Tháo gỡ khó khăn trong phát triển công nghiệp, thương mại

Huyện Định Quán có nhiều lợi thế, tiềm năng để phát triển công nghiệp - thương mại. Trong thời gian qua, địa phương đã có nhiều nỗ lực trong việc thu hút đầu tư, phát triển đa dạng các loại thương mại, dịch vụ…

Sản xuất hàng may mặc tại Cụm công nghiệp Phú Cường (huyện Định Quán). Ảnh: H.Quân

Sản xuất hàng may mặc tại Cụm công nghiệp Phú Cường (huyện Định Quán). Ảnh: H.Quân

Tuy nhiên, trên thực tế, việc kêu gọi đầu tư, thu hút các doanh nghiệp đối với lĩnh vực công thương trên địa bàn huyện vẫn còn gặp một số khó khăn, vướng mắc.

Tìm hướng gỡ vướng mắc trong phát triển hạ tầng công nghiệp

Theo UBND huyện Định Quán, theo quy hoạch được phê duyệt, trên địa bàn huyện có 3 cụm công nghiệp (CCN) gồm: CCN Phú Cường, CCN Phú Túc và CCN tại xã Phú Vinh.

Trong đó, CCN Phú Cường có diện tích hơn 44 hécta, do Công ty CP Đồng Phú Bình làm chủ đầu tư hạ tầng và quản lý, khai thác. Hiện nay, việc đầu tư xây dựng hạ tầng tương đối hoàn chỉnh, đã vận hành, lập thủ tục xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường theo quy định. Có 6/8 dự án đang hoạt động và 2 dự án đang xây dựng nhà xưởng. Tỷ lệ lấp đầy đạt 74,3%.

CCN Phú Túc quy hoạch diện tích gần 50 hécta, đến nay đã bồi thường, hỗ trợ và giải phóng mặt bằng được 44/46 hộ dân với diện tích giải tỏa hơn 44 hécta. Còn lại 2 hộ dân chưa đồng ý nhận tiền bồi thường với tổng diện tích 5,2 hécta mặc dù đã được UBND huyện cùng các ban, ngành của huyện tổ chức đối thoại vận động nhiều lần.

Chủ tịch UBND huyện Định Quán Trần Nam Biên cho biết, về Dự án CCN Phú Túc, huyện đã đầu tư tuyến tường gần 50 tỷ đồng để nối CCN ra đường tỉnh 763. Hạ tầng kết nối với CCN cơ bản hoàn thành nhưng dự án vẫn còn một số vướng mắc cần tháo gỡ về giải phóng mặt bằng, đấu giá quyền sử dụng đất để đầu tư hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật.

Trong khi đó, Dự án CCN tại xã Phú Vinh diện tích gần 36 hécta đã được UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch xây dựng tỷ lệ 1/2.000. UBND huyện đang tiếp tục kêu gọi đầu tư dự án này.

Đối với khu công nghiệp, hiện Khu công nghiệp Định Quán - giai đoạn 1 với diện tích hơn 56,7 hécta đã xây dựng hoàn thành các hạng mục cơ sở hạ tầng, diện tích đất cho thuê đạt 100% với 14 nhà đầu tư, nhưng chỉ có 8 nhà đầu tư xây dựng nhà xưởng hoạt động sản xuất, các nhà đầu tư còn lại xây dựng nhà xưởng cầm chừng hoặc đang trong giai đoạn triển khai xây dựng nhà xưởng. Giai đoạn 2, nhà đầu tư đang thực hiện các thủ tục pháp lý để thực hiện với diện tích khoảng 107,2 hécta.

Vào cuối tháng 8 vừa qua, đoàn công tác của Sở Công thương đã làm việc với UBND huyện Định Quán về tình hình phát triển công nghiệp - thương mại trên địa bàn huyện. Theo đó, UBND huyện đã kiến nghị với sở một số vấn đề vướng mắc liên quan đến bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng tại Dự án CCN Phú Túc; việc chấp thuận chủ trương cho UBND huyện chuyển đổi khu làng nghề mây tre đan tại xã Gia Canh với diện tích 2,62 hécta của Đề án Phát triển nghề mây tre đan trên địa bàn huyện Định Quán giai đoạn 2008-2013 theo Quyết định số 47 của UBND tỉnh (đề án này đã kết thúc) sang thực hiện nhà ở xã hội, do khu vực này hiện không còn phù hợp bố trí ngành nghề sản xuất.

