Tháo gỡ vướng mắc pháp lý, khơi thông nguồn lực phát triển đất nước

Với vai trò là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo rà soát, xử lý vướng mắc trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) do Thủ tướng Phạm Minh Chính làm Trưởng Ban, Bộ Tư pháp đã chủ động phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, cơ quan và địa phương trong việc rà soát, xử lý vướng mắc trong hệ thống VBQPPL và đề xuất sửa, bổ sung các luật bảo đảm thời gian, chất lượng.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Ban Chỉ đạo rà soát, xử lý vướng mắc trong hệ thống VBQPPL. (ảnh: VGP)

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Ban Chỉ đạo rà soát, xử lý vướng mắc trong hệ thống VBQPPL. (ảnh: VGP)

Tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh

Sau khi Ban Chỉ đạo được thành lập ngày 8/7/2024, Thường trực Chính phủ và Ban Chỉ đạo đã họp Phiên thứ nhất để xác định các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, trong đó xác định rõ các nhiệm vụ mà Bộ Tư pháp - cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo và các Bộ, ngành, địa phương cần tập trung thực hiện.

Trong đó, cần tập trung rà soát, sửa đổi các nội dung liên quan đến phân cấp, phân quyền; cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính; xóa bỏ cơ chế xin - cho; chống phiền hà, sách nhiễu, tăng chi phí cho người dân và doanh nghiệp; khơi thông, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển, lấy đầu tư công, nguồn lực Nhà nước dẫn dắt và kích hoạt mọi nguồn lực hợp pháp khác, trong đó, cả vốn đầu tư nước ngoài.

Trên cơ sở rà soát, xây dựng một luật sửa đổi, bổ sung một số luật với trình tự, thủ tục rút gọn để xử lý các vướng mắc theo nguyên tắc: Các Bộ, ngành chủ trì, soạn thảo luật sửa đổi các luật thuộc lĩnh vực quản lý của mình, báo cáo Chính phủ xem xét, trình Quốc tại Kỳ họp thứ 8 sắp tới.

Tại phiên họp Ban Chỉ đạo lần thứ hai, Bộ Tư pháp và Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính đã cho ý kiến về tiến độ và phạm vi sửa đổi đối với vướng mắc pháp lý của 13 luật.

Thực hiện Kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại phiên họp này, Bộ Tư pháp đã tổ chức phiên họp thẩm định đề nghị xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 4 luật: Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP), Luật Đấu thầu với sự chủ trì của Thứ trưởng Trần Tiến Dũng, thành viên Ban Chỉ đạo.

Theo đó, nguyên tắc lựa chọn sửa đổi, bổ sung quy định của các luật nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế mang tính cấp bách; tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh; đơn giản hóa thủ tục hành chính, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trên cơ sở bảo đảm hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; tăng cường kiểm tra, giám sát. Đồng thời, tập trung vào các nội dung đã xác định rõ phương án sửa đổi, bảo đảm không ảnh hưởng đến sự thống nhất chung của các luật, tránh tác động đến các quy định của pháp luật có liên quan, nhất là các luật vừa được Quốc hội thông qua; đồng thời bảo đảm tính ổn định để có thể kế thừa khi sửa đổi, bổ sung toàn diện các luật.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 4 luật nêu trên tập trung vào 8 chính sách, gồm:

Hoàn thiện các quy định về hệ thống quy hoạch quốc gia, mối quan hệ giữa các loại quy hoạch và kinh phí cho hoạt động quy hoạch để bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất của pháp luật về quy hoạch.

Hoàn thiện quy định về nội dung, kế hoạch thực hiện và điều chỉnh quy hoạch bảo đảm đơn giản hóa thủ tục hành chính, tăng cường phân cấp, phân quyền cho địa phương.

Tiếp tục tăng cường phân cấp thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư cho UBND cấp tỉnh đối với dự án xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, khu chế xuất; dự án đầu tư xây dựng mới: bến cảng, khu bến cảng có quy mô vốn đầu tư từ 2.300 tỷ đồng trở xuống thuộc cảng biển đặc biệt.

Xử lý một số vướng mắc phát sinh từ thực tiễn liên quan đến thẩm định chấp thuận chủ trương đầu tư đối với quy hoạch đô thị và chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư.

Mở rộng, đa dạng hóa lĩnh vực, hình thức, phương thức thực hiện dự án PPP; hoàn thiện cơ chế tài chính đối với dự án PPP nhằm tối đa hóa nguồn lực từ khu vực tư nhân, bảo đảm phát huy vai trò dẫn dắt của đầu tư công.

Đơn giản hóa thủ tục, đẩy mạnh phân cấp quản lý nhà nước đối với dự án PPP, tạo thuận lợi cho công tác chuẩn bị đầu tư, đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án.

Xử lý dứt điểm những khó khăn, vướng mắc đối với các dự án BOT, BT chuyển tiếp. Xử lý một số vướng mắc phát sinh từ thực tiễn liên quan đến quy trình, thủ tục thực hiện hoạt động đấu thầu và tăng cường phân cấp trong việc quyết định các nội dung về đấu thầu.

Thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng, thành viên Ban Chỉ đạo chủ trì cuộc họp thẩm định đề nghị xây dựng luật sửa đổi 4 luật trong lĩnh vực đầu tư, quy hoạch, đấu thầu.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng, thành viên Ban Chỉ đạo chủ trì cuộc họp thẩm định đề nghị xây dựng luật sửa đổi 4 luật trong lĩnh vực đầu tư, quy hoạch, đấu thầu.

