Thao túng đấu giá đất - cần có chế tài

Mấy ngày gần đây, dư luận xôn xao về phiên đấu giá 19 thửa đất tại thôn Lòng Khúc, xã Tiền Yên, huyện Hoài Đức, TP. Hà Nội bởi thời gian kéo dài kỷ lục - hơn 19 tiếng đồng hồ. Sức nóng của phiên đấu giá không chỉ bởi có tới hơn 500 khách hàng tham gia, hơn 1.000 hồ sơ đăng ký, mà còn bởi giá trúng một số lô đất cao gấp gần 20 lần giá khởi điểm; những kẻ môi giới ngang nhiên tư vấn, mời chào khách ngay giữa khu đất đấu giá. Và vừa rời 'sàn' đấu giá, mỗi lô đất được rao bán với mức chênh lệch lên tới 600 triệu đồng.

Trước đó, tại phiên đấu giá hồi tháng 6-2024, một loạt lô đất ở các phường trên địa bàn thị xã Việt Yên, tỉnh Bắc Giang được đấu giá cũng gây bất ngờ. Tổng giá khởi điểm của 65 lô đất chỉ hơn 93,9 tỷ đồng, nhưng giá trúng lên tới 198,8 tỷ đồng, chênh hơn 104 tỷ đồng. Lô có giá chênh thấp nhất hơn 300 triệu đồng và cao nhất hơn 3 tỷ đồng. Tại thành phố Đồng Xoài gần 8 năm trước, phiên đấu giá 25 lô đất thuộc khuôn viên trụ sở UBND phường Tân Đồng cũ cũng đạt con số “kỷ lục” của địa phương với gần 1.000 lượt người tham gia. Vào thời điểm ấy (tháng 11-2016), có lô giá khởi điểm hơn 1,4 tỷ đồng nhưng được đẩy lên 1,9 tỷ đồng ngay vòng đấu đầu tiên. Và sau 13 vòng đấu, lô đất này được bán với giá hơn 2,9 tỷ đồng… Những phiên đấu giá quyền sử dụng đất với mức giá tăng đột biến như ở Hoài Đức, Việt Yên hay thành phố Đồng Xoài gợi nhớ đến phiên đấu giá “vô tiền khoáng hậu” tại Thủ Thiêm (Thành phố Hồ Chí Minh) hồi cuối năm 2021, khiến một số doanh nghiệp phải bỏ tiền cọc!

Mỗi cuộc đấu giá quyền sử dụng đều nhằm mục đích chuyển nhượng mảnh đất với mức giá cao nhất, là cơ sở để Nhà nước và xã hội xác định đúng giá trị của mảnh đất đó và huy động tối đa nguồn thu cho ngân sách. Tuy nhiên, trong thực tế, ở bất cứ địa phương nào, việc đấu giá quyền sử dụng đất luôn có những vấn đề rất đáng bàn. Đó là chiêu trò “thổi giá” một số lô đất lên rất cao rồi bỏ tiền cọc nhằm gây hiệu ứng tạo mặt bằng giá ảo để mua đi, bán lại nhiều lô đất đã đấu trúng, hoặc bán ra các lô đất đã mua gom trước đó; hoặc tình trạng “quân xanh, quân đỏ” thông đồng, dìm giá nhằm thao túng cuộc đấu giá, gây thất thoát tài sản, ảnh hưởng an ninh, trật tự tại một số địa phương, làm đau đầu các nhà quản lý, gây bức xúc dư luận.

Nguyên nhân của tình trạng thao túng các cuộc đấu giá đất là do các quy định pháp luật liên quan đến đấu giá quyền sử dụng đất chưa đồng bộ, thống nhất về trình tự, thủ tục. Một số quy định pháp luật như: yêu cầu, điều kiện vốn chủ sở hữu, khả năng huy động vốn, phương án đầu tư kinh doanh trên khu đất trúng đấu giá của người tham gia chưa chặt chẽ, chưa đánh giá đúng năng lực của người tham gia đấu giá… dẫn đến tình trạng người không có nhu cầu vẫn tham gia đấu giá để “lướt sóng” kiếm lời; chưa có chế tài nghiêm khắc xử lý khoản tiền người trúng đấu giá đã nộp dở dang trong trường hợp phải hủy hợp đồng trúng đấu giá đất...

Để khắc phục tình trạng nêu trên, cần sửa đổi các quy định về trình tự, thủ tục đấu giá đất đảm bảo chặt chẽ, khách quan, minh bạch, nâng cao trách nhiệm pháp lý, trách nhiệm nghề nghiệp của đấu giá viên, tổ chức đấu giá tài sản. Cần có chế tài nghiêm khắc với các trường hợp vi phạm Luật Đấu giá tài sản và bổ sung mức tiền phạt đối với các vi phạm liên quan đến quy trình, thủ tục đấu giá đất. Có như thế thì việc tổ chức đấu giá đất mới bảo đảm khách quan, minh bạch, giúp ổn định chính trị, phát triển kinh tế bền vững và góp phần thực hiện hiệu quả công tác cải cách hành chính.

Thảo Linh

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/329/161850/thao-tung-dau-gia-dat-can-co-che-tai
Zalo