Thảo thơm sợi bún Vân Cù
Ngày 10/12/2024, cùng với lễ hội điện Huệ Nam (xã Hương Thọ, TP. Huế), nghề làm bún Vân Cù (xã Hương Toàn, TX. Hương Trà) được Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Theo kế hoạch, ngày 19/2 này, Hương Trà sẽ long trọng tổ chức lễ đón nhận Bằng công nhận Di sản cho nghề bún Vân Cù.

Bằng vào sự tảo tần, bún Vân Cù được lan tỏa đi xa
Những nét riêng có
Vân Cù là một làng nghề thủ công truyền thống làm bún có lịch sử hơn 400 năm, là địa phương duy nhất ở miền Trung tổ chức lễ tế vị tổ nghề là Bà Bún vào ngày 22 tháng Giêng âm lịch. Năm 2014, làng nghề bún Vân Cù được công nhận là “làng nghề truyền thống” của tỉnh Thừa Thiên Huế (nay là thành phố Huế).
Sở dĩ bún Vân Cù nổi tiếng là trong quá trình sản xuất, người làm bún không dùng bất cứ chất phụ gia nào trừ muối sống để ngâm, vo gạo, nuôi bột nhằm làm sạch các tạp chất, khử khuẩn, khử chua. Đây cũng là lí do bún Vân Cù chỉ để được trong môi trường tự nhiên trong 24 giờ, nhưng cũng chính là lợi thế được người tiêu dùng tin tưởng, lựa chọn. Trong đó, bún con – thành phẩm của mẻ nước đầu tiên khi luộc bún được khách hàng đánh giá cao nhất. Và, dù là bún con hay bún rời, đặc trưng của bún Vân Cù là sợi mịn, có màu trắng trong, bề mặt bóng, khi ăn không chua mà thơm mùi bột, không bở mà cũng không dai quá.

Hỗ trợ của máy móc giúp tăng sản lượng, rút ngắn thời gian làm bún và giúp chất lượng các mẻ bún ổn định hơn
Có một thực tế, phần nhiều các làng nghề không truyền nghề cho con gái, không truyền nghề cho người khác làng, thậm chí một số nghề người trong cùng một làng cũng không truyền nghề cho nhau. Làng bún Vân Cù thì ngược lại. Các bậc cao niên, nghệ nhân, thợ lành nghề ở làng bún Vân Cù luôn sẵn lòng chia sẻ kỹ thuật, quy trình, kinh nghiệm làm bún không phân biệt con trai, con gái hay con rể và cả người từ nơi khác đến học nghề. Cũng chính điều này, nghề bún Vân Cù đã được tỏa đi khắp các tỉnh, thành bạn, như: Quảng Trị, Đà Nẵng, Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh...
Hiện nay, với sự hỗ trợ của máy móc và nguồn nước máy sạch không chỉ cho tăng sản lượng, rút ngắn thời gian làm bún xuống chỉ còn 1 - 2 ngày mà còn giúp chất lượng của các mẻ bún ổn định hơn và ít có sự khác biệt lớn giữa các hộ sản xuất trong làng. Tuy nhiên, để tạo nên chất lượng khác biệt so với những vùng làm bún khác, người làm bún Vân Cù vẫn đảm bảo một số quy trình truyền thống chứ không hoàn toàn “giao việc” cho máy móc.

Sản phẩm bún Vân Cù được chuẩn bị đưa ra thị trường
“Nếu quá phụ thuộc vào máy móc mà không biết các bí quyết chọn gạo, cách ngâm và ủ, cách vào nước, cách ngửi mùi gạo sau khi ngâm… thì người thợ chưa có những mẻ bún ngon nhất, chất lượng nhất. Vì vậy, nghề này cần kết hợp giữa máy móc hiện đại và các phương thức truyền thống, đó cũng là cách để bảo tồn các giá trị phi vật thể gắn với nghề làm bún ở làng Vân Cù hiện nay”, Nghệ nhân dân gian Nguyễn Văn Tích chia sẻ.
Phát triển kinh tế song song với bảo vệ môi trường
Hiện mỗi ngày, làng Vân Cù sản xuất từ 25-28 tấn bún; trong đó, trung bình mỗi hộ sản xuất 2 tạ bún/ngày, hộ nhiều nhất lên đến 6-7 tạ/ngày. Những dịp lễ tết, sản lượng có thể tăng gấp đôi, thậm chí gấp 3, 4 lần. “Làng Vân Cù hiện có hơn 100 hộ làm bún với hơn 300 lao động thường xuyên và một bộ phận đáng kể tham gia vào các dịch vụ cung cấp nguyên vật liệu, tiêu thụ sản phẩm. Nếu như trước đây được coi là nghề phụ thì nay, nghề làm bún trở thành nghề chính, có hộ thu nhập từ 25 - 30 triệu đồng/tháng”, bà Đặng Thị Hương – Chủ tịch UBND xã Hương Toàn thông tin.

Bún Vân Cù tham gia lễ hội
Với việc chủ động đầu tư công nghệ sản xuất hiện đại, sản lượng, chất lượng bún ngày càng được nâng lên. Nhiều hộ gia đình làm bún từ lúc khó khăn, vất vả nay đã có của ăn của để. Kinh tế địa phương cũng được thúc đẩy đi lên từ hoạt động nghề bún phát triển và tác động tích cực đến nhiều ngành nghề khác như: xay xát, buôn bán, chăn nuôi gia súc, vận chuyển… Phát triển nghề thủ công đi đôi với bảo vệ môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm là một trong những tiêu chí quan trọng để làng nghề bún Vân Cù phát triển bền vững và luôn được các hộ sản xuất, chính quyền quan tâm.
Theo ông Đỗ Ngọc An, Phó Chủ tịch UBND TX. Hương Trà, trong định hướng chiến lược bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể nghề thủ công làm bún làng Vân Cù, Hương Trà sẽ đẩy mạnh nhiều hơn những giải pháp đồng bộ, chú trọng cả về khía cạnh bảo tồn di sản văn hóa với phát triển sản xuất để đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững.
Các hoạt động thực hành và truyền dạy bài bản sẽ được lồng ghép với bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể cùng với những chính sách chung khuyến khích hỗ trợ phát triển nghề, làng nghề; lồng ghép các chương trình mục tiêu ở khu vực nông thôn; thực hiện chính sách ưu đãi vốn vay, hỗ trợ phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm; khai thác nhãn hiệu chứng nhận OCOP; đẩy mạnh hơn nữa việc đăng ký nhãn hiệu, đăng ký mã QR và quảng bá sản phẩm theo hướng kiểm định chất lượng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm... “Vấn đề này cần sự chung tay của nhiều cấp, nhiều ngành, sự hỗ trợ cả về kinh phí lẫn cách thức, cơ chế, mô hình…”, ông Đỗ Ngọc An cho hay.
Với những lợi thế về di sản và địa thế gần sông Bồ, làng Vân Cù là sự lựa chọn cho tour du lịch làng nghề bằng đường bộ và đường thủy của du lịch Huế và vùng phụ cận. Đây cũng chính là cơ sở để thị xã Hương Trà, xã Hương Toàn và các sở ngành hữu quan phối hợp tiến hành khảo sát, nghiên cứu đưa điểm làng nghề Vân Cù vào tour, tuyến tham quan trọng điểm theo mô hình “Du lịch tham quan và trải nghiệm làng nghề thủ công truyền thống”.