Ông Trần Nam Biên chia sẻ, trên thực tế, làng nghề mây tre đan tại xã Gia Canh giờ không còn nhiều hộ làm như trước đây. Nhiều hộ không còn làm tập trung mà từng hộ gia đình làm theo đơn đặt hàng, làm xong đủ số lượng thì giao hàng.

Tại buổi giám sát chuyên đề của HĐND tỉnh về kết quả thực hiện lĩnh vực đột phá về phát triển thương mại, dịch vụ tổng hợp hiện đại, trọng tâm là dịch vụ du lịch, dịch vụ logistics trên địa bàn huyện Định Quán vào giữa năm 2024, Phó chủ tịch HĐND tỉnh HOÀNG THỊ BÍCH HẰNG đề nghị huyện cần quan tâm kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư hạ tầng thương mại, siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn; tăng cường công tác quản lý về hoạt động thương mại tại các chợ, cửa hàng tiện lợi để huyện phát triển theo hướng văn minh, hiện đại…

Phát triển đa dạng các kênh thương mại, dịch vụ

Về lĩnh vực thương mại, trên địa bàn huyện Định Quán có 14 chợ truyền thống đang hoạt động ổn định, trong đó có 2 chợ hạng II và 12 chợ hạng III. Ngoài ra, còn có 10 cửa hàng tiện lợi kinh doanh theo chuỗi, 36 cửa hàng tiện lợi, tự chọn hiện đại của các hộ kinh doanh và 3 điểm bán hàng “Tự hào hàng Việt Nam”…

Hiện nay, các chợ đang từng bước được sửa chữa, nâng cấp hạ tầng trở nên khang trang, sạch đẹp, góp phần đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh môi trường và tiến tới thực hiện văn minh đô thị trên địa bàn toàn huyện.

Tuy nhiên, hoạt động thương mại, dịch vụ trên địa bàn huyện hiện vẫn chưa phát triển xứng tầm. Do đó, Định Quán cần có kế hoạch, giải pháp mang tính dài hơi để hướng tới phát triển thương mại, dịch vụ bền vững.

UBND huyện cũng đã kiến nghị Sở Công thương về việc hướng dẫn huyện và các đơn vị liên quan tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thủ tục liên quan để lập hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với các chợ: Phú Vinh, Phú Túc và Túc Trưng…

Giám đốc Sở Công thương Phạm Văn Cường ghi nhận những ý kiến, kiến nghị của huyện Định Quán. Đồng thời, yêu cầu các phòng, ban, đơn vị trực thuộc sở phối hợp cùng địa phương rà soát, tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn của huyện về phát triển chợ, hạ tầng CCN... trên địa bàn huyện.

Trong đó, huyện cần tổng hợp những khó khăn, vướng mắc của từng chợ hay CCN thành những chuyên đề và ngành công thương sẽ làm hết trách nhiệm của ngành để giải quyết và có hướng đề xuất phù hợp nhất với UBND tỉnh để có phương án tháo gỡ những tồn tại, khó khăn về phát triển hạ tầng công nghiệp, thương mại ở địa phương.

Bên cạnh đó, địa phương cần có phương án chấn chỉnh, xóa bỏ các điểm kinh doanh tự phát, triển khai các giải pháp đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Ngoài ra, huyện cần phối hợp với sở để tiếp tục triển khai các giải pháp, kế hoạch đầu tư hạ tầng lưới điện, phát triển mạng lưới điểm bán hàng Việt, chuỗi cửa hàng tiện lợi, triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, khuyến công…

Hải Quân - Đan Nhi

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/trang-dia-phuong/202410/thao-go-kho-khan-trong-phat-trien-cong-nghiep-thuong-mai-f357491/
Zalo