Tháo gỡ rào cản để doanh nghiệp nhỏ tiếp cận tài chính xanh hiệu quả hơn
Các quỹ đầu tư quốc tế đang sẵn sàng rót vốn vào các dự án xanh. Tuy nhiên, việc tiếp cận nguồn vốn này không hề đơn giản, đặc biệt là với các doanh nghiệp (DN) vừa và nhỏ (SMEs).
Khó tiếp cận dòng tài chính "xanh"
Chia sẻ tại Hội thảo “Thúc đẩy đầu tư xanh và thị trường tài chính xanh - Hướng tới mục tiêu Net zero tại Việt Nam” tổ chức sáng ngày 26/11, ông Lê Trung Thông - Giám đốc Công ty Lagom Việt Nam cho biết, trong hành trình 5 năm khởi nghiệp trong lĩng vực thu gom và tái chế rác thải nhựa, DN của ông đã phải đối mặt với nhiều khó khăn, đặc biệt là vấn đề tiếp cận vốn để phát triển công nghệ và hoàn thiện ý tưởng liên quan đến những dự án "xanh".
Các định chế tài chính lớn thường yêu cầu nhiều tiêu chí khắt khe, trong khi nguồn vốn cho vay tối thiểu lại quá lớn so với nhu cầu của các DN nhỏ. Mặc dù Quỹ Bảo vệ Môi trường Việt Nam thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường, cung cấp các khoản vay ưu đãi để hỗ trợ các dự án bảo vệ môi trường, bao gồm các dự án quy mô nhỏ, nhưng yêu cầu hồ sơ cũng tương đương như với các dự án lớn và yêu cầu tài sản thế chấp để bảo đảm. Điều này tạo ra áp lực lớn đối với các DN nhỏ.
Với các tổ chức tín dụng, bao gồm các ngân hàng thương mại, việc tiếp cận tín dụng xanh cũng không hề dễ dàng với DN. Theo ông Thông, các ngân hàng ưu tiên cấp tín dụng cho các lĩnh vực tiềm năng như năng lượng tái tạo, năng lượng sạch... , vì các lĩnh vực này có tiềm năng rõ ràng và hiệu quả thu hồi vốn cao. Tuy nhiên, các dự án thuộc lĩnh vực khác, đặc biệt là của các SMEs, lại gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận vốn. Điều này gây ra rào cản lớn cho những DN đang triển khai sáng kiến mới nhưng chưa thể chứng minh hiệu quả đầu tư một cách rõ ràng trong thời gian ngắn.
"Chính vì những khó khăn này, nhiều DN đã phải tìm đến các khoản vay thương mại, thay vì vay theo ưu đãi "xanh". Một số DN như Lagom, đã quyết định từ bỏ tín dụng "xanh" và chuyển sang tìm kiếm nguồn vốn từ các cổ đông cá nhân", ông Thông trăn trở.
Câu chuyện của Lagom không phải là trường hợp hiếm gặp trong cộng đồng DN SMEs tại Việt Nam. Những khó khăn của DN cũng phản ánh đúng tình hình thực tế của thị trường tài chính xanh ở Việt Nam trong thời gian qua.
Cụ thể, dù đã được triển khai tại Việt Nam khoảng 10 năm nay nhưng quy mô còn khiêm tốn. Tính đến 30/9/2024, mới có khoảng 50 tổ chức tín dụng phát sinh dư nợ tín dụng xanh với dư nợ đạt trên 665 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 4,5% tổng dư nợ toàn nền kinh tế và chủ yếu tập trung ở một số ngành như năng lượng tái tạo, năng lượng sạch (chiếm hơn 43%) và nông nghiệp xanh (trên 30%).
Ngoài ra, quy mô phát hành trái phiếu bền vững của Việt Nam giai đoạn 2021-2024 dao động từ 75 - 250 triệu USD. Con số này còn khá khiêm tốn so với tổng giá trị phát hành 250 tỷ USD của các quốc gia khu vực ASEAN+3.
Giáp pháp đồng bộ từ nhiều phía
Trong khi tài chính xanh được xem là động lực thúc đẩy phát triển bền vững, việc thiếu các cơ chế linh hoạt dành cho các SMEs khiến họ khó có cơ hội đóng góp tích cực vào các mục tiêu xanh của quốc gia. Điều này đặt ra nhu cầu cấp thiết về các giải pháp tài chính phù hợp hơn để hỗ trợ các DN SMEs phát triển trong tương lai.
TS. Phạm Nguyễn Anh Huy - Giảng viên cấp cao ngành Tài chính, Đại học RMIT Việt Nam, thành viên thường trực Hiệp hội Tài chính Hoa Kỳ, cho rằng các ngân hàng và tổ chức tín dụng trung gian cần đóng vai trò chủ đạo trong việc giải quyết những trở ngại giữa nguồn vốn quốc tế lớn và nhu cầu của các DN trong nước. Ông đề xuất rằng sau khi huy động được vốn từ các tổ chức quốc tế, những tổ chức này nên áp dụng các tiêu chuẩn linh hoạt hơn, được điều chỉnh phù hợp với đặc thù và nhu cầu thực tế của các SMEs tại Việt Nam. Điều này sẽ tạo điều kiện để các DN dễ dàng tiếp cận hơn với các hình tài chính xanh đa dạng hơn.
