Tháo gỡ vướng mắc trong giải ngân vốn đầu tư công

Những tháng đầu năm 2024, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công (VĐTC) của tỉnh Hòa Bình đạt thấp, trong đó, nhiều dự án trọng điểm đạt rất thấp. Thực tiễn đòi hỏi cần triển khai quyết liệt các giải pháp tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ giải ngân để hoàn thành mục tiêu đến ngày 31/1/2025, giải ngân đạt 100% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ (TTCP) giao. Bài 1 -

Những tháng đầu năm 2024, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công (VĐTC) của tỉnh Hòa Bình đạt thấp, trong đó, nhiều dự án trọng điểm đạt rất thấp. Thực tiễn đòi hỏi cần triển khai quyết liệt các giải pháp tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ giải ngân để hoàn thành mục tiêu đến ngày 31/1/2025, giải ngân đạt 100% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ (TTCP) giao. Bài 1 - "Nóng” chuyện giải ngân,cả hệ thống chính trị vào cuộc

Đoàn công tác UBND tỉnh kiểm tra tiến độ các công trình đầu tư công trên địa bàn huyện Lương Sơn.

Câu chuyện giải ngân VĐTC đã "nóng” ngay từ những tháng đầu năm. Mặc dù công tác quản lý, sử dụng vốn đã được tỉnh quan tâm chỉ đạo và điều hành theo đúng quy định, việc phân bổ chi tiết kế hoạch vốn được thực hiện ngay sau khi có quyết định giao vốn của TTCP. Tuy nhiên, thực tiễn xuất hiện nhiều vướng mắc khiến tỷ lệ giải ngân thấp, nhất là các dự án sử dụng nguồn chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG), vốn nước ngoài (ODA), vốn Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH...

Nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị

Năm 2024, kế hoạch VĐTC của tỉnh được TTCP giao 3.430,661 tỷ đồng; số vốn đã được HĐND tỉnh thông qua 3.763,925 tỷ đồng, trong đó, nguồn thu từ sử dụng đất tăng 233,264 tỷ đồng, vốn đầu tư khác tăng 100 tỷ đồng. Về kế hoạch VĐTC được phép kéo dài thời gian giải ngân sang năm 2024 (đến hết ngày 31/12/2024), tổng kế hoạch được giao 4.811,094 tỷ đồng, trong đó, vốn thực hiện 3 CTMTQG năm 2022, 2023 là 193,515 tỷ đồng; vốn thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH 4.617,568 tỷ đồng.

Năm 2024 là năm tăng tốc, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm (2021 - 2025). Trong bối cảnh đó, việc đẩy mạnh phân bổ, giải ngân VĐTC vừa mang tính cấp bách, vừa có ý nghĩa chiến lược và là nhiệm vụ trọng tâm nhằm góp phần thúc đẩy tăng trưởng, ổn định kinh tế. Xác định rõ tầm quan trọng của nhiệm vụ giải ngân VĐTC, ngay từ đầu năm, hệ thống chính trị tỉnh đã chủ động vào cuộc thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ, TTCP về đầu tư công. Trong quý I, Tỉnh ủy tổ chức Hội nghị giao ban chuyên đề với chủ đề "Nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh giải ngân VĐTC năm 2024 trên địa bàn tỉnh Hòa Bình”. Tại hội nghị, Tỉnh ủy yêu cầu các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị - xã hội, các ngành, huyện, thành phố chủ động tổ chức thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trên tất cả lĩnh vực, góp phần tháo gỡ khó khăn từ cơ sở, quyết tâm thực hiện tốt nhiệm vụ giải ngân VĐTC, đảm bảo hiệu quả sử dụng các nguồn lực phát triển.

Đặc biệt, sau khi nắm tình hình, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Kết luận số 997-KL/TU, ngày 12/4/2024, tiếp tục yêu cầu sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị nhằm đẩy mạnh giải ngân VĐTC năm 2024. Theo đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu Ban Cán sự đảng UBND tỉnh, các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố khẩn trương chỉ đạo triển khai các nhóm giải pháp đẩy mạnh giải ngân VĐTC. Kết quả giải ngân là tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ, xếp loại thi đua năm 2024 đối với tổ chức, cán bộ, công chức, viên chức và đảng viên trên địa bàn tỉnh. Cũng tại Kết luận này, Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo 7 nhóm giải pháp trọng tâm, phấn đấu hoàn thành mục tiêu đến ngày 31/1/2025 giải ngân hết nguồn vốn được phân bổ năm 2024.

