Tháo gỡ vướng mắc trong xử lý dự án nguồn điện chậm tiến độ
Một trong những đề xuất quan trọng trong dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) là bổ sung quy định về tiến độ các dự án nguồn điện với các mốc như: quyết định đầu tư, khởi công công trình chính và đưa dự án vào sử dụng, qua đó giúp cơ quan chức năng dễ dàng giám sát và có biện pháp xử lý kịp thời khi dự án bị chậm trễ.
Tình trạng các dự án nguồn điện chậm tiến độ đang trở thành một vấn đề đáng lo ngại, ảnh hưởng lớn đến an ninh năng lượng và phát triển kinh tế của Việt Nam. Bộ Công thương cho biết, hiện nay, quy định của pháp luật về đầu tư đối với việc chấm dứt hoạt động dự án đầu tư chưa thực sự phù hợp trong một số trường hợp, đặc biệt đối với các dự án có sử dụng đất (trong đó có dự án điện lực).
Các dự án nguồn điện đã được tính toán năm vào vận hành theo cân bằng hệ thống điện để bảo đảm đáp ứng nhu cầu phụ tải tương ứng theo từng năm. Do vậy, việc quy định về cơ chế xử lý chậm tiến độ các dự án nguồn điện là cần thiết nhằm góp phần giải quyết tình trạng nhiều các dự án nguồn điện (điện than, điện khí, thủy điện lớn,...) hiện không thể triển khai thực hiện trong nhiều năm, giải phóng nguồn lực đất đai để phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an ninh cung cấp điện cho quốc gia...
Để giải quyết các vướng mắc và tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho việc xử lý các dự án nguồn điện chậm tiến độ, dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8 đã bổ sung quy định về tiến độ các dự án nguồn điện (Điều 16).
Cụ thể là các mốc tiến độ: quyết định đầu tư, khởi công công trình chính của dự án, đưa dự án vào sử dụng theo quy định của pháp luật về xây dựng; các mốc tiến độ khác do hai bên thỏa thuận trong hợp đồng dự án đầu tư kinh doanh theo quy định của pháp luật về đầu tư theo phương thức đối tác công tư.
Việc quy định chi tiết các mốc tiến độ này sẽ giúp cơ quan chức năng dễ dàng giám sát, đồng thời có biện pháp xử lý kịp thời khi dự án bị chậm trễ.
Bên cạnh đó, dự thảo cũng đề xuất các cơ chế xử lý dự án nguồn điện chậm tiến độ để phù hợp với đặc thù của ngành điện.
“Việc xử lý các dự án nguồn điện đầu tư theo phương thức đối tác công tư, đầu tư công bị chậm tiến độ thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư theo phương thức đối tác công tư, đầu tư công”, dự thảo nêu rõ.
Việc xử lý các dự án nguồn điện bị chậm tiến độ không thực hiện đầu tư theo phương thức đối tác công tư, đầu tư công thực hiện như sau:
Các dự án nguồn điện chậm tiến độ quá 6 tháng theo một trong các mốc tiến độ nêu trên không được điều chỉnh tiến độ theo quy định của pháp luật về đầu tư thì thực hiện xử phạt vi phạm hành chính. Chính phủ quy định chi tiết điểm này.
Các dự án nguồn điện chậm tiến độ quá 12 tháng theo một trong các mốc tiến độ đã được quy định không được điều chỉnh tiến độ theo quy định của pháp luật về đầu tư và đã bị thực hiện xử phạt vi phạm hành chính thì cơ quan đăng ký đầu tư chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư.
Số tiền bảo đảm thực hiện dự án nguồn điện chậm tiến độ chưa được hoàn trả phải nộp vào ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật về đầu tư.
Cũng theo dự thảo, nhà đầu tư tự thanh lý dự án đầu tư theo quy định của pháp luật về thanh lý tài sản khi dự án đầu tư chấm dứt hoạt động.
Việc xử lý quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất khi chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Trình tự, thủ tục chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư nguồn điện chậm tiến độ thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư.
Cơ quan nhà nước có thẩm quyền tổ chức đấu thầu dự án nguồn điện chậm tiến độ thực hiện lựa chọn nhà đầu tư thay thế. Trường hợp dự án bị chậm tiến độ đáp ứng điều kiện là dự án khẩn cấp (quy định tại khoản 1 Điều 20 dự thảo Luật), Thủ tướng Chính phủ chỉ định doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ hoặc doanh nghiệp thành viên do doanh nghiệp này nắm giữ 100% vốn điều lệ thực hiện dự án.
Trường hợp không lựa chọn được nhà đầu tư thay thế, Bộ Công Thương hoặc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định thay thế dự án bị chậm tiến độ bằng dự án khác.