Tháo gỡ rào cản để bứt phá
Trên đà phát triển của nền kinh tế Việt Nam, khu vực kinh tế tư nhân đã vươn lên mạnh mẽ, trở thành một trụ cột không thể thiếu, một động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng. Nếu như trong những ngày đầu của công cuộc đổi mới, nền kinh tế chủ yếu dựa vào khu vực nhà nước và nguồn vốn đầu tư nước ngoài, thì ngày nay, kinh tế tư nhân đã chứng tỏ vị thế, khẳng định vai trò then chốt trong việc tạo việc làm, đóng góp ngân sách và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Từ một bộ phận nhỏ bé trong nền kinh tế, khu vực này đã vươn lên mạnh mẽ, trở thành động lực chủ yếu của tăng trưởng, với gần một triệu doanh nghiệp, khoảng năm triệu hộ kinh doanh cá thể. Hiện nay, kinh tế tư nhân đóng góp hơn 51% GDP, tạo ra hơn 40 triệu việc làm, chiếm hơn 82% tổng số lao động trong nền kinh tế và đóng góp khoảng 30% ngân sách nhà nước. Đó không chỉ là những con số đơn thuần mà là minh chứng cho sự trỗi dậy của khu vực kinh tế này trong bối cảnh hội nhập sâu rộng.
Sự phát triển của kinh tế tư nhân không chỉ thể hiện qua quy mô mà còn qua chất lượng. Nhiều doanh nghiệp tư nhân đã vươn xa, làm chủ thị trường nội địa và khẳng định thương hiệu trên đấu trường quốc tế. Các tập đoàn hàng đầu như: Vingroup, Masan, Vietjet, Sun Group, Thaco không chỉ là những điển hình thành công mà còn cho thấy tiềm năng to lớn của doanh nghiệp Việt Nam khi có một môi trường thuận lợi để phát triển.
Trong bài viết mới đây, Tổng Bí thư Tô Lâm đã đặt ra mục tiêu đến năm 2030, khu vực kinh tế tư nhân sẽ đóng góp khoảng 70% GDP, trở thành động lực chủ yếu thúc đẩy nền kinh tế. Hướng tới mục tiêu ấy, khu vực kinh tế tư nhân vẫn đang đối diện với nhiều thách thức về thể chế, đổi mới sáng tạo và nguồn nhân lực. Nhiều doanh nghiệp còn e ngại việc mở rộng quy mô vì vấp phải những rào cản về thể chế, thủ tục hành chính phức tạp. Còn đó những doanh nghiệp dù có khát vọng nhưng lại thiếu nguồn lực, thiếu công nghệ, thiếu chiến lược dài hơi để phát triển bền vững. Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Chí Dũng khẳng định một nghị quyết mới của Bộ Chính trị về kinh tế tư nhân sẽ được ban hành, với mục tiêu “tháo chốt”, khơi thông những điểm nghẽn, tạo động lực cho doanh nghiệp bứt phá.
Để thực hiện mục tiêu đó, cần có những giải pháp đồng bộ và toàn diện. Trước hết, cần tiếp tục đổi mới tư duy về phát triển kinh tế tư nhân, coi đây là một cấu phần quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Việc cải cách thể chế, cắt giảm các thủ tục hành chính không cần thiết, tạo môi trường kinh doanh minh bạch, thuận lợi là điều kiện tiên quyết giúp khu vực này phát triển.
Hiện nay, vẫn chưa có một chiến lược tổng thể dành riêng cho khu vực kinh tế tư nhân dẫn đến sự phát triển chưa đồng đều, thiếu định hướng dài hạn. Một chiến lược bài bản, với những mục tiêu rõ ràng về tỷ trọng đóng góp vào GDP, năng suất lao động, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, đổi mới sáng tạo sẽ giúp khu vực này phát huy tối đa tiềm năng của mình.
Không chỉ vậy, thực tiễn đang đòi hỏi chính sách hỗ trợ phù hợp theo từng nhóm doanh nghiệp. Những doanh nghiệp lớn cần được tạo điều kiện để dẫn dắt thị trường, trong khi doanh nghiệp vừa và nhỏ cần sự hỗ trợ về vốn, công nghệ và quản trị. Đặc biệt, các doanh nghiệp khởi nghiệp cần có cơ chế thuận lợi để thử nghiệm những ý tưởng mới, phát triển mô hình kinh doanh sáng tạo, góp phần thúc đẩy chuyển đổi số và đổi mới công nghệ.
Sự kết nối giữa khu vực kinh tế tư nhân với khu vực nhà nước và khu vực FDI cũng là một yếu tố quan trọng. Một hệ sinh thái kinh tế bền vững chỉ có thể hình thành khi các thành phần kinh tế có sự liên kết chặt chẽ, hỗ trợ lẫn nhau. Doanh nghiệp tư nhân cần được tạo điều kiện để tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu, tiếp nhận chuyển giao công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất và quản trị. Việc hợp tác công - tư trong các lĩnh vực quan trọng như hạ tầng, dịch vụ công cũng sẽ giúp khu vực kinh tế tư nhân phát huy tối đa vai trò của mình.
Một vấn đề không thể bỏ qua là tiếp cận nguồn vốn. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp tư nhân gặp khó khăn khi muốn vay vốn để mở rộng sản xuất. Trong khi đó, ở nhiều quốc gia, chính phủ có cơ chế bảo lãnh vay vốn hoặc thiết lập các quỹ hỗ trợ nhằm giúp doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn rẻ, ổn định hơn. Đây cũng là hướng đi mà Việt Nam cần cân nhắc để giúp doanh nghiệp tư nhân có nền tảng tài chính vững chắc hơn.
Xây dựng hệ thống chính sách khuyến khích đổi mới, hỗ trợ vốn, miễn giảm thuế cho những doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ và chuyển đổi số là cách làm của một số quốc gia đi trước mà Việt Nam có thể áp dụng. Về nguồn nhân lực, hiện nay vẫn thiếu một cơ chế đào tạo linh hoạt, gắn liền với nhu cầu thực tế của doanh nghiệp. Chiến lược đào tạo bài bản, dựa trên khảo sát nhu cầu của doanh nghiệp một cách chi tiết, chính xác sẽ giúp doanh nghiệp tư nhân có được lực lượng lao động phù hợp, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế.
Ngoài những chính sách đúng đắn, doanh nghiệp tư nhân cần sự chủ động từ nội tại. Doanh nghiệp tư nhân không thể mãi theo tư duy ngắn hạn, mà cần có chiến lược dài hơi, đầu tư vào công nghệ, nâng cao năng suất và năng lực quản trị để sẵn sàng vươn ra biển lớn.
Lịch sử đã chứng minh mỗi khi Việt Nam mở cửa và cải cách, nền kinh tế lại có bước tiến mạnh mẽ. Hôm nay, khi cánh cửa của kỷ nguyên mới đang rộng mở, kinh tế tư nhân cũng đứng trước cơ hội bứt phá. Để làm được điều này, cần có những quyết sách mang tính thực tiễn, những hành động táo bạo để tạo ra một môi trường kinh doanh thực sự minh bạch, thuận lợi và đầy hứng khởi. Chỉ khi đó, kinh tế tư nhân mới thực sự phát huy hết tiềm lực, trở thành trụ cột vững chắc cho một Việt Nam thịnh vượng và hội nhập sâu rộng với thế giới.