Tháo gỡ rào cản tài chính cho khoa học công nghệ

Cho ý kiến dự thảo Luật Khoa học Công nghệ và Đổi mới sáng tạo, đại biểu cho rằng, cần dành tối thiểu 20% kinh phí khoa học công nghệ hàng năm cho sản phẩm nội.

Chiều 13/5, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo. Với 40 đại biểu Quốc hội đăng ký phát biểu góp ý, các đại biểu tập trung vào các nội dung nhằm tháo gỡ rào cản tài chính, thủ tục và tạo động lực thực chất cho doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu, đổi mới sáng tạo, nâng sức cạnh tranh quốc gia.

Chấp nhận rủi ro nhưng có kiểm soát

Phát biểu tại phiên thảo luận về dự thảo Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Hải Dương) nhấn mạnh: Đây là dự luật có vai trò nền tảng trong phát triển kinh tế tri thức và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Đại biểu đồng tình với đề xuất thành lập 5 loại quỹ phục vụ hoạt động nghiên cứu, đổi mới sáng tạo.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Hải Dương)

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Hải Dương)

Việc thiết lập các quỹ này là cần thiết để bảo đảm tính đa tầng, đa mục tiêu trong tài trợ và đầu tư. Mỗi quỹ nên có chức năng riêng biệt và phối hợp theo cơ chế điều phối chung, tránh chồng chéo, hình thức hóa”- đại biểu nhấn mạnh.

Ủng hộ việc luật hóa tinh thần “chấp nhận rủi ro” trong nghiên cứu, đổi mới sáng tạo, điều cốt lõi của tiến bộ khoa học, nhưng đại biểu cảnh báo nguy cơ bị lạm dụng nếu thiếu quy định minh bạch.

Đồng thời, cần phân định rõ rủi ro chuyên môn với sai phạm đạo đức; thành lập hội đồng độc lập đánh giá rủi ro và xây dựng quỹ riêng cho nghiên cứu mạo hiểm, hoạt động theo cơ chế “đầu tư rủi ro công”.

Đại biểu cho rằng, các tiêu chí hiện tại như bằng sáng chế, giải thưởng hay khởi nghiệp chủ yếu phù hợp với ngành kỹ thuật, công nghệ, chưa bao quát đặc thù của khoa học xã hội và nhân văn.

Do vậy, đại biểu đề nghị bổ sung tiêu chí phù hợp từng nhóm ngành như đóng góp vào chính sách, giáo dục hay công trình có sức lan tỏa học thuật, nhằm tôn vinh đúng người có đóng góp thực chất trong cả ba lĩnh vực khoa học.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga đánh giá, việc tập trung nghiên cứu cơ bản tại các cơ sở giáo dục đại học là hướng đi đúng. Tuy nhiên, cần thực hiện một cách bài bản, có đánh giá năng lực các trường, tránh dàn trải, manh mún. Cần tiếp tục đầu tư cho các viện nghiên cứu chuyên sâu, nơi đang nắm giữ các nhiệm vụ khoa học chiến lược mà trường đại học khó đảm đương.

Toàn cảnh phiên họp chiều ngày 13/5. Ảnh: VPQH

Toàn cảnh phiên họp chiều ngày 13/5. Ảnh: VPQH

Việc “chuyển dịch” không nên hiểu đơn thuần là rút về đại học mà cần cơ chế liên kết chặt chẽ giữa trường, viện; chia sẻ cơ sở vật chất nghiên cứu, nhiệm vụ đào tạo và tài trợ đề tài”- đại biểu nêu và nhấn mạnh “Không có nghiên cứu cơ bản nếu thiếu đội ngũ toàn tâm, dài hạn".

Tối thiểu 20% ngân sách khoa học phải dành cho sản phẩm nội địa

Góp ý vào dự thảo Luật, đại biểu Trần Thị Nhị Hà (Đoàn TP. Hà Nội) cho biết, Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị cũng đã xác định rõ: “Người đứng đầu phải trực tiếp phụ trách, chỉ đạo; cán bộ, đảng viên phải gương mẫu thực hiện”, nhằm nhấn mạnh vai trò then chốt của người đứng đầu trong phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo".

