Tháo gỡ điểm nghẽn thể chế, trợ lực cho doanh nghiệp vượt thách thức
Kinh tế thế giới đối mặt với rất nhiều rủi ro, thách thức, đặc biệt trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị, chiến tranh thương mại, bảo hộ thương mại gia tăng. Trong bối cảnh này, tháo gỡ điểm nghẽn về thể chế trợ lực cho doanh nghiệp vượt thách thức là mục tiêu cấp bách.
Cấp bách hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh thế giới đầy biến động
Chiều ngày 17/4, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chủ trì tổ chức Diễn đàn Doanh nghiệp 2025 với chủ đề: Trợ lực cho doanh nghiệp vượt thách thức, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Quang cảnh diễn đàn. Ảnh: Hải Anh
Phát biểu khai mạc, ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch VCCI cho biết, Diễn đàn Doanh nghiệp thường niên năm nay diễn ra trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động. Chính sách thuế đối ứng của Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố ngày 2/4 và sau đó cùng với phản ứng của các nước đã, đang và sẽ tác động mạnh mẽ đến kinh tế, thương mại, đầu tư và thị trường tài chính toàn cầu, đặc biệt tác động nhiều đến các nước có thặng dư thương mại lớn với Mỹ, trong đó có Việt Nam.
Theo ông Hoàng Quang Phòng, để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng, Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã có nhiều quyết sách hỗ trợ doanh nghiệp.
Ở góc nhìn trong nước, số liệu từ Cục Thống kê, Bộ Tài chính cho thấy, tăng trưởng kinh tế quý I/2025 đạt 6,93%. Tính chung quý I/2025, cả nước có hơn 72,9 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 18,6% so với cùng kỳ năm trước; bình quân một tháng có hơn 24,3 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động. Mặc dù đã có gần 1 triệu doanh nghiệp đang hoạt động, tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn chủ yếu là các doanh nghiệp có quy mô siêu nhỏ, nhỏ và vừa (chiếm đến 98%) và chỉ có khoảng 2% các doanh nghiệp lớn. Hoạt động sản xuất kinh doanh của khu vực doanh nghiệp còn chịu nhiều tác động bất lợi của bối cảnh khách quan, xung đột địa chính trị, đứt gẫy các chuỗi cung ứng, nguyên vật liệu đầu vào.
Do đó, để có thể bứt phá vào năm 2025, Phó Chủ tịch VCCI cho rằng, việc cải cách thể chế kinh tế, cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy và hỗ trợ doanh nghiệp sẽ là những "chìa khóa" then chốt.
Không chỉ là tăng khả năng hấp thụ vốn cho doanh nghiệp, việc phát triển và nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt khu vực kinh tế tư nhân để từng bước làm chủ công nghệ lõi, tiến sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu là yêu cầu quan trọng được đặt ra thời gian tới.
Cũng theo Phó Chủ tịch VCCI, việc Mỹ tạm hoãn 90 ngày trước khi áp thuế đối ứng với các quốc gia trong đó có Việt Nam, thời gian không dài và thách thức vẫn còn phía trước, đặc biệt với các ngành hàng xuất khẩu chủ lực. Do đó, việc hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thị trường mới, đẩy mạnh xuất khẩu và thúc đẩy tiêu dùng trong nước đang là mục tiêu cấp bách trước mắt.
Cải cách thể chế thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân
Tại diễn đàn, các chuyên gia kinh tế cũng đồng thuận việc cần thiết cải cách thể chế để doanh nghiệp phát triển, trong đó đặc biệt quan tâm đến khu vực kinh tế tư nhân.

Ảnh: Minh họa
Ông Phan Đức Hiếu - Ủy viên Ủy ban Kinh tế và tài chính của Quốc hội cho rằng, doanh nghiệp, doanh nghiệp khu vực kinh tế tư nhân chịu áp lực từ rào cản cơ chế, tác động từ chi phí thủ tục hành chính, phí lệ phí, chi phí đầu tư tính bằng tiền, chi phí cơ hội, chi phí không chính thức. Thời gian thủ tục kéo dài, chậm hoặc không đúng hẹn, làm mất cơ hội kinh doanh, chi phí vốn của doanh nghiệp.
Đồng thuận với đánh giá này, ông Hoàng Quang Phòng chia sẻ thêm, kinh tế tư nhân nói chung và doanh nghiệp tư nhân nói riêng vẫn đối mặt với nhiều rào cản kìm hãm sự phát triển, không thể bứt phá về quy mô và năng lực cạnh tranh. Nhiều hộ kinh tế cá thể vẫn theo nếp kinh doanh cũ, thiếu động lực phát triển thành doanh nghiệp, thậm chí "không muốn lớn".
Ông Quang Phòng chỉ rõ, doanh nghiệp tư nhân còn gặp nhiều rào cản trong tiếp cận nguồn lực, đặc biệt là vốn tín dụng, đất đai, tài nguyên và nhân lực chất lượng cao, nhất là trong các ngành công nghệ, kỹ thuật và tài chính. Hệ thống pháp luật vẫn còn chồng chéo, môi trường kinh doanh còn trở ngại, thủ tục hành chính phức tạp, rườm rà dễ gây thêm chi phí và tiềm ẩn rủi ro rất cần được cải thiện trong thời gian sớm nhất.
“Mặt khác, các chính sách ưu đãi, hỗ trợ của Chính phủ chưa thực sự đi vào cuộc sống, đối tượng thụ hưởng còn khiêm tốn, tính công bằng trong tiếp cận các loại nguồn lực cho phát triển chưa rõ nét”, Phó Chủ tịch VCCI nhận định.
Đề cập đến giải pháp gỡ khó cho doanh nghiệp, ông Phan Đức Hiếu cho rằng, về lâu dài cần một cơ chế bền vững từ việc các bộ, ngành cần bãi bỏ những thủ tục hành chính rườm rà, phức tạp, gây phát sinh thời gian, chi phí. Doanh nghiệp được làm những gì mà pháp luật không cấm.
"Cần có cơ quan giám sát việc đơn giản và thực thi thủ tục hành chính thì chính sách mới thực sự đi vào cuộc sống của doanh nghiệp một cách hiệu quả..." - ông Phan Đức Hiếu đề xuất.
TS. Trần Thị Hồng Minh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và chiến lược đề xuất, chính sách phát triển doanh nghiệp cần tạo điều kiện thuận lợi nhất để doanh nghiệp Việt Nam, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa đầu tư, nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh. Các bộ, ngành, địa phương chú ý đến việc tạo dựng chính sách đặc thù về thúc đẩy các hình thức liên kết doanh nghiệp, nhất là chính sách ưu đãi về thuế, tiếp cận vốn, bảo lãnh tín dụng, mặt bằng sản xuất kinh doanh theo mức độ tham gia liên kết chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng.
Về động lực phát triển cho doanh nghiệp, ông Hoàng Quang Phòng cho biết thêm, bên cạnh mục tiêu phát triển 2 triệu doanh nghiệp đến năm 2030, Đại hội XIII của Đảng khẳng định “Khuyến khích hình thành, phát triển những tập đoàn kinh tế tư nhân lớn, tiềm lực mạnh, có khả năng cạnh tranh khu vực, quốc tế”. Nghị quyết 41-NQ/TW cũng đề ra nhiệm vụ phải “phát triển đội ngũ doanh nhân lớn mạnh ngang tầm mục tiêu, nhiệm vụ phát triển đất nước trong thời kỳ mới, xây dựng đội ngũ doanh nhân dân tộc”.