Tháo gỡ rào cản, mở lối cho tín dụng xanh phát triển
Tín dụng xanh đang từng bước khẳng định vai trò trong quá trình chuyển đổi sang kinh tế xanh, song vẫn còn nhiều 'nút thắt' cần tháo gỡ để dòng vốn này phát huy hết tiềm năng.
Mới đây, tại một tọa đàm về phát triển tài chính xanh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, TS. Nguyễn Quốc Hùng thẳng thắn chỉ ra, một trong những rào cản lớn nhất hiện nay là khung pháp lý chưa thật sự đồng bộ và hoàn thiện.
Đây là trở ngại không nhỏ đối với các ngân hàng và tổ chức tín dụng, được xem là kênh dẫn vốn chủ lực của nền kinh tế trong việc thúc đẩy các lĩnh vực ưu tiên như năng lượng tái tạo, nông nghiệp bền vững, tiết kiệm năng lượng hay xử lý chất thải.
Cần chính sách hỗ trợ mạnh mẽ
Ông Trần Phương, Chủ nhiệm Ủy ban Chính sách, Phó Tổng Giám đốc BIDV cho biết, tốc độ tăng trưởng tín dụng xanh hàng năm đạt khoảng 20%, cao hơn mức tăng trưởng tín dụng bình quân của toàn nền kinh tế. Đến ngày 31-3-2025, đã có 58 tổ chức tín dụng phát sinh dư nợ tín dụng xanh với tổng dư nợ mới đạt 704.200 tỉ đồng, tương đương 4,3% tổng dư nợ toàn nền kinh tế. Trong đó, tín dụng năng lượng tái tạo và năng lượng sạch chiếm 37%, còn nông nghiệp xanh chiếm 29%.
“Tuy nhiên, nếu so với nhu cầu vốn cho quá trình chuyển đổi xanh thì con số này vẫn còn rất khiêm tốn. Trong 5 năm qua, chỉ có khoảng 1,16 tỉ USD trái phiếu xanh được phát hành, trong khi mỗi năm Việt Nam cần tới 20 tỉ USD để đáp ứng mục tiêu phát triển xanh”- ông Phương nói.

Tín dụng xanh được kỳ vọng sẽ trở thành đòn bẩy thúc đẩy kinh tế xanh tại Việt Nam, nhưng vẫn đối mặt nhiều rào cản về pháp lý, chi phí và cơ chế hỗ trợ. Ảnh: T.L
Từ góc nhìn ngân hàng thương mại, TS. Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Trưởng Ban chỉ đạo ESG của Agribank cho biết: “Tín dụng xanh tại Agribank đã tăng từ 0,9% năm 2020 lên 1,7% năm 2024. Riêng trong năm 2023, ngân hàng này đã cấp tín dụng xanh cho hơn 42.000 khách hàng với dư nợ gần 29.000 tỉ đồng. Trong đó, năng lượng sạch chiếm 53%, lâm nghiệp bền vững chiếm gần 24%, còn nông nghiệp xanh chiếm hơn 22%".
TS. Nguyễn Quốc Hùng đánh giá, để đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, Việt Nam cần huy động khoảng 6,8% GDP mỗi năm, tương đương 368 tỉ USD từ nay đến 2050 (theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới). Trong khi đó, vốn ngân hàng là vốn tập trung, có kỳ hạn ngắn, nên cần có thêm các cơ chế huy động hiệu quả nguồn lực trong và ngoài nước, đặc biệt là vốn tư nhân, để đẩy mạnh tài chính xanh.
Phân tích thêm các rào cản, bà Phạm Thị Thanh Tùng, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước cho rằng tín dụng xanh đang đối mặt với nhiều thách thức từ thể chế đến thị trường. Cụ thể, khung chính sách chưa hoàn thiện, khó khăn trong huy động vốn dài hạn do ảnh hưởng từ kinh tế chính trị toàn cầu, lãi suất USD cao, rủi ro tỉ giá lớn. Ngoài ra, doanh nghiệp còn gặp áp lực chi phí đầu tư hệ thống quản trị, nâng cao năng lực, trong khi nhận thức chưa đồng đều và thiếu hệ thống thông tin môi trường dễ tiếp cận.
Ngân hàng cần 'xanh hóa' từ bên trong
Trước thực tế đó, lãnh đạo một số ngân hàng đề xuất bốn nhóm giải pháp trọng tâm để tháo gỡ vướng mắc và khơi thông dòng vốn xanh.
Thứ nhất, cần hoàn thiện khung pháp lý và cơ chế ưu đãi tài chính. Cụ thể, Nhà nước nên sớm ban hành hướng dẫn thực hiện Quyết định số 21 về phân loại dự án xanh, đồng thời miễn hoặc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp đối với phần thu nhập từ hoạt động cho vay xanh. Song song, nên có cơ chế cấp bù hoặc trợ cấp lãi suất cho các dự án nông nghiệp xanh, hữu cơ hoặc tuần hoàn để giảm chi phí vay vốn.
Thứ hai, cần có chính sách khuyến khích thực chất đối với các tổ chức tín dụng đi đầu trong tín dụng xanh. Ngân hàng Nhà nước có thể giảm tỉ lệ dự trữ bắt buộc hoặc lãi suất tái cấp vốn cho các ngân hàng có tỉ trọng tín dụng xanh cao, tạo động lực dịch chuyển danh mục tín dụng theo hướng xanh hóa.
Thứ ba, cần sớm ban hành hướng dẫn về quản lý rủi ro xã hội trong cấp tín dụng, xây dựng bộ tiêu chí rủi ro xã hội theo chuẩn quốc tế. Điều này sẽ giúp các ngân hàng hoàn thiện hệ thống quản trị rủi ro môi trường xã hội và đáp ứng yêu cầu từ các tổ chức tài chính quốc tế khi tiếp nhận vốn tài trợ và đầu tư.
Thứ tư, các bên đề xuất xây dựng cơ sở dữ liệu tập trung về đánh giá rủi ro môi trường xã hội, kèm theo cơ chế chia sẻ minh bạch để tổ chức tín dụng có thể khai thác hiệu quả, hỗ trợ quá trình thẩm định và ra quyết định cấp tín dụng xanh.
Ông Nguyễn Tùng Anh, Trưởng bộ phận Nghiên cứu Rủi ro tín dụng và Tài chính bền vững cho rằng, các ngân hàng và tổ chức tín dụng không chỉ là đơn vị cấp vốn mà còn đóng vai trò phát hành trái phiếu xanh. Do đó, cần thiết lập bộ tiêu chuẩn tín dụng xanh rõ ràng, làm căn cứ thẩm định và đánh giá rủi ro, tác động môi trường của từng dự án.
Ngoài ra, sản phẩm tín dụng xanh cũng cần được thiết kế đa dạng, phù hợp với từng ngành nghề và lĩnh vực xanh hóa, tránh tình trạng một “khuôn” áp cho tất cả. Đồng thời, các ngân hàng cần đào tạo và nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, cập nhật chuẩn mực quốc tế, đảm bảo việc thẩm định và giám sát tín dụng xanh diễn ra minh bạch, hiệu quả.
“Mỗi khoản vay xanh đều cần được giám sát chặt chẽ về mục đích sử dụng, hiệu quả môi trường và trách nhiệm xã hội. Việc công bố thông tin định kỳ, minh bạch về các khoản tín dụng xanh không chỉ là yêu cầu về quản trị mà còn là yếu tố tăng uy tín và khả năng tiếp cận vốn của chính ngân hàng đó”- ông Tùng Anh nhấn mạnh.