Ông nhấn mạnh: “Điều quan trọng là phải đảm bảo các tiêu chí giám sát chặt chẽ về việc sử dụng nguồn vốn, vốn tín dụng xanh chỉ nên được sử dụng cho các dự án xanh. Bởi trên thực tế, đã từng có các trường hợp quốc tế sử dụng nguồn vốn sai mục đích, dẫn đến thất thoát hoặc không đạt được mục tiêu môi trường như cam kết ban đầu.”
Tuy nhiên, TS. Nguyễn Phương Nam - CEO Công ty Tư vấn và Dịch vụ Đổi mới Khí hậu KLINOVA, lại cho rằng khó có thể thay đổi những yêu cầu khắt khe từ các định chế tài chính lớn. Khi họ rót vốn luôn đặt ra tiêu chuẩn cao về tính minh bạch và hiệu quả, vì vậy các tổ chức tín dụng, dù là trung gian, cũng cần phải tuân thủ rất nghiêm ngặt.
“Chính vì vậy, thay vì trông chờ vào sự linh hoạt từ bên ngoài, DN cần tự nâng cao năng lực quản trị và quản lý tài chính để sẵn sàng tham gia "cuộc chơi" với các tiêu chuẩn quốc tế”, ông Nam nói.
Từ góc nhìn của các DN, ông Lê Trung Thông đề xuất Chính phủ cần có các quỹ khởi nghiệp sáng tạo, quỹ khởi nghiệp xanh cho những DN SMEs tiếp cận nguồn vốn dưới hình thức tài trợ có điều kiện, tạo động lực tài chính cho họ trong giai đoạn đầu. Đặc biệt, quỹ này cần ưu tiên các DN nhỏ, thậm chí là siêu nhỏ khi họ có ý tưởng hay và các dự án mang tính sáng tạo cao.
Thứ hai, ông đề xuất cần có dịch vụ công để hỗ trợ DN SMEs trong quá trình triển khai các dự án xanh, đặc biệt là trong giai đoạn đầu còn nhiều khó khăn.
"Điều này xuất phát từ thực tế nhiều DN gặp phải khi bắt đầu tiếp cận tín dụng xanh, đó là việc không đủ khả năng tài chính để chi trả cho các dịch vụ tư vấn và thẩm định ban đầu. Điều này đã vô tình loại các DN SMEs ra ngoài cuộc chơi, vì chi phí dịch vụ thẩm định chỉ phù hợp với các DN lớn hơn", ông Thông nói.
Cuối cùng, cần xây dựng một cơ chế để tạo ra liên minh bao gồm các cơ quan quản lý, DN, nhà đầu tư và các bên liên quan quan tâm đến tài chính xanh. Liên minh này không chỉ giúp các bên kết nối mà còn chia sẻ giá trị, kiến thức và nguồn lực để đạt được những mục tiêu chung về phát triển bền vững.
TS. Lại Văn Mạnh - Trưởng Ban Kinh tế Tài nguyên và Môi trường, Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường, đề xuất DN nếu đầu tư vào các dự án có mục đích bảo vệ môi trường như xử lý chất thải, thu gom và xử lý chất thải hoặc bảo tồn, phục hồi các hệ sinh thái tự nhiên, phát triển các ngành kinh tế mang lại lợi ích cho môi trường như nông nghiệp xanh, giao thông xanh… có thể tiếp cận với các kênh tín dụng từ các ngân hàng thương mại như BIDV, Vietin Bank, HSBC, vốn đã cung cấp tín dụng xanh ở Việt Nam.
Bên cạnh đó, ông cho biết, hiện nay rất nhiều địa phương đã bắt đầu phát hành trái phiếu xanh. Bộ Tài chính đang tổng hợp tất cả các nhu cầu phát hành trái phiếu xanh của các bộ, ngành và địa phương, với kỳ vọng trong thời gian tới sẽ phát hành một gói trái phiếu xanh Chính phủ.
Chuỗi hội thảo “Thúc đẩy đầu tư xanh và thị trường tài chính xanh - Hướng tới mục tiêu Net zero tại Việt Nam” tại 3 miền Bắc - Trung - Nam do Trung tâm Truyền thông Tài nguyên và Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) phối hợp cùng Tạp chí Kinh tế Việt Nam tổ chức nhằm tạo sự quan tâm của các nhà đầu tư về cơ hội đầu tư xanh cũng như khuyến khích DN đầu tư các dự án thân thiện với môi trường thông qua các công cụ tài chính xanh.