Thao thức cùng đào trên hè phố

Đêm xuống mang theo sương muối và những cơn gió lạnh buốt tận xương về khắp phố phường Hà Nội. Những tiểu thương bán đào, quất lại trở về căn lều dựng tạm trên vỉa hè, miên mải cùng những trăn trở lỗ, lời bỏ ngỏ.

Được ăn cả, ngã… về quê

Đêm đến, sương muối bắt đầu giăng xuống phố Hà Nội. Những cơn gió đông thốc từng cơn liên tục, mang cái rét vừa ngọt vừa buốt luồn qua khăn áo, thấm qua da thịt, ngấm vào từng đốt xương. Chỉ còn thiếu chút mưa phùn là chuẩn phong vị mùa đông Hà Nội.

Dạo qua những tuyến đường lớn như Lạc Long Quân, Võ Chí Công…, không khó để gặp những túp lều cắm trại của dân buôn cây cảnh Tết nằm rải rác trên vỉa hè. Có người dựng lều từ những thanh sắt, gỗ, tre buộc lại với nhau rồi phủ bạt và áo mưa lên trên. Có người chỉ cần một chiếc giường xếp cùng chăn, gối và một chiếc ô lớn để chắn gió. Họ chỉ cần một nơi để ngả lưng, vậy là đủ.

Năm nay là năm đầu tiên anh Nguyễn Thành Nam (36 tuổi, quê Hưng Yên) buôn bán cây cảnh mùa Tết. Trước kia, anh là lao động tự do, làm đủ mọi nghề từ công nhân, phụ hồ tới sửa điện lạnh, sửa xe máy… Năm nay, anh và vợ đánh liều bỏ ra 200 triệu đồng là số vốn tích cóp trong nhiều năm để nhập quất cảnh Tứ Liên về bán trên đường Lạc Long Quân (Tây Hồ, Hà Nội). Giá trung bình của một cây quất là từ 800.000 đồng tới 2 triệu đồng.

Lần đầu anh Nam làm kinh doanh nên cái gì cũng mới mẻ. Trước, người ta thuê gì anh làm nấy, giờ thì anh phải chủ động chào hàng, thuyết minh sản phẩm, rồi thương lượng, mặc cả với khách… Anh tự nhận mình chưa được mau mồm mau miệng nên nhiều khi bị khách ép giá, hoặc bị tiểu thương khác “vợt” mất khách. “Thôi mình cứ cố gắng từ từ. Được thì ăn cả mà ngã thì… về quê!”, anh cười.

 Căn lều dựng tạm từ những thanh gỗ, tre, được phủ bạt và áo mưa làm mái của anh Lê Văn Lương và chị Nguyễn Thị Phượng

Căn lều dựng tạm từ những thanh gỗ, tre, được phủ bạt và áo mưa làm mái của anh Lê Văn Lương và chị Nguyễn Thị Phượng

Đã 2 tuần từ ngày lên Hà Nội buôn quất, chưa hôm nào anh Nam ngủ ngon giấc. Cứ chợp mắt vài phút là anh lại tỉnh vì gió lạnh thốc vào lều suốt đêm. “Tôi không dám kéo khóa kín lại vì còn phải trông cây. Nghe người ta bảo mất trộm cây là “đặc sản” ở Hà Nội. Còn cái xe máy của mình nữa, nó bê nốt thì khổ”, anh Nam nói.

Những đêm trắng, anh Nam ngồi một mình trong lều, nhìn về những tòa chung cư cao cấp, những ngôi nhà mặt phố nằm san sát nhau có giá lên đến vài trăm triệu đồng/mét vuông trên đường Lạc Long Quân. Túp lều của anh chỉ như một chấm nhỏ màu xanh lọt thỏm giữa khu phố đắt đỏ.

Thời trẻ, những thứ xa hoa ấy là động lực để anh phấn đấu vươn lên. Lại một mùa Tết sắp qua, giấc mơ vẫn chỉ là giấc mơ… “Giờ có tuổi rồi nên mình cũng suy nghĩ thực tế hơn. Mấy cái đó chỉ để ngắm thôi, chứ không dành cho mình”, anh tâm sự.

Ngày 29 Tết, anh Nam sẽ dọn hàng rồi bắt xe về quê ăn Tết. Nỗi nhớ nhà đã làm anh cồn cào ruột gan suốt 2 tuần nay. Mùi đồ ăn thơm phức từ những quán cơm làm anh nhớ về bữa cơm gia đình. Nhìn những đứa trẻ mặc áo dài sặc sỡ, tay cầm cành đào nhỏ đang cùng bố mẹ đi chợ Tết, anh nhớ về hai cậu con trai. Sáng nay, một đôi vợ chồng già ghé vào gian hàng của anh để xem quất. Anh chợt nghĩ, sao mà giống hai cụ thân sinh của mình đến vậy…

“Tối nào mình cũng dành ra nửa tiếng gọi điện về hỏi thăm sức khỏe bố mẹ, vợ và hai con. Cả ngày, mình chỉ chờ đến lúc đấy”, anh Nam nói. Chỉ cần thấy nụ cười của hai cậu con trai là anh quên cái lạnh của mùa đông Hà Nội, quên luôn cả những tòa chung cư cao cấp, những ngôi nhà mặt phố. Có lẽ, anh cũng như nhiều người đàn ông khác, hay ôm nhiều giấc mộng, nhưng sau cùng thì vẫn luôn hướng về gia đình.

