Thảo luận tại Tổ về tình hình kinh tế - xã hội

Sáng 26/10, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ, Nam Định và Bình Dương tiến hành thảo luận tại Tổ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025.

Đồng chí Nguyễn Thành Nam - TUV, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ chủ trì phiên thảo luận Tổ 19.

Qua thảo luận, các đại biểu cơ bản đồng tình với báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025. Các ý kiến cho rằng, trong bối cảnh tình hình thế giới và trong nước có những diễn biễn mới nhanh chóng và phức tạp đã ảnh hưởng, tác động đến sự phát triển của đất nước. Song, do có sự lãnh đạo, sáng suốt, sát sao, kịp thời của lãnh đạo Đảng và Nhà nước; sự đồng hành, chủ động tích cực của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội; sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị; sự ủng hộ của Nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp...

Tình hình kinh tế - xã hội năm 2024 tiếp tục xu hướng phục hồi và phát triển, đạt được nhiều kết quả quan trọng, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực: GDP 9 tháng ước đạt 6,82%, thuộc nhóm nước có tốc độ tăng trưởng cao trong khu vực và thế giới. 9 tháng 2024, kim ngạch xuất khẩu tăng 15,4% và kim ngạch nhập khẩu tăng 17,3% so với cùng kỳ, xuất siêu đạt gần 20,79 tỷ USD; Tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký hơn 24,8 tỷ USD, tăng 11,6% so với cùng kỳ; Vốn FDI thực hiện ước đạt 17,34 tỷ USD, tăng 8,9%, cao nhất từ năm 2021 đến nay... Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát... dự đạt và vượt 14/15 chỉ tiêu chủ yếu đề ra tại Nghị quyết số 103/2023/QH15 (năm 2023 đạt và vượt 10/15 chỉ tiêu).

Bên cạnh các kết quả tích cực đạt được, các đại biểu cũng nhận thấy, Báo cáo của Chính phủ đã chỉ ra tình hình kinh tế - xã hội nước ta năm 2024 còn đối diện với một số khó khăn, thách thức, tuy nhiên các tồn tại, khó khăn, vướng mắc trong báo cáo còn nêu chung chung, chưa cụ thể.

Theo đó, giải ngân vốn đầu tư công tăng chậm, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công 9 tháng đầu năm 2024 của cả nước ước đạt 47,29% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn cùng kỳ năm 2023 (51,38%); Tỷ lệ doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trên số doanh nghiệp tham gia thị trường là 89,7%, cao nhất kể từ 2019 đến nay; Mặt bằng lãi suất dù đã giảm nhưng khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn của doanh nghiệp còn hạn chế, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp khó khăn; Vướng mắc trong công tác đầu thầu dẫn tới tình trạng thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế phục vụ khám bệnh, chữa bệnh; giá bất động sản, nhà đất, chung cư tăng cao...

Ngoài ra, cơn bão số 3 Yagi đã có những ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động sản xuất của Việt Nam trong tháng 9, dẫn đến sự chậm trễ ở các dây chuyền sản xuất, chuỗi cung ứng và đóng cửa hoạt động kinh doanh tạm thời; dự báo có thể làm tốc độ tăng trưởng GDP cả năm giảm khoảng 0,15%.

Từ những tồn tại, hạn chế nêu trên, các ý kiến đề nghị Chính phủ cần phân tích, nhận diện rõ các nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan và từ đó có giải pháp cụ thể, phù hợp và hiệu quả để hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy kinh tế phát triển... Đại biểu Vũ Tuấn Anh - Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ đề nghị Chính phủ cần có các giải pháp tích cực, phấn đấu giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 đạt trên 95% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Chiều cùng ngày, các đại biểu đã thảo luận vào dự án Luật Điện lực (sửa đổi). Nội dung thảo luận đề cập đến các vấn đề về cơ chế xử lý dự án chậm tiến độ; chính sách phát triển năng lượng tái tạo; quy hoạch phát triển điện lực và đầu tư phát triển dự án điện lực...

Khổng Thủy

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/thao-luan-tai-to-ve-tinh-hinh-kinh-te-xa-hoi-221566.htm
Zalo