Tháo gỡ điểm nghẽn, để Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam phát triển: Bài 2: Gỡ điểm nghẽn chính sách để thu hút nhà đầu tư
Được định vị là không gian tái hiện và gìn giữ các di sản văn hóa truyền thống của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam, đồng thời sở hữu tiềm năng lớn để phát triển du lịch. Thế nhưng hiện nay Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn, đặc biệt là trong việc huy động nguồn lực đầu tư…

Một góc không gian Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam. Ảnh: P. Sỹ.
Việc đầu tư vào Làng còn gặp nhiều khó khăn
Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (gọi tắt là Làng Văn hóa) có tổng diện tích 1544ha. Quy hoạch chung của Làng gồm 7 khu chức năng. Cho đến nay Làng mới cơ bản hoàn thành xây dựng các công trình kiến trúc và hạ tầng kỹ thuật theo nguồn đầu tư từ ngân sách Nhà nước mà chưa thu hút được các dự án đầu tư ngoài ngân sách, chưa xây dựng được nội dung hoạt động và cơ chế phối hợp trong quản lý và vận hành…
Việc chưa thu hút được các dự án đầu tư ngoài ngân sách nhà nước cũng ảnh hưởng rất lớn đến việc thu hút khách du lịch đến với Làng Văn hóa do thiếu các dịch vụ du lịch như vui chơi giải trí, lưu trú, nhà hàng, khách sạn...
Đây là một điều rất đáng tiếc bởi Làng Văn hóa không chỉ là không gian tái hiện bản sắc văn hóa cộng đồng, mà còn có tiềm năng lớn trở thành điểm đến hấp dẫn trong chiến lược phát triển du lịch quốc gia.
Nhiều doanh nghiệp bày tỏ mong muốn được đầu tư vào Làng Văn hóa. Nhưng, cho tới nay vẫn chưa có dự án nào được triển khai. Theo đại diện một số doanh nghiệp, Làng Văn hóa là khu vực có quy hoạch ổn định nhất ở Hà Nội. Tuy nhiên thời gian qua, việc đầu tư vào Làng còn gặp nhiều khó khăn và không khả thi do chính sách, cơ chế đầu tư chưa rõ ràng, quy định chức năng, nhiệm vụ của Làng cũng còn nhiều vướng mắc với các quy định, các Luật khác…
Nhiều quy định đối với các dự án đầu tư vào lĩnh vực văn hóa không có cơ chế chính sách ưu đãi cho nhà đầu tư. Trong khi đầu tư vào các dự án của Làng Văn hóa cần lượng vốn rất lớn, thời gian thu hồi vốn lại dài, nếu không có những cơ chế, chính sách ưu đãi cho các nhà đầu tư thì chắc chắn sẽ là hạn chế lớn đối với việc thu hút đầu tư.
Theo dõi sự phát triển của Làng Văn hóa, PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội nhận định: Sự thiếu đồng bộ giữa các quy định về đầu tư, đất đai, di sản và du lịch đã tạo ra trạng thái “nửa công - nửa tư” cho Làng, khiến cơ quan quản lý thì khó chủ động, còn nhà đầu tư thì chưa thể triển khai. Nếu không có những điều chỉnh phù hợp về mặt thể chế, thì tiềm năng của Làng rất có thể sẽ chỉ dừng lại ở mức kỳ vọng.

Tái hiện nghi lễ cúng cơm mới của người dân tộc Lào ở Làng Văn hóa. Ảnh: P. Sỹ.
Khơi thông để đánh thức tiềm năng
Theo các chuyên gia và nhà đầu tư, để tháo gỡ hiệu quả những rào cản pháp lý, cần một cách tiếp cận tổng thể, vừa đảm bảo nguyên tắc thượng tôn pháp luật, vừa linh hoạt theo đặc thù của một thiết chế văn hóa du lịch đặc biệt.
