Thảo luận tại Tổ về chính sách phát triển nhà ở xã hội, cơ chế đặc thù cho thành phố Hải Phòng và sửa đổi các luật về tổ chức chính trị - xã hội

Sáng 21/5, tại Tổ 19, Đoàn ĐBQH các tỉnh Phú Thọ, Đồng Nai và Quảng Bình đã tiến hành thảo luận tại Tổ. Đồng chí Bùi Minh Châu - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ, chủ trì phiên thảo luận.

Đồng chí Bùi Minh Châu - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ, chủ trì phiên thảo luận.

Đồng chí Bùi Minh Châu - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ, chủ trì phiên thảo luận.

Thảo luận tại Tổ, các đại biểu tập trung về 3 nội dung lớn: Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội; Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thay thế Nghị quyết số 35/2021/QH15 của Quốc hội về thí điểm cơ chế đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng; Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Luật Công đoàn, Luật Thanh niên, Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Về dự thảo Nghị quyết thí điểm về phát triển nhà ở xã hội (NOXH): Nghị quyết được xem là bước đột phá nhằm thể chế hóa chủ trương lớn của Đảng về phúc lợi xã hội, đảm bảo an sinh cho người dân, đặc biệt là nhóm yếu thế, công nhân, người lao động. Các đại biểu thống nhất cao với việc ban hành Nghị quyết thí điểm để kịp thời tháo gỡ những vướng mắc về cơ chế, tạo điều kiện thu hút đầu tư vào lĩnh vực NOXH.

Một số điểm đáng chú ý gồm: Thành lập Quỹ Nhà ở quốc gia từ nguồn tài chính ngoài ngân sách, ưu tiên đầu tư, cho thuê mua NOXH (Quỹ được sử dụng để đầu tư xây dựng, thuê mua NOXH cho cán bộ, công chức, người lao động; có nguồn thu từ đóng tiền sử dụng đất, bán tài sản công là nhà ở, hỗ trợ, đóng góp của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân...); cơ chế giao chủ đầu tư không qua đấu thầu (chính sách này giúp rút ngắn thời gian lựa chọn nhà đầu tư, đặc biệt trong bối cảnh cần thúc đẩy nhanh tiến độ xây dựng NOXH); giảm bớt thủ tục hành chính trong xây dựng NOXH; ưu đãi tài chính và hoàn trả chi phí sử dụng đất cho chủ đầu tư.

Tuy nhiên, các ý kiến cũng đề nghị cần quy định rõ cơ chế phòng, chống tiêu cực, giám sát chất lượng xây dựng, bảo đảm chính sách đi vào thực chất, không bị lợi dụng trục lợi; đối với việc thành lập quỹ Nhà ở quốc gia, theo đại biểu Nguyễn Thành Nam - Tỉnh ủy viên, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ, cơ quan soạn thảo xem xét lại quy định để không mâu thuẫn với Luật Ngân sách nhà nước; đối với các địa phương chưa cân đối được ngân sách thì ngân sách trung ương xem xét, hỗ trợ để bổ sung vốn điều lệ, dựa vào đó hỗ trợ cho các nhà đầu tư theo giai đoạn.

Về dự thảo Nghị quyết thay thế Nghị quyết 35/2021/QH15 về cơ chế đặc thù cho thành phố Hải Phòng: Các đại biểu thống nhất với sự cần thiết ban hành Nghị quyết mới, nhằm thể chế hóa Kết luận 96-KL/TW và tạo điều kiện đột phá cho Hải Phòng phát triển trở thành cực tăng trưởng mới. Dự thảo mở rộng nhiều chính sách vượt trội trên các lĩnh vực tài chính - ngân sách, đầu tư, đất đai, khoa học công nghệ, quản lý hạ tầng, phát triển đô thị...

Một số chính sách đáng chú ý được các đại biểu phân tích sâu như: Cho phép thành phố vay nợ lên đến 120% thu ngân sách được hưởng; áp dụng cơ chế tài chính trong lĩnh vực tín chỉ carbon; quy trình thu hồi đất trước khi ra thông báo; cho phép giao đất không qua đấu giá cho các dự án logistics quy mô lớn; cơ chế thử nghiệm công nghệ, thành lập quỹ đầu tư mạo hiểm; và chính sách thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức. Tuy nhiên, các đại biểu cũng lưu ý cần rà soát kỹ để đảm bảo tính thống nhất hệ thống pháp luật và có quy định kiểm soát chặt chẽ tránh lạm dụng chính sách.

Về các dự án Luật sửa đổi, bổ sung Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Luật Công đoàn, Luật Thanh niên, Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở: Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (2015), Luật Công đoàn (2024), Luật Thanh niên (2020) và Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở (2022) đã bộc lộ nhiều bất cập trong bối cảnh đổi mới mô hình chính quyền địa phương 2 cấp và tinh gọn hệ thống chính trị. Dự thảo sửa đổi lần này tập trung vào tổ chức bộ máy, vai trò chủ trì của Mặt trận, quyền kiến nghị, phản biện xã hội và giám sát - rất phù hợp với yêu cầu thực tiễn và Kết luận 126, 127, 131 và Nghị quyết 60 của Trung ương.

Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam bổ sung rõ vai trò giám sát, phản biện xã hội, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, làm rõ cơ chế phối hợp giữa Mặt trận và các cơ quan nhà nước. Luật Công đoàn sửa đổi nhằm đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, nâng cao năng lực đại diện, thương lượng, bảo vệ quyền lợi người lao động, nhất là trong khu vực ngoài nhà nước.

Luật Thanh niên làm rõ vai trò của thanh niên trong giai đoạn chuyển đổi số, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; đồng thời, xác định rõ trách nhiệm hỗ trợ của nhà nước, gia đình và xã hội. Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở nhằm hoàn thiện cơ chế dân chủ trực tiếp và đại diện tại cơ sở, đảm bảo công khai minh bạch trong hoạt động chính quyền, tăng cường sự tham gia của nhân dân vào quá trình xây dựng và giám sát chính sách.

Các đại biểu đề nghị cần tiếp tục hoàn thiện nội dung các dự án luật, bảo đảm tính khả thi, đồng bộ và phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương, góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững, toàn diện.

Khổng Thủy

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/thao-luan-tai-to-ve-chinh-sach-phat-trien-nha-o-xa-hoi-co-che-dac-thu-cho-thanh-pho-hai-phong-va-sua-doi-cac-luat-ve-to-chuc-chinh-tri-xa-hoi-233091.htm
Zalo