Mong đào không ế, phá cây cũng chẳng vui vẻ gì

Đi tiếp con đường Lạc Long Quân, tôi gặp một căn lều dựng tạm từ những thanh gỗ, tre, được phủ bạt và áo mưa làm mái. Đó là nơi tá túc của anh Lê Văn Lương (61 tuổi) và chị Nguyễn Thị Phượng (53 tuổi), những tiểu thương buôn bán đào Tết đã gần 20 năm ở Hà Nội. Đào hai anh chị tự tay trồng ở vườn nhà tại Khoái Châu, Hưng Yên. “Khoái Châu nhà mình không chỉ có mỗi đền thờ Chử Đồng Tử đâu! Đây là đất trồng đào nổi tiếng miền Bắc đấy”, anh Lương nói.

Túp lều cắm trại nơi anh Nguyễn Thành Nam ở và sinh hoạt trong thời gian buôn bán tại Hà Nội

Túp lều cắm trại nơi anh Nguyễn Thành Nam ở và sinh hoạt trong thời gian buôn bán tại Hà Nội

Đúng như vậy, theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Khoái Châu, toàn huyện hiện có khoảng 96 ha trồng cây cảnh, trong đó chủ yếu là đào. Mỗi năm, hàng trăm ngàn cây đào từ Khoái Châu cung cấp ra thị trường, giúp nhiều người dân ăn nên, làm ra.

Căn lều của anh Lương, chị Phượng chỉ kín mặt sau, hai mặt trái phải và phần mái, còn mặt trước trống huơ trống hoác nên mỗi khi có gió là hai anh chị “lãnh đủ”. Chăn dù có hai lớp cũng chỉ như muối bỏ bể. Hắt hơi, sổ mũi là chuyện thường ngày, nên lúc nào chị Phượng cũng “thủ” sẵn một túi đựng thuốc cảm, thuốc xịt mũi, viên uống hạ sốt…

Nhưng anh Lương bảo, trời lạnh thì hại cho người nhưng lại tốt cho hoa, chỉ cần không rét đậm, rét hại làm “chột”, “thui” nụ là được. “Thế nên người chịu khổ một tí vì hoa cũng được, chứ để hoa khổ là người mất trắng, lúc đó còn người còn khổ gấp vạn lần”, anh Lương nói.

Sau đợt bão lũ vừa rồi, vườn đào nhà anh Lương, chị Phượng bị thiệt hại mất hơn một nửa. Vì vậy Tết này, hai anh chị không đặt nặng hiệu quả kinh doanh. Chị Phượng bảo, lỗ hay lãi thì vẫn cứ phải bán, không được bỏ ngang. Gần 20 năm nay, chưa năm nào anh chị nghỉ bán. Đầu tiên là vì trách nhiệm với những khách quen của mình. Chỉ cần nghỉ một năm không bán là năm sau họ đặt người khác ngay.

Thứ hai là vì tình yêu của hai anh chị với cây đào. “Đào đã giúp gia đình tôi vượt khó, thoát nghèo, giúp hai vợ chồng có tiền nuôi các con khôn lớn. Các con đều đã lập gia đình và có cháu cho chúng tôi bế cả rồi”, anh Lương tự hào kể.

Mấy chục năm trước, anh cũng chỉ là người dân đi mua đào chơi Tết. Rồi không hiểu thế nào mà anh lại phải lòng sắc đỏ tươi thắm của hoa đào, rồi quyết tâm đi theo các bậc tiền bối học nghề trồng đào, buôn đào. Chị Phượng lúc đầu là hậu phương vững chắc hỗ trợ anh Lương, nhưng rồi cũng bị cây đào “mê hoặc” lúc nào không biết.

Vậy nên hai anh chị rất buồn khi thấy nhiều người thẳng tay chặt bỏ những cây đào, quất ế những ngày 29, 30 Tết. Người ta lôi xềnh xệch những cành đào vẫn còn đỏ thắm màu hoa rồi phế bỏ. Sau cùng, chỉ còn những cành hoa giập nát la liệt trên vỉa hè cùng mùi nhựa cây hắc và nồng.

Nhìn cảnh tượng ấy, những người yêu đào như anh Lương và chị Phượng chỉ biết quay mặt đi. “Mình dành cả năm để chăm sóc, nuôi dưỡng cho cây ra hoa, đậu quả, đó không chỉ là công sức mà còn là tình cảm nữa. Thế nên bảo mình xuống tay phá đi, mình không làm được, xót lắm”, anh Lương nói.

“Buôn bán đắt hay ế hàng đều là do người bán. Tốt nhất đừng đổ lỗi cho ai hết. Còn cây đào chỉ có một việc là ra lá, nở hoa, làm đẹp cho đời, chứ có lỗi gì đâu mà không bán được thì lôi cây ra chặt, chém rồi vứt la liệt ra đấy”. chị Nguyễn Thị Phượng, tiểu thương buôn bán đào tại Tây Hồ, Hà Nội

Còn chị Phượng tâm sự, là người kinh doanh, không ai tránh khỏi cảnh ế hàng. Nhưng thay vì phá cây, hai anh chị sẵn sàng tặng miễn phí cho những người lao động nghèo không có tiền mua đào chơi Tết. Nếu tặng vẫn không hết, thì hai anh chị mang về chăm sóc.

“Buôn bán đắt hay ế hàng đều là do người bán. Tốt nhất đừng đổ lỗi cho ai hết. Còn cây đào chỉ có một việc là ra lá, nở hoa, làm đẹp cho đời, chứ có lỗi gì đâu mà không bán được thì lôi cây ra chặt, chém rồi vứt la liệt ra đấy”, chị Phượng bày tỏ.

Việt Khôi

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/thao-thuc-cung-dao-tren-he-pho-post1711931.tpo
Zalo