PGS.TS Bùi Hoài Sơn cho rằng, cần sớm hoàn thiện và ổn định quy hoạch tổng thể Làng Văn hóa theo hướng đồng bộ, hiện đại, có tính mở và tạo điều kiện tối đa cho các mô hình đầu tư đa dạng, từ công đến tư, từ sự nghiệp công lập đến xã hội hóa. Thứ hai, cần thiết lập một cơ chế pháp lý đặc thù cho Làng, tương tự như một “khu chức năng đặc biệt” trong lĩnh vực văn hóa, du lịch. Cơ chế này nên cho phép đơn vị quản lý được phân cấp, phân quyền mạnh mẽ hơn, có quyền chủ động lựa chọn đối tác, chỉ định thầu trong các lĩnh vực đặc thù như bảo tồn di sản, biểu diễn nghệ thuật, thiết kế không gian văn hóa… đồng thời được linh hoạt trong phương thức hợp tác công - tư, thuê - khoán dịch vụ, hoặc đặt hàng các sản phẩm sáng tạo phù hợp.
Bên cạnh đó, theo ông Sơn, phải khơi thông điểm nghẽn về quyền sử dụng đất và thủ tục đầu tư. Việc xác lập quyền sử dụng ổn định, rõ ràng đối với các phân khu trong Làng là điều kiện tiên quyết để nhà đầu tư yên tâm phát triển lâu dài. Cùng với đó, cần có các tổ công tác liên ngành để tháo gỡ nhanh các vướng mắc phát sinh.
“Cuối cùng không thể thiếu một chiến lược truyền thông quốc gia để nâng cao hình ảnh và vị thế của Làng Văn hóa như một biểu tượng sống động của khối đại đoàn kết dân tộc. Khi cơ chế thông thoáng, cách làm đổi mới, và cộng đồng cùng đồng hành, Làng Văn hóa sẽ không chỉ là một công trình mang tính biểu tượng, mà còn là một trung tâm sáng tạo bản sắc, một điểm đến hấp dẫn của văn hóa Việt Nam trong thời đại mới” - PGS.TS Bùi Hoài Sơn nhấn mạnh.
Từ góc độ doanh nghiệp, ông Đặng Ngọc Khánh - Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Du lịch Văn hóa nghỉ dưỡng Đồng Mô đề xuất về giải pháp thu hút đầu tư: “Làng Văn hóa cần quan tâm hơn là việc xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác đầu tư, nghiên cứu các quy định của Nhà nước, làm việc với các cơ quan có liên quan để ban hành quy trình, thủ tục đầu tư tại Làng Văn hóa cũng như tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư một cách hiệu quả hơn”.
Đồng quan điểm, ông Kiều Văn Toản - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại Kvinland cho rằng: “Cần sớm có các quy chế về đầu tư vào Làng Văn hóa. Làng Văn hóa cũng cần quan tâm hơn đến xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác đầu tư, tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại hiệu quả hơn”.
Là một trong số những đơn vị thường xuyên đưa khách đến tham quan tại Làng Văn hóa, ông Nguyễn Hồng Nguyên - Giám đốc Công ty Giáo dục Nguyễn Kim cho rằng, nhu cầu tìm hiểu về văn hóa dân tộc là rất lớn, vì vậy Làng Văn hóa cần xây dựng các tuyến tham quan có sơ đồ rõ ràng, bán tour giá thấp kèm theo hướng dẫn viên. Quan trọng hơn cả là cần nâng cấp các dịch vụ nghỉ dưỡng mang tính đặc sản vùng miền, để du khách không chỉ tham quan mà còn muốn ở lại trải nghiệm.
Vì vậy, theo một số doanh nghiệp, cần có sự vào cuộc quyết liệt từ phía cơ quan quản lý nhà nước nhằm rà soát, tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế, chính sách liên quan đến đầu tư, quy hoạch, quản lý sử dụng đất đai trong khuôn khổ đặc thù của Làng Văn hóa. Đồng thời, cần xây dựng một cơ chế ưu đãi minh bạch, ổn định và có tính đặc thù đối với các nhà đầu tư tham gia phát triển dịch vụ tại Làng. Việc quy hoạch lại không gian đầu tư theo hướng đa dạng hóa loại hình dịch vụ (ẩm thực, lưu trú, trải nghiệm văn hóa…) cũng là yếu tố then chốt để Làng thực sự trở thành một điểm đến hấp dẫn, có khả năng “giữ chân” du khách.
(còn nữa)