mộc Miên
Từ những bước chân đầu tiên vào lớp học, ấn tượng là chiếc bảng đen vẫn ghi sĩ số lớp học 42, khóa thứ Nhất, khai giảng 4/4/1949 và bế giảng ngày 6/7/1949. Qua các tư liệu được trưng bày tại không gian lớp học, mặc dù lớp học không có giảng đường rộng rãi, lớp học viết báo ngày ấy là chiến khu, là lán trại, là ánh đèn dầu leo lét soi từng con chữ trong đêm. Bài giảng là những trang lý luận cách mạng, là lời chỉ dạy từ các nhà báo - chiến sĩ đi trước, từng bám sát thực tiễn, từng lội suối trèo đèo để “viết cho dân nghe, viết để dân tin”.
Thoạt qua, dấu ấn thời gian có thể xóa nhòa vết tích của lớp học xưa, nhưng ký ức về một thế hệ nhà báo anh hùng - sống và viết bằng cả trái tim yêu nước - vẫn còn nguyên giá trị. Trong bản trích thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng được treo trang trọng tại lớp học có ghi: (1) “Lớp này là lớp học viết báo đầu tiên, tôi mong các chú và các cô thi đua nhau học và hành cho xứng đáng là những người tiên phong trên mặt trận báo chí. Báo chí cũng phải thực hiện khẩu hiệu”: “Tất cả để chiến thắng”. (2) “Nếu các bạn viết báo mà quần chúng hiểu, quần chúng ham đọc, quần chúng khen hay, thế là các bạn tiến bộ. Trái lại là các bạn chưa thành công”.

Đoàn Báo Kinh tế và Đô thị chụp ảnh lưu niệm tại Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng. Ảnh: Phạm Hùng
Giữa dòng chảy của báo chí thời đại số, những người làm báo đối diện nhiều thách thức mới: cạnh tranh, tin giả, áp lực thị hiếu… Tuy nhiên, tinh thần của Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng vẫn là ngọn đèn soi đường cho mọi thế hệ nhà báo. Đó là tinh thần dấn thân, viết để phục vụ Nhân dân, viết để bảo vệ sự thật và công lý, viết bằng tất cả trách nhiệm và đạo đức nghề nghiệp.
Giữa âm vang núi rừng Việt Bắc, sau chuyến hành trình “Về nguồn”, điều đọng lại trong mỗi thành viên là những bài học không thể đo đếm bằng thời gian. Đó là lời nhắc nhở thầm lặng nhưng sâu sắc về đạo đức, bản lĩnh và sự trung thực trong hành trình làm báo. Chúng tôi - thế hệ nhà báo trẻ được thắp lửa tinh thần làm báo từ mảnh đất giàu truyền thống cách mạng. Ngọn lửa ấy không phải ngọn lửa bình thường. Đó là ánh sáng của lý tưởng, là nhiệt huyết của tuổi trẻ trên hành trang khát khao cống hiến. Đó cũng là lửa của sự tỉnh táo, bản lĩnh và trung thực - những phẩm chất cần có để một người làm báo thời đại mới.
Thắp lửa là giữ lửa. Và giữ lửa là để truyền lửa. Dù thời cuộc đổi thay, dù công nghệ phát triển, nhưng tinh thần báo chí cách mạng - chân thực, dũng cảm, vì dân - vẫn luôn là ánh sáng soi đường cho những người viết tiếp câu chuyện làm báo hôm nay.