Tháo rào cản pháp lý, mở đường cho kinh tế tư nhân
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu không hình sự hóa quan hệ dân sự, kinh tế, tạo hành lang pháp lý thông thoáng và phát triển khu vực kinh tế tư nhân.
"Không hình sự hóa quan hệ kinh tế, dân sự"
Ngày 13/4, kết luận phiên họp Chính phủ phiên chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 4/2025, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh yêu cầu khẩn trương thể chế hóa chủ trương của Đảng, tháo gỡ bằng hết những khó khăn, vướng mắc về thể chế, giải phóng toàn bộ sức sản xuất, huy động toàn bộ nguồn lực phát triển.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu kết luận phiên họp Chính phủ phiên chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 4/2025 - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Cùng tham dự có các Phó Thủ tướng Chính phủ, các thành viên Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành và cơ quan thuộc Chính phủ.
Tại phiên họp, Chính phủ tập trung thảo luận về 4 dự án luật và 2 dự thảo nghị quyết của Quốc hội. Cụ thể gồm: Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự; Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quốc tịch; Nghị quyết về xây dựng Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam; và Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội.
Trong quá trình thảo luận, các đại biểu đã tập trung làm rõ các nội dung cần sửa đổi, hoàn thiện; đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính; phân cấp, phân quyền rõ ràng; đồng thời xử lý những vấn đề còn có ý kiến khác nhau. Những nội dung lớn sẽ được báo cáo Thường trực Chính phủ, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo tiếp theo.
Nổi bật tại phiên họp là các nội dung thảo luận sâu về dự án sửa đổi Bộ luật Hình sự. Các đại biểu đã tập trung phân tích các quy định liên quan đến hình phạt tử hình và thi hành án tử hình, mức phạt tiền đối với hành vi vi phạm pháp luật, tội phạm công nghệ cao, gian lận thương mại. Đặc biệt là việc xử lý hình sự đối với các mô hình kinh doanh mới mang tính thử nghiệm ứng dụng khoa học công nghệ.

Thủ tướng giao các Phó Thủ tướng Chính phủ phụ trách lĩnh vực chỉ đạo các cơ quan chủ trì trong tiếp thu, khẩn trương hoàn thiện hồ sơ các dự án luật, nghị quyết theo đúng quy định để trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9 vào tháng 5/2025 - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Bên cạnh đó, dự án Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự (sửa đổi) cũng thu hút nhiều ý kiến. Các thành viên Chính phủ bàn luận về tổ chức bộ máy và mối quan hệ giữa các cơ quan điều tra có thẩm quyền, bảo đảm hiệu quả điều tra, xử lý vi phạm.
Về dự thảo Nghị quyết xây dựng Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam, nhiều ý kiến cho rằng cần thiết xây dựng mô hình vận hành theo chuẩn quốc tế. Ban hành chính sách đột phá để thu hút các nhà đầu tư, chuyên gia tài chính, nguồn nhân lực chất lượng cao, cũng như xác lập cơ chế giải quyết tranh chấp hiệu quả tại trung tâm.
Xóa bỏ tư duy “không quản được thì cấm”
Với dự án sửa đổi Luật Xử lý vi phạm hành chính, các đại biểu nêu rõ sự cần thiết phân cấp, phân quyền trong thẩm quyền xử phạt; đồng thời cải tiến thủ tục xử lý để phù hợp thực tiễn và bối cảnh phát triển hiện nay. Dự án sửa đổi Luật Quốc tịch được quan tâm với các quy định tạo điều kiện thuận lợi cho người Việt Nam ở nước ngoài nhập tịch hoặc trở lại quốc tịch Việt Nam, qua đó góp phần thu hút nguồn lực kiều bào cho sự phát triển của đất nước.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình phát biểu - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Một trong những điểm nhấn khác là nội dung dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội. Các thành viên Chính phủ đã thảo luận về vai trò của tổ chức Công đoàn trong việc tham gia xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp, cũng như quy định về tỉ lệ diện tích nhà ở xã hội và thương mại trong các dự án.
Phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao nỗ lực chuẩn bị của các Bộ Công an, Tư pháp, Tài chính, Xây dựng cùng sự tham gia tâm huyết, trách nhiệm của các thành viên Chính phủ. Thủ tướng giao các Phó Thủ tướng phụ trách lĩnh vực chỉ đạo cơ quan chủ trì tiếp thu, hoàn thiện hồ sơ các dự án luật, nghị quyết theo đúng quy định để trình Quốc hội trong kỳ họp sắp tới.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Đặc biệt, với dự án sửa đổi Bộ luật Hình sự, Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu bám sát kết luận của Bộ Chính trị, thể chế hóa, cụ thể hóa các định hướng lớn, trong đó phải thể hiện tinh thần nhân văn, nhân đạo của Đảng, Nhà nước, đồng thời bảo vệ quyền lợi chính đáng của người dân, và tăng cường công cụ răn đe hiệu quả với các loại tội phạm.
Việc sửa đổi cũng phải tạo hành lang pháp lý phù hợp để khuyến khích phát triển kinh tế tư nhân, không hình sự hóa các quan hệ dân sự, kinh tế, đặc biệt trong bối cảnh chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo mạnh mẽ.
Với dự thảo Nghị quyết về Trung tâm tài chính quốc tế, Thủ tướng yêu cầu các chính sách phải thực sự vượt trội so với pháp luật hiện hành và cả chuẩn mực quốc tế. Việc xây dựng trung tâm này phải là cú hích mạnh mẽ cho sự phát triển kinh tế, tài chính quốc gia.

Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng và Phó Thủ tướng Lê Thành Long tham dự phiên họp - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Thủ tướng cũng chỉ đạo tiếp tục rà soát để thể chế hóa chủ trương của Đảng, tháo gỡ mọi rào cản về thể chế, xóa bỏ tư duy “không quản được thì cấm” và thực hiện “không biết thì không quản”.
Thủ tướng yêu cầu giải phóng tối đa sức sản xuất của đất nước, huy động toàn bộ nguồn lực xã hội, tăng cường phân cấp, phân quyền đi đôi với giám sát, phân bổ nguồn lực hợp lý, nâng cao năng lực thực thi và cắt bỏ thủ tục hành chính rườm rà. Đặc biệt, việc tổ chức thi hành các luật và nghị quyết khi có hiệu lực phải được thực hiện nghiêm túc, đúng tiến độ, rõ trách nhiệm, rõ thời gian để đảm bảo hiệu quả trong thực tiễn.
Về dự án sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự, Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu bám sát kết luận của Bộ Chính trị để rà soát, thể chế hóa, cụ thể hóa, thể hiện tinh thần nhân văn, nhân đạo của Đảng, Nhà nước ta trong quá trình lãnh đạo, quản lý đất nước. Vừa phát huy tối đa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của con người, vừa có công cụ, chế tài phù hợp, đủ sức răn đe các loại tội phạm. Góp phần thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, phát triển kinh tế tư nhân, không hình sự hóa quan hệ kinh tế, dân sự.