Đại biểu nhấn mạnh: “Dự thảo Luật chưa thể chế hóa đầy đủ nội dung trên” và đề nghị bổ sung nội dung quy định rõ trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu các cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị; phải trực tiếp phụ trách, lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện các nhiệm vụ khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, chịu trách nhiệm trực tiếp trước cấp ủy về kết quả triển khai.

Đại biểu Trần Thị Nhị Hà (Đoàn TP. Hà Nội). Ảnh: VPQH

Đại biểu Trần Thị Nhị Hà (Đoàn TP. Hà Nội). Ảnh: VPQH

Theo đại biểu, Điều 12 và dự thảo Nghị định kèm theo, chưa thể hiện rõ tính bắt buộc và tính định hướng, dẫn đến nguy cơ hình thức trong thực hiện và khó tạo ra chuyển biến thực chất.

Do vậy, đại biểu Trần Thị Nhị Hà đề nghị, hằng năm các bộ, ngành, địa phương cần xây dựng Danh mục sản phẩm khoa học và công nghệ đặt hàng, trong đó mô tả rõ đầu ra, địa chỉ ứng dụng và tiêu chí đánh giá, trên cơ sở nhu cầu thực tiễn và yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội.

Đồng thời, quy định tối thiểu 20% kinh phí sự nghiệp khoa học và công nghệ hằng năm phải dành cho đặt hàng sản phẩm trong nước; bổ sung quy định về phương án tài chính theo hướng khoán chi, nhằm đơn giản thủ tục, tăng tính chủ động cho tổ chức chủ trì, đi kèm là cơ chế hỗ trợ đầu ra, chuyển giao và thương mại hóa kết quả nghiên cứu.

Gỡ nút thắt cho quỹ khoa học công nghệ doanh nghiệp

Theo đại biểu Trần Thị Nhị Hà, theo Nghị định 95/2014 doanh nghiệp nhà nước phải trích lập Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ từ 3 - 10% thu nhập tính thuế, doanh nghiệp ngoài nhà nước được trích tối đa 10%. Nghị quyết 193/2025 đã cho phép doanh nghiệp đầu tư công nghệ cao được trích tối đa 20%.

"Tuy nhiên, Dự thảo Luật mới lại giới hạn mức trích lập tối đa chỉ 5%, đi ngược tinh thần khuyến khích đổi mới tại Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị"- đại biểu nhận xét và cho hay, doanh nghiệp hiện gặp nhiều khó khăn khi sử dụng quỹ do vướng mắc từ quy định tại Thông tư 67/2022 của Bộ Tài chính, như việc xác định chi phí hợp lệ, lập dự toán và quy trình hành chính phức tạp.

Do đó, đại biểu kiến nghị nâng mức trích lập tối đa lên 15%, riêng doanh nghiệp công nghệ cao là 20%. Đồng thời, cần mở rộng danh mục chi từ quỹ, cho phép chi cho nhân sự, chuyên gia, vật tư thử nghiệm, hội thảo chuyên ngành, thiết bị… Giao Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn danh mục cụ thể, không bắt buộc lập đề tài cho từng khoản chi, giúp doanh nghiệp sử dụng quỹ linh hoạt và thực chất hơn.

Dự thảo luật lần này nhằm sửa đổi toàn diện Luật Khoa học và công nghệ năm 2013, với mục tiêu thúc đẩy đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và hỗ trợ phát triển kinh tế số.

Dự thảo luật hướng tới việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo như một động lực chính cho tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững; tăng cường liên kết giữa các viện nghiên cứu, trường đại học và doanh nghiệp trong hoạt động nghiên cứu và phát triển; đổi mới cơ chế quản lý, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Thu Hường

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/thao-go-rao-can-tai-chinh-cho-khoa-hoc-cong-nghe-387391.html
Zalo