Thảo luận Tổ 12: Đánh giá kỹ tác động của cơ chế khai thuế thay, nộp thuế thay đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử
Chiều 29/10, thảo luận tại Tổ 12 về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế và Luật Dự trữ quốc gia (1 luật sửa 7 luật), các đại biểu cơ bản thống nhất với sự cần thiết sửa đổi dự án luật, để thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội và tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về thể chế trong lĩnh vực tài chính, ngân sách thời gian qua.
Tổ 12, gồm các Đoàn ĐBQH: Bắc Kạn, Hưng Yên, Ninh Bình, Quảng Bình. Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh tham dự Phiên thảo luận Tổ.
Góp ý hoàn thiện dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế và Luật Dự trữ quốc gia (1 luật sửa 7 luật), các đại biểu cơ bản thống nhất với sự cần thiết sửa đổi dự án luật, để thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội và tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về thể chế trong lĩnh vực tài chính, ngân sách nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút tối đa các nguồn lực nhà nước, ngoài nhà nước để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Đánh giá kỹ tác động tích cực và tiêu cực của quy định khai thuế thay, nộp thuế thay
Cho ý kiến dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế, đại biểu Nguyễn Mạnh Cường – Đoàn ĐBQH Quảng Bình đề nghị đánh giá kỹ hơn tác động tiêu cực và tác động tích cực đối với cơ chế khai thuế thay, nộp thuế thay.
Đại biểu cho biết, khoản Điều 42 dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế dự kiến sửa đổi theo hướng: Đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số và các dịch vụ khác được thực hiện bởi nhà cung cấp ở nước ngoài thì nhà cung cấp ở nước ngoài có nghĩa vụ trực tiếp hoặc ủy quyền thực hiện đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế tại Việt Nam theo quy định của Bộ trưởng Bộ Tài chính. Theo quy định nêu trên, các sàn giao dịch thương mại điện tử có chức năng thanh toán và các tổ chức khác có trách nhiệm khấu trừ, kê khai, nộp thuế thay cho hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh.
Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường cho rằng, cơ chế này có thể giúp tăng thu ngân sách, giảm tình trạng thất thu thuế trong thương mại điện tử, đặc biệt là các giao dịch xuyên biên giới; bảo đảm cạnh tranh công bằng giữa doanh nghiệp truyền thống và doanh nghiệp kinh doanh trực tuyến trong nghĩa vụ nộp thuế.
Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, đại biểu cho rằng cần phải xem xét, cân nhắc kỹ lưỡng về quy định này để bảo đảm được quyền lợi hợp pháp của sàn thương mại điện tử và các hộ, cá nhân kinh doanh. Báo cáo đánh giá tác động trong hồ sơ dự án chỉ nêu: “Giải pháp này không có tác động tiêu cực”.
Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu kỹ lưỡng, nghiêm túc hơn về quy định các sàn thương mại điện tử có trách nhiệm khấu trừ, kê khai, nộp thuế thay cho hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh sẽ giảm gánh nặng, tạo thuận lợi cho việc thu thuế của cơ quan nhà nước là các cơ quan thuế, nhưng lại dồn khó khăn, gánh nặng này lên các doanh nghiệp là các sàn thương mại điện tử.
Bởi việc khấu trừ, kê khai, nộp thuế thay cho hàng chục, hàng trăm nghìn hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh là một việc rất phức tạp. Sàn thương mại điện tử cũng không nắm được thông tin những trường hợp đổi trả, trả lại hàng; chưa kể đến khi phát sinh tranh chấp, khiếu nại về nộp thuế thay cần giải quyết. Trong khi đó, các sàn thương mại điện tử không phải đại lý thuế và để thực hiện việc này, cần rất nhiều nhân sự có chuyên môn về thuế để thực hiện kê khai, nộp thuế thay.
Hơn nữa, việc giao cho sàn thương mại điện tử kê khai, nộp thuế thay có thể ảnh hưởng trực tiếp tới quyền lợi hợp pháp của nhiều hộ, cá nhân kinh doanh. Các sàn thương mại điện tử cũng không thể nắm được tổng doanh thu của các hộ kinh doanh, cá nhân vì có thể họ còn kinh doanh ở nhiều địa điểm khác. Do đó, các sàn thương mại điện tử sẽ phải khấu trừ toàn bộ doanh thu để tránh thất thu thuế, dù doanh thu trên sàn đó dưới mức quy định, như vậy sẽ dẫn đến thiệt hại lớn cho các cá nhân, hộ kinh doanh khi họ mất đi 8-10% doanh thu.
Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị cần tính tới tác động của việc sàn thương mại điện tử kê khai, nộp thuế thay cho cá nhân, hộ kinh doanh sẽ dẫn đến khả năng người bán sẽ rời bỏ các sàn thương mại điện tử và chuyển sang kinh doanh trên nền các tảng mạng xã hội khác và làm cho thương mại điện tử phát triển không theo các kênh chính thống, hiện đại là các sàn thương mại điện tử.
Cần một giải pháp cân bằng về thời hạn chuyển nhượng trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ
Góp ý về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, các ý kiến cơ bản nhất trí sự cần thiết sửa đổi, bổ sung Luật Chứng khoán. Đồng thời khẳng định, đây là dự án luật khó, tác động toàn bộ đến thị trường chứng khoán Việt Nam, kênh dẫn vốn của nền kinh tế, do đó cần nghiên cứu, thận trọng, đánh giá kỹ lưỡng khi sửa đổi, bổ sung.
Về việc bổ sung quy định nhà đầu tư được tham gia mua, giao dịch, chuyển nhượng trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, dự thảo luật quy định: Việc chuyển nhượng cổ phiếu chào bán riêng lẻ, trái phiếu chuyển đổi chào bán riêng lẻ, trái phiếu kèm chứng quyền chào bán riêng lẻ bị hạn chế tối thiểu là 03 năm kể từ ngày hoàn thành đợt chào bán, trừ trường hợp chuyển nhượng giữa các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp theo quy định. Như vậy, so với quy định hiện hành, điều kiện để chuyển nhượng cổ phiếu chào bán riêng lẻ, trái phiếu chuyển đổi chào bán riêng lẻ, trái phiếu kèm chứng quyền chào bán riêng lẻ đã tăng từ 01 năm lên 03 năm.
Đại biểu Đoàn Thị Thanh Mai - Đoàn ĐBQH tỉnh Hưng Yên đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát điều kiện đối với doanh nghiệp phát hành để bảo đảm phù hợp với tình hình thị trường, bảo đảm phát triển bền vững thị trường, bảo vệ nhà đầu tư cá nhân khi tham gia vào thị trường. Quy định như dự thảo Luật chưa phù hợp với tình hình thực tế, bởi theo thông lệ thị trường quốc tế, các nền kinh tế phát triển như Mỹ, Nhật, EU cũng như một số nước có điều kiện kinh tế - xã hội tương tự Việt Nam cũng không hạn chế chuyển nhượng tối thiểu 03 năm như dự thảo Luật.
Việc đề xuất kéo dài thời gian hạn chế chuyển nhượng lên tối thiểu 03 năm, không phân biệt giữa nhà đầu tư chiến lược và nhà đầu tư chuyên nghiệp sẽ là rào cản rất lớn cho sự phát triển của thị trường chứng khoán Việt Nam, dẫn đến việc e dè của các nhà đầu tư khi quyết định đầu tư, làm mất cơ hội cho cả nhà đầu tư, ảnh hưởng đến khả năng huy động nguồn lực và vốn của tổ chức phát hành.
Tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV, Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ đạo cần phải đổi mới mạnh mẽ công tác lập pháp, chuvển đổi tư duy xây dựng pháp luật, tư duy quản lý không cứng nhắc, dứt khoát từ bỏ tư duy “không quản được thì cấm. “ Với tinh thần đó, tôi đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan liên quan tiếp tục rà soát, cần có một giải pháp cân bằng giữa tổ chức phát hành (thu hút được vốn) và nhà đầu tư (thu được lợi nhuận hợp lý sau thời gian đầu tư). Từ đó, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp. Trường hợp chưa có giải pháp nào tốt hơn, đề nghị giữ như quy định của Luật hiện hành”, đại biểu Đoàn Thị Thanh Mai nêu quan điểm.
Một số hình ảnh tại thảo luận Tổ 12: