Tháo gỡ điểm nghẽn thể chế trong tiến trình bước vào kỷ nguyên mới
Nước ta đã hình thành hệ thống pháp luật tương đối đồng bộ, công khai, minh bạch, dễ tiếp cận, tạo nền tảng pháp lý để phát triển kinh tế-xã hội; tuy nhiên, công tác xây dựng và thi hành pháp luật vẫn còn không ít hạn chế, bất cập. Đây chính là nguyên nhân khiến thể chế được Đảng ta nhận định là 'điểm nghẽn của điểm nghẽn' trong tiến trình bứt phá, tăng tốc bước vào kỷ nguyên mới của đất nước.

Cán bộ Tòa án nhân dân huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam giải thích quy định pháp luật cho người dân. (Ảnh HẢI ĐĂNG)
Quy định pháp luật còn chồng chéo
Kết luận tại buổi làm việc với Bộ Tư pháp về kết quả lãnh đạo, chỉ đạo và phương hướng thực hiện nhiệm vụ của ngành Tư pháp ngày 7/11/2024, Tổng Bí thư Tô Lâm cho rằng, bên cạnh kết quả tích cực, công tác hoàn thiện thể chế, trọng tâm là xây dựng, hoàn thiện pháp luật vẫn còn tồn tại, hạn chế; trong đó chất lượng xây dựng, hoàn thiện pháp luật chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn, một số luật mới ban hành đã phải sửa đổi; các quy định chưa thật sự đồng bộ, còn chồng chéo, có quy định chưa rõ ràng, rườm rà, cản trở việc thực thi, gây thất thoát, lãng phí các nguồn lực.
Trong xây dựng pháp luật, tình trạng văn bản bị “tuýt còi” vì trái quy định vẫn tồn tại. Báo cáo công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật năm 2023 của Bộ Tư pháp cũng cho thấy, có 482/12.718 văn bản quy phạm pháp luật được xem xét đã có kiến nghị phải xử lý, trong đó 390 văn bản có quy định trái pháp luật về nội dung.
Báo cáo công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật năm 2023 của Bộ Tư pháp cũng cho thấy, có 482/12.718 văn bản quy phạm pháp luật được xem xét đã có kiến nghị phải xử lý, trong đó 390 văn bản có quy định trái pháp luật về nội dung.
Trong thực thi chính sách, có đến 61% số doanh nghiệp gặp khó khăn trong thực hiện thủ tục đề nghị cấp phép kinh doanh có điều kiện; 61,36% số doanh nghiệp phải trả chi phí không chính thức cao trong hoạt động cấp giấy phép kinh doanh có điều kiện...
Những con số trong kết quả khảo sát Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2024 của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đã phản ánh rõ thực trạng nhiều doanh nghiệp đã bị làm khó vì nhiều thủ tục.
Phát biểu tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV, đại biểu Nguyễn Thành Nam, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh Phú Thọ đã phản ánh: Trên địa bàn tỉnh có hai dự án trọng điểm về xây dựng kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp tại huyện Hạ Hòa và huyện Tam Nông. Dự án được khởi động từ tháng 9/2018, nộp hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư lần đầu vào tháng 3/2021, hoàn thiện bổ sung hồ sơ vào tháng 8/2022.
Trong quá trình xử lý hồ sơ dự án, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành 51 văn bản xin ý kiến, báo cáo giải trình gửi các bộ, ngành nhưng đến tháng 11/2024, hồ sơ dự án vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.
Theo đại biểu Nguyễn Thành Nam, sau khi Luật Đầu tư công năm 2024 được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 8 với nhiều điểm mới trong trao thẩm quyền cho ủy ban nhân dân các tỉnh, dự án nêu trên đang được tỉnh đẩy nhanh tiến độ hoàn thành.
Nguyên Thứ trưởng Thường trực Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên cho rằng, một trong những điểm nghẽn thể chế tập trung chủ yếu ở sự kém hiệu lực, hiệu quả, thậm chí hoạt động bế tắc của các thiết chế bộ máy nhà nước, ở sự bất cập về chất lượng pháp luật, thi hành pháp luật, ở sự chưa ngang tầm về năng lực, tính chuyên nghiệp của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
“Chính sự cồng kềnh, nhiều tầng nấc, ôm đồm, phân công chưa rõ ràng, phân cấp, phân quyền chưa đủ mạnh của các thiết chế trong bộ máy nhà nước không chỉ gây nên sự tốn kém, gánh nặng cho ngân sách, mà nguy hại hơn là không làm tròn nhiệm vụ kiến tạo, phát triển; thiếu hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả trong hoạch định cũng như tổ chức thực hiện chính sách, gây nhiều khó khăn cho phát triển”- GS, TS Hoàng Thế Liên nhận định.
Tư duy xây dựng, thi hành pháp luật phải mang tính thời đại
Tại Hội thảo khoa học cấp quốc gia “Đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới”, do Bộ Tư pháp và Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức mới đây, đồng chí Phan Đình Trạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Nội chính Trung ương chỉ rõ: Chúng ta cần xây dựng thành công thể chế có chất lượng cao, có sức cạnh tranh quốc tế, thu hút nhân tài, giải phóng nguồn lực, tận dụng các cơ hội phát triển với phương châm hài hòa lợi ích, rủi ro cùng chia sẻ. Thống nhất xác định việc lãnh đạo thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng thành pháp luật và lãnh đạo công tác thi hành pháp luật để bảo đảm thượng tôn Hiến pháp, pháp luật là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của các cấp ủy, tổ chức đảng.
Tháng 2/2025, Quốc hội đã thông qua Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật sửa đổi. Đây là công cụ quan trọng để đổi mới công tác xây dựng pháp luật, nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật. Tuy nhiên, để giải quyết triệt để điểm nghẽn thể chế cần phải đổi mới toàn diện công tác xây dựng và thi hành pháp luật, phải bảo đảm sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện, phát huy cao độ tính Đảng trong xây dựng và thi hành pháp luật.
Đất nước ta đang trong tiến trình cải cách mang tính cách mạng về bộ máy chính trị nói chung và bộ máy nhà nước nói riêng. Dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Tổng Bí thư Tô Lâm, những thay đổi trong tư duy xây dựng cũng như thực thi chính sách được kích hoạt tốt sẽ cộng hưởng để tạo nên bước tiến lớn trong hành trình vào kỷ nguyên mới.