Tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp vận tải để giảm chi phí logistics
Các cơ quan chức năng đang tích cực tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp vận tải nhằm kéo giảm chi phí logistics. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều kiến nghị từ phía doanh nghiệp chưa được xử lý kịp thời. Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Công Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam xung quanh vấn đề này.

Ông Nguyễn Công Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam
* Phóng viên: Bộ Xây dựng đang rốt ráo đưa vào khai thác hàng loạt các dự án đường cao tốc. Theo ông, việc cải thiện hạ tầng giao thông hiện nay đã đáp ứng được nhu cầu thực tế chưa?
* Ông NGUYỄN CÔNG HÙNG: Theo tôi, hệ thống đường bộ hiện nay, bao gồm kết cấu hạ tầng, hệ thống báo hiệu, quy định về tổ chức giao thông đã được cải thiện tích cực. Tuy nhiên, hạ tầng vẫn chưa đáp ứng tốt nhu cầu vận tải, nhất là trong bối cảnh chúng ta đang đặt mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên năm 2025 và chủ trương tăng trưởng 2 con số giai đoạn 2026 - 2030.
Hiện nhiều tuyến cao tốc được xây dựng phân kỳ, chỉ có 2 làn xe chạy, không có làn dừng khẩn cấp hay đường gom dẫn đến nguy cơ ùn tắc, tai nạn giao thông cao. Bên cạnh đó, nhiều tuyến được gọi là đường cao tốc nhưng khai thác tốc độ hạn chế, dưới 100km/h; tốc độ không đồng nhất trên toàn tuyến nên hiệu quả khai thác không cao, làm tăng chi phí vận tải.
Bộ Xây dựng đã đề xuất phương án mở rộng tuyến cao tốc Bắc - Nam lên 6 làn xe hoàn chỉnh với tổng chiều dài hơn 1.100km. Chúng tôi rất mong Bộ Xây dựng đẩy nhanh tiến độ các dự án này để tăng hiệu quả khai thác, giảm thời gian và chi phí vận tải, từ đó kéo giảm chi phí logistics, tăng khả năng cạnh tranh quốc gia.
* Thời gian qua, báo chí trong đó có Báo SGGP đã lên tiếng rất nhiều về tình trạng biển báo giao thông bất hợp lý. Chính phủ đã chỉ đạo khắc phục ngay tình trạng này. Theo ông, việc này có ý nghĩa như thế nào đối với các doanh nghiệp vận tải?
* Đây thực sự là điều rất đáng mừng đối với doanh nghiệp vận tải. Các biển báo rõ ràng, dễ hiểu, được bố trí hợp lý, khoa học sẽ giúp các tài xế chấp hành đúng quy định, từ đó việc lưu thông thuận lợi, thông suốt và an toàn hơn. Tuy nhiên, trên toàn bộ hệ thống đường bộ, số lượng biển báo, đèn tín hiệu rất lớn, trong khi đó có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng biển báo bị hư hỏng hoặc không còn phù hợp với thực tiễn. Điều đó đòi hỏi các cơ quan quản lý, các đơn vị được giao quản lý, khai thác công trình đường bộ phải thường xuyên rà soát, điều chỉnh, bổ sung, thay thế kịp thời.
* Theo ông, bên cạnh những cải thiện về hạ tầng, còn những vướng mắc nào của hoạt động vận tải cần được tháo gỡ?
* Thực tế là còn rất nhiều vướng mắc trong quản lý nhà nước đối với hoạt động vận tải cần được tháo gỡ. Chúng tôi đã kiến nghị nhiều lần nhưng chưa được giải quyết. Mới đây chúng tôi đã có kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, Luật Đường bộ và các nghị định, thông tư hướng dẫn.
Trong đó, chúng tôi kiến nghị điều chỉnh thời gian lái xe kinh doanh vận tải lên 70 giờ/tuần; chỉ xử phạt hành vi vượt quá thời gian lái xe liên tục trên 10%; tính thời gian lái xe cộng dồn trong ngày và trong tuần ở tốc độ tối thiểu 15km/giờ để loại bỏ những tình huống tắc đường kéo dài thường xuyên xảy ra ở các đô thị và trên hệ thống đường bộ Việt Nam.
Chúng tôi cũng đang kiến nghị Cục Đăng kiểm Việt Nam cho phép đăng kiểm đối với phương tiện đã đổi sang biển số màu vàng nhưng chưa đổi chứng nhận đăng ký xe, giúp các doanh nghiệp giảm nguy cơ phải dừng chạy xe, thất thoát hàng trăm tỷ đồng, làm gia tăng giá thành vận tải do thiếu phương tiện.
Chúng tôi kiến nghị Cục Cảnh sát giao thông áp dụng chuyển đổi số, sử dụng thuật toán để đổi chứng nhận đăng ký xe, tương tự việc tự động gia hạn thời hạn kiểm định ô tô đã áp dụng trong thời gian vừa qua. Tuy nhiên, những kiến nghị này vẫn đang được các cấp có thẩm quyền xem xét, các doanh nghiệp vẫn đang chờ đợi.
Còn một vấn đề các doanh nghiệp vận tải cũng đang rất cần được hỗ trợ, đó là chuyển đổi sang phương tiện xanh. Hiện có 2 rào cản chính là hạ tầng trạm sạc hạn chế và tài chính của doanh nghiệp. Nếu không kịp thời có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp được tiếp cận vay vốn ưu đãi, vay tín chấp từ các nguồn quỹ để chuyển đổi phương tiện; có cơ chế ưu đãi về thuế, phí trong việc nhập khẩu xe điện; quy hoạch hạ tầng trạm sạc điện… thì các doanh nghiệp vận tải chắc chắn sẽ "hụt hơi".
Vì vậy, các cơ quan quản lý cần tiếp tục khẩn trương tháo gỡ những vướng mắc về hạ tầng, về công tác quản lý để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp vận tải, đảm bảo đáp ứng nhu cầu phát triển trong giai đoạn mới của đất nước.
* Xin cảm ơn ông!