Thảo luận sôi nổi những vấn đề cử tri mong mỏi

Chiều 30-12, Kỳ họp thứ 31 - Kỳ họp thường lệ cuối năm 2024 HĐND tỉnh Kiên Giang khóa X tiến hành thảo luận tại tổ. Đại biểu thảo luận tổ và đề xuất giải pháp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; bàn vấn đề cử tri mong mỏi như việc xử lý rác thải, cung cấp nước sạch nông thôn, đầu tư, sửa chữa các tuyến đường giao thông... trên địa bàn tỉnh Kiên Giang.

BÀN VỀ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI

Về tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Kiên Giang, Bí thư Huyện ủy Giang Thành, đại biểu HĐND tỉnh Kiên Giang Ong Văn Ngay cho rằng khu vực cửa khẩu quốc gia Giang Thành đã có quy hoạch rất lâu, hơn 10 năm nay nhưng không đầu tư, không triển khai gì.

“Huyện đã kiến nghị nhiều lần nhưng chưa thấy chuyển biến gì”, đồng chí Ong Văn Ngay cho biết. Đồng chí đánh giá vì vậy mà kinh tế biên mậu không thể phát triển mạnh được, người dân bức xúc.

Bí thư Huyện ủy Giang Thành Ong Văn Ngay phát biểu ý kiến. Ảnh: TÂY HỒ

Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao, đại biểu HĐND tỉnh Kiên Giang Nguyễn Văn Mao đề nghị UBND tỉnh Kiên Giang quan tâm đầu tư phát triển du lịch văn hóa tâm linh, nhất là những địa điểm nổi tiếng ở huyện Kiên Lương, TP. Hà Tiên (Kiên Giang).

Đồng chí Nguyễn Văn Mao đánh giá năm 2024 tỉnh xây dựng nông thôn mới vượt kế hoạch, nhưng phải làm sao cho các xã nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu đảm bảo an toàn cuộc sống của người dân, không có tệ nạn ma túy. Đây là vấn đề chính quyền, ngành chức năng phải phấn đấu nhằm tạo nên sự khác biệt ở xã nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu với các xã khác. Đồng chí cũng phản ánh việc cung cấp nước sạch cho người dân ở nông thôn hiện nay vẫn chưa đáp ứng được mong mỏi của cử tri.

Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Nguyễn Văn Mao phản ánh việc cung cấp nước sạch cho người dân ở nông thôn hiện nay vẫn chưa đáp ứng được mong mỏi của cử tri. Ảnh: TRÚC LINH

Liên quan việc cung cấp nước sạch nông thôn, Bí thư Đảng ủy xã Tân Hiệp B, huyện Tân Hiệp (Kiên Giang) Trần Thị Xuân Uyên - đại biểu HĐND tỉnh Kiên Giang cho biết thực hiện chủ trương xã hội hóa đầu tư công trình cấp nước sạch nông thôn, hiện trên địa bàn huyện có 2 nhà máy nước do doanh nghiệp đầu tư thi công nhưng chậm tiến độ, ảnh hưởng đến đời sống người dân cũng như việc thực hiện tiêu chí xây dựng xã nông thôn mới nâng cao theo quy định của các xã.

Huyện rất mong các sở, ngành liên quan quan tâm, tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho huyện về vấn đề nước sạch cho các xã nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao.

Bí thư Đảng ủy xã Tân Hiệp B, huyện Tân Hiệp (Kiên Giang) Trần Thị Xuân Uyên phát biểu ý kiến tại phiên thảo luận tổ. Ảnh: THÙY TRANG

Về vấn đề chậm tiến độ thi công các công trình cấp nước sạch trên địa bàn huyện Tân Hiệp, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang Lê Hữu Toàn cho biết huyện Tân hiệp đã đạt chuẩn huyện nông thôn mới từ năm 2015, tuy nhiên hiện còn 6 xã chưa đạt chuẩn về cung cấp nước sạch, nguyên nhân chủ yếu do chậm triển khai các dự án cấp nước của nhà đầu tư.

Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Kiên Giang làm việc với nhà đầu tư, xem xét và gia hạn 1 lần, đến nay việc triển khai vẫn chưa thực hiện được. Để giải quyết khó khăn, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang phối hợp Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Kiên Giang đã làm việc với nhà đầu tư, xem xét năng lực của doanh nghiệp để tiến hành tính toán phương án cấp nước trong thời gian tới.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang Lê Hữu Toàn trả lời ý kiến của đại biểu. Ảnh: THÙY TRANG

Trên tinh thần không đợi nhà đầu tư, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang đã chủ động đưa vào kế hoạch đầu tư ngành nông nghiệp việc đầu tư các công trình cấp nước tập trung, cố găng trong năm 2025-2026-2027, người dân tại 6 xã của huyện Tân Hiệp sẽ có nước sạch sinh hoạt.

MÔI TRƯỜNG, GIAO THÔNG CÒN KHÓ

Phó Trưởng Ban Dân tộc HĐND tỉnh Kiên Giang Lâm Ngọc Châu cho biết qua giám sát của Ban Pháp chế HĐND tỉnh Kiên Giang về việc chấp hành các quy định của pháp luật về việc bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Kiên Giang, hiện nay vốn để xử lý rác còn khó khăn, việc kêu gọi đầu tư từ các công ty, doanh nghiệp hạn chế. Nhất là vấn đề xử lý rác thải y tế được tập kết tại Bệnh viện Đa khoa cũ, do lò đốt rác trước đây đã hư hỏng và bệnh viện dự kiến khi lò đốt rác tại Châu Thành hoàn thành sẽ đưa vào tiêu hủy, nên 1 năm nay việc xử lý rác thải y tế không được tiêu hủy. Sở Y tế cho biết vấn đề xử lý rác đến nay như thế nào? Khi nào lò đốt rác tại huyện Châu Thành khi đưa vào hoạt động?.

Phó trưởng Ban Dân tộc HĐND tỉnh Kiên Giang Lâm Ngọc Châu phát biểu về khó khăn, vướng mắc trong xử lý rác trên địa bàn tỉnh Kiên Giang. Ảnh: TRÚC LINH

Cũng "nóng" về vấn việc xử lý rác thải, Bí thư Huyện ủy Giang Thành Ong Văn Ngay đề nghị UBND tỉnh Kiên Giang, các sở, ngành xem xét đôn đốc doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà máy xử lý rác thải ở huyện Giang Thành. “Huyện đã kiến nghị nhiều lần, các sở, ngành có ý kiến cho doanh nghiệp gia hạn, kéo dài gần 10 năm nhưng vẫn chưa thực hiện xong nhà máy rác. Rác lộ thiên ngày càng lớn hơn, ảnh hưởng đến môi trường và cuộc sống của người dân”, đồng chí Ong Văn Ngay ý kiến.

Ở lĩnh vực giao thông, trả lời vấn đề đầu tư và sửa chữa đường giao thông trên địa bàn, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Kiên Giang Lê Việt Bắc cho biết hiện nay toàn tỉnh có hơn 12.000km đường giao thông các loại. Tuy nhiên, nguồn lực đầu tư có hạn. Vì vậy, tỉnh cân đối từng bước, sắp xếp theo thứ tự ưu tiên để thực hiện dần các tuyến đường giao thông.

Đồng chí Lê Việt Bắc thông tin theo thứ tự ưu tiên thì quốc lộ 80, hiện Sở Giao thông Vận tải đã trình Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh Kiên Giang trình thông qua Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Kiên Giang để thông qua dự án nâng cấp, cải tạo từ TP. Rạch Giá đến cầu Ba Hòn, huyện Kiên Lương (Kiên Giang) với chiều dài khoảng 65km, tổng vốn gần 1.000 tỷ đồng. Hiện sở đã đề xuất dự án và chờ có kinh phí, sau đó UBND tỉnh Kiên Giang sẽ quyết định thực hiện.

TRÚC LINH - TÂY HỒ - THÙY TRANG

Nguồn Kiên Giang: https://baokiengiang.vn/chinh-quyen/thao-luan-soi-noi-nhung-van-de-cu-tri-mong-moi-23850.html
Zalo