Tháo gỡ các 'điểm nghẽn' trong thực hiện chính sách về phát triển nhà ở xã hội

Đại biểu Quốc hội đề nghị tăng cường thanh tra, kiểm tra đối tượng sở hữu nhà ở xã hội và quy trình, thủ tục xét duyệt hồ sơ mua, thuê mua nhà ở xã hội để có thể phát hiện và xử lý các sai phạm có liên quan.

Ngày 28/10, tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội tiến hành thảo luận tại hội trường về Báo cáo của Đoàn Giám sát và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về kết quả giám sát chuyên đề “việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023”.

Hoàn thiện hành lang pháp lý về phát triển nhà ở xã hội

Phát biểu tại phiên họp, đại biểu Quốc hội Lê Thị Thanh Lam (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang) đánh giá, số lượng dự án nhà ở xã hội còn khá khiêm tốn so với nhu cầu nhà ở của người dân trong cả nước. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này do nhiều tỉnh, thành phố chưa bố trí quỹ đất độc lập để phát triển nhà ở xã hội, chủ yếu phụ thuộc vào quỹ đất 20% trong dự án nhà ở thương mại, nhưng triển khai còn nhiều bất cập, vướng mắc.

Đại biểu Quốc hội Lê Thị Thanh Lam (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang) phát biểu tại hội trường. Ảnh: Quochoi.vn

Đại biểu Quốc hội Lê Thị Thanh Lam (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang) phát biểu tại hội trường. Ảnh: Quochoi.vn

Nhiều nhà đầu tư cho rằng dù đã có chính sách ưu đãi của nhà nước nhưng lại