Tỷ lệ giải ngân thấp và hồi chuông cảnh báo

Theo UBND tỉnh, ngay từ đầu năm, công tác quản lý và sử dụng VĐTC trên địa bàn tỉnh đã được quan tâm chỉ đạo, điều hành; việc phân bổ chi tiết kế hoạch VĐTC được UBND tỉnh thực hiện ngay sau khi có quyết định giao vốn của TTCP và đạt 100% kế hoạch vốn được HĐND tỉnh thông qua. Cụ thể, phân bổ vốn ngân sách địa phương 1.836,174 tỷ đồng, vốn ngân sách Trung ương (NST.Ư) 1.927,751 tỷ đồng. Cùng với đó, UBND tỉnh chú trọng ban hành các văn bản chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ giải ngân.

Tuy nhiên, thực tế triển khai gặp nhiều khó khăn, vướng mắc làm chậm tiến độ thực hiện các dự án, tỷ lệ giải ngân VĐTC đạt thấp hơn dự kiến, nhất là các dự án sử dụng nguồn CTMTQG, vốn NST.Ư trong nước. Thống kê đến ngày 31/5, số kế hoạch VĐTC năm 2024 đã giải ngân 501,5 tỷ đồng, đạt 15% kế hoạch TTCP giao, đạt 13% kế hoạch UBND tỉnh giao chi tiết đến từng dự án (cùng kỳ năm 2023 đạt 8% kế hoạch vốn TTCP giao, đạt 14% kế hoạch vốn UBND tỉnh giao chi tiết). Trong đó, vốn đầu tư trong cân đối ngân sách tỉnh giải ngân đạt 20% kế hoạch UBND tỉnh giao; nguồn NST.Ư trong nước giải ngân đạt 8% kế hoạch TTCP giao; nguồn vốn ODA giải ngân 20%; vốn thực hiện 3 CTMTQG giải ngân 3%. Đối với kế hoạch VĐTC được phép kéo dài thời gian thực hiện sang năm 2024, đã thực hiện giải ngân 78,9 tỷ đồng, trong đó, 3 CTMTQG giải ngân 23%; Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH giải ngân 0,7%.

Theo Sở KH&ĐT, tỷ lệ giải ngân kế hoạch VĐTC năm 2024 của tỉnh đạt thấp so với trung bình cả nước (ước giải ngân trung bình hết tháng 5/2024 của cả nước đạt 21%). Bên cạnh những nguồn vốn có tỷ lệ giải ngân đạt khá như vốn đầu tư theo tiêu chí, định mức ngân sách tỉnh (39%), nguồn xổ số kiến thiết (43%), nguồn đầu tư khác (23%)… thì các nguồn vốn chương trình đều có tỷ lệ giải ngân rất thấp (dưới 10%).

Nhìn lại kết quả giải ngân VĐTC năm 2023 có thể thấy, kết quả thực hiện 5 tháng đầu năm nay là "hồi chuông cảnh báo” đòi hỏi cấp thiết triển khai các giải pháp hữu hiệu hơn để đẩy nhanh tiến độ trong các tháng còn lại của năm, tránh rơi vào tình trạng không hoàn thành kế hoạch như năm 2023. Theo báo cáo của UBND tỉnh, đến hết ngày 31/1/2024, tổng số kế hoạch VĐTC năm 2023 đã thực hiện giải ngân 3.698,9 tỷ đồng, chỉ đạt 37% so với số kế hoạch vốn TTCP và đạt 36% kế hoạch vốn UBND tỉnh đã giao chi tiết đến các dự án. Trong đó, nguồn vốn ngân sách tỉnh giải ngân đạt 55%, vốn NST.Ư trong nước đạt 84%, vốn nước ngoài đạt 41%, vốn thực hiện 3 CTMTQG đạt 78%, vốn thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH chỉ đạt 3%...

"Có nhiều nguyên nhân khiến tỷ lệ giải ngân VĐTC đạt thấp, cả khách quan lẫn chủ quan, cả nguyên nhân đã tồn tại nhiều năm và những vướng mắc mới nảy sinh trong quá trình thực hiện các dự án mang tính đột phá...” - nhiều chủ đầu tư xác nhận.

(Còn nữa)

Căn cứ theo quy định tại khoản 22, Điều 4, Luật Đầu tư công 2019, VĐTC gồm vốn ngân sách nhà nước và vốn từ nguồn thu hợp pháp của các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập dành để đầu tư theo quy định của pháp luật.

Cơ quan có trách nhiệm kiểm soát VĐTC là Kho bạc Nhà nước. Ngoài trách nhiệm kiểm soát, cơ quan Kho bạc Nhà nước còn có nhiệm vụ thanh toán VĐTC trong công tác đầu tư.

Thu Trang

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/12/190551/thao-go-vuong-mac-tr111ng-giai-ngan-von-dau-tu-cong.htm
Zalo