Tiếp đó, Bộ Tư pháp cũng đã tiến hành thẩm định đề nghị xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 7 Luật trong lĩnh vực tài chính bao gồm: Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế, Luật Dự trữ quốc gia.

Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của 7 Luật trên sẽ thể chế hóa đầy đủ các chủ trương, định hướng của Đảng, Nhà nước; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong việc xây dựng cơ chế, chính sách, pháp luật, quy hoạch, kiểm tra, giám sát. Đồng thời thúc đẩy đơn giản hóa thủ tục hành chính; xóa bỏ cơ chế xin - cho; khơi thông, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển, lấy đầu tư công, nguồn lực nhà nước dẫn dắt và kích hoạt mọi nguồn lực hợp pháp khác; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, “điểm nghẽn” để thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô.

Theo đề nghị xây dựng Luật, Bộ Tài chính xây dựng 18 chính sách để sửa đổi, bổ sung một số điều của 7 Luật; bám sát theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ - Trưởng Ban Chỉ đạo để thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô; trong đó tập trung vào một số vấn đề cấp bách về phân cấp, phân quyền, thủ tục hành chính.

Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo củng cố thêm nội dung về mối liên quan giữa 7 Luật này, sự phù hợp với điều ước quốc tế và cải cách thủ tục hành chính; đồng thời thuyết minh thêm về tính cấp bách, sự cần thiết để đề xuất xây dựng Luật này theo quy trình rút gọn, thông qua trong 1 kỳ họp Quốc hội.

Về sự phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước, Thứ trưởng yêu cầu cơ quan chủ trì soạn thảo bổ sung cơ sở chính trị để ban hành Luật là Nghị quyết số 27-NQ/TW về tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới, trong đó có chủ trương về hoàn thiện hệ thống pháp luật đồng bộ, khả thi, minh bạch, dễ tiếp cận; thể chế, chi tiết hóa đầy đủ các nội dung để tránh tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm.

Ngoài ra, Bộ Tư pháp cũng đã tiến hành thẩm định đề nghị xây dựng Luật Đầu tư công (sửa đổi), dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Nhiều đề xuất thông qua công tác kiểm tra

Cùng với việc tổ chức các phiên họp thẩm định, Bộ Tư pháp cũng đã phối hợp với một số Bộ, ngành tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành tiến hành kiểm tra công tác xử lý, rà soát, hệ thống hóa VBQPPL tại một số Bộ, ngành, địa phương. Mới đây nhất là Đoàn kiểm tra liên ngành do Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh làm Trưởng đoàn kiểm tra công tác VBQPPL tại thành phố Đà Nẵng, Cà Mau, Bộ Ngoại giao…

Tại các buổi kiểm tra, trên cơ sở thông tin báo cáo của Bộ, ngành, địa phương, các thành viên trong Đoàn kiểm tra liên ngành đã có phản hồi, yêu cầu cung cấp, làm rõ thêm một số thông tin để có đánh giá tổng thể, khách quan về công tác kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa VBQPPL tại đơn vị, địa bàn như: Việc xây dựng, ban hành thể chế; tình hình đội ngũ công chức làm công tác kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa VBQPPL; tình hình xử lý các văn bản chưa phù hợp với quy định;…

Từ những ý kiến trao đổi tại các cuộc kiểm tra, Trưởng đoàn đã nêu ra những yêu cầu để bảo đảm chất lượng công tác xây dựng, kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa VBQPPL tại nơi được tiến hành kiểm tra. Trong đó, tập trung vào một số nội dung như: tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý VBQPPL trái pháp luật; siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đề cao trách nhiệm, nhất là trách nhiệm người đứng đầu trong công tác xây dựng pháp luật theo Nghị quyết số 27-NQ/TW.

Bên cạnh đó là kiểm soát chặt chẽ chất lượng, tiến độ xây dựng, ban hành VBQPPL, tuân thủ nghiêm trình tự, thủ tục xây dựng, ban hành VBQPPL và các trường hợp ban hành VBQPPL theo trình tự, thủ tục rút gọn theo đúng quy định. Thường xuyên rà soát, xử lý hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý các VBQPPL theo đúng quy định; gắn kết chặt chẽ công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa VBQPPL với công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật. Quan tâm, chú trọng kiện toàn đội ngũ cán bộ làm công tác tư pháp, pháp chế; bố trí kinh phí bảo đảm cho công tác xây dựng, ban hành và kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa VBQPPL nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Tăng cường sự phối hợp trong công tác xây dựng, ban hành và kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa VBQPPL…

Cục Kiểm tra VBQPPL, Bộ Tư pháp cũng đã chủ động tổ chức các cuộc kiểm tra theo địa bàn với nội dung kiểm tra các VBQPPL do HĐND, UBND tỉnh, thành phố ban hành. Đồng thời phối hợp Sở Tư pháp các địa phương như Hà Tĩnh, Đà Nẵng, Hậu Giang tổ chức các hội thảo, tọa đàm, tập huấn như: Tập huấn nghiệp vụ xây dựng, kiểm tra, rà soát VBQPPL; Hội thảo nâng cao chất lượng xây dựng, ban hành VBQPPL của địa phương; Tọa đàm về tình hình thực hiện công tác kiểm tra văn bản, xử lý VBQPPL; Hội thảo trao đổi, cho ý kiến đối với kết quả kiểm tra VBQPPL liên quan đến tổ chức, quản lý và hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2018 - 2023…

Lê Hồng

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/thao-go-vuong-mac-phap-ly-khoi-thong-nguon-luc-phat-trien-dat-nuoc-post523644.html
Zalo