Lãi suất thấp, huy động vốn chậm, ngân hàng đẩy mạnh phát hành trái phiếu

Ngân hàng đẩy mạnh phát hành trái phiếu để hưởng lợi từ môi trường lãi suất thấp, đồng thời để đáp ứng nhu cầu tín dụng đang tăng mạnh.

Trái phiếu ngân hàng chiếm áp đảo

Theo thống kê của FiinRatings, giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) tăng đột biến trong tháng 6 khi đạt 105,5 nghìn tỷ (tăng 52,4% so với tháng trước). Trong đó, phát hành riêng lẻ trong tháng chiếm 100% và không có phát hành ra công chúng.

Tổng kết 6 tháng đầu năm, giá trị phát hành đạt 248,6 nghìn tỷ (tăng 71,2% so với cùng kỳ năm ngoái), phát hành riêng lẻ chiếm 88,8% (tăng 72,4% so với cùng kỳ), phát hành ra công chúng chiếm 11,2% (tăng 62,3% so với cùng kỳ).

Có tới 76% giá trị phát hành đến từ tổ chức tín dụng. Cơ cấu của nhóm doanh nghiệp phi tài chính giảm xuống chiếm 24% tổng giá trị phát hành, song giá trị phát hành vẫn có sự phục hồi (tăng 17,1% so với cùng kỳ năm ngoái).

Về lãi suất phát hành, trong 6 tháng đầu năm tổ chức tín dụng phát hành với lãi suất trung bình 5,5% trong 3,7 năm, doanh nghiệp phi ngân hàng trung bình 9,9% trong 3,4 năm.

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp sôi động hơn trong 6 tháng đầu năm nay

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp sôi động hơn trong 6 tháng đầu năm nay

Theo FiinRatings, trong 6 tháng đầu năm, tốc độ tăng trưởng huy động vốn của các ngân hàng đạt 6,57% so với cuối năm 2024, thấp hơn đáng kể so với mức tăng trưởng tín dụng 9,9% so với cuối năm và tăng 19,4% so với cùng kỳ năm trước.

Lý do tăng trưởng huy động tiền gửi chậm lại một phần do chủ trương giữ lãi suất huy động thấp trong khi ngân hàng thương mại (NHTM) vẫn phải duy trì đảm bảo tỷ lệ LDR (dư nợ cho vay/tổng tiền gửi) và hệ số sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung - dài hạn.

Hơn nữa, nhằm đáp ứng nhu cầu tăng trưởng tín dụng cao trong bối cảnh nới lỏng tiền tệ nhằm hỗ trợ tăng trưởng, nhiều NHTM đã có kế hoạch tăng vốn cổ phần và chào bán chiến lược. Tuy nhiên, hoạt động trên đòi hỏi nhiều thời gian, dẫn đến kênh trái phiếu ngân hàng trong thời gian qua được đẩy mạnh để hưởng lợi từ bối cảnh lãi suất huy động thấp và ổn định hiện nay.

“Chúng tôi đánh giá điều này cấp thiết bởi Hệ số an toàn vốn của toàn ngành hiện ở mức khá thấp (12,5% vào cuối 2024). Ngoài ra, ngân hàng hiện vẫn là nhóm nhà đầu tư chủ lực trên thị trường TPDN, qua đó gián tiếp đáp ứng nhu cầu vốn đang tăng cao của khối doanh nghiệp phi ngân hàng, đặc biệt phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh” - báo cáo của FiinRatting cho biết.

Về phía doanh nghiệp phát hành, môi trường lãi suất trong nước thấp như hiện tại làm tăng tính hấp dẫn của kênh huy động vốn TPDN, thay vì lựa chọn vay dài hạn bằng ngoại tệ để tài trợ các dự án có nhu cầu chi phí vốn lớn.

Tình hình chậm trả được cải thiện

Hoạt động mua lại của thị trường trong tháng 6/2025 diễn ra sôi động, đạt 48,7 nghìn tỷ (gấp 1,2 lần so với tháng trước và tăng 91,5% so với cùng kỳ năm ngoái). Trong đó, động lực mua lại chủ yếu đến từ các tổ chức tín dụng (80,5%), bất động sản (6,0%).

Tổng kết 6 tháng 2025, giá trị mua lại của tổ chức phát hành đạt 110 nghìn tỷ (+42,7% so với cùng kỳ năm ngoái), chủ yếu là nhóm tổ chức tín dụng (55,0%) và bất động sản (22,1%).

Trong 6 tháng cuối, giá trị đáo hạn đạt 125,0 nghìn tỷ, với cơ cấu đáo hạn chính gồm bất động sản (53%), tổ chức tín dụng (22,4%), thương mại dịch vụ (8%). Dự kiến áp lực trả nợ sẽ gia tăng trong nửa cuối 2025 và năm 2026 do đây là điểm đáo hạn mới của đa số DN gia hạn trái phiếu theo Nghị định 08 trước đó.

Thị trường trong tháng 6 ghi nhận thêm 4,5 nghìn tỷ TPDN có vấn đề từ các doanh nghiệp, nâng tổng giá trị này lên 23 nghìn tỷ trong 6 tháng đầu năm (giảm 31,0% so với cùng kỳ năm ngoái).

Trong đó, 45,8% giá trị TPDN có vấn đề đến từ nhóm ngành bất động sản, 16,4% từ ngành sản xuất, 8,7% từ ngành xây dựng và 28,6% còn lại đến từ các lĩnh vực khác.

Đáng chú ý, nhiều doanh nghiệp có TPDN vấn đề trong tháng 6 có sức khỏe tín dụng yếu đi trong nhiều năm và đã xảy ra tình trạng chậm trả/giãn hoãn từ trước, hoặc cùng trong hệ sinh thái với các tổ chức phát hành có TPDN vấn đề trước đó.

Hưởng lợi từ quy định pháp lý tháo gỡ và bảng giá đất hoàn chỉnh, các DN ngành bất động sản thể hiện dấu hiệu phục hồi tình hình kinh doanh và có nhiều động thái tích cực trong việc xử lý trái phiếu đã vi phạm/giãn hoãn.

Bên cạnh đó, vẫn có một số lô trái phiếu ghi nhận tình trạng tái chậm trả gốc/lãi trong 6 tháng đầu năm do doanh nghiệp chưa kịp phục hồi thanh khoản để thanh toán cho trái chủ.

“Trong các tháng cuối năm, chúng tôi kỳ vọng hoạt động chậm trả và giãn hoãn vẫn sẽ tiếp diễn, song giá trị sẽ thấp hơn giai đoạn đỉnh các năm trước” - FiinRatings dự báo.

Nhật Linh

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/lai-suat-thap-huy-dong-von-cham-ngan-hang-day-manh-phat-hanh-trai-phieu-post617825.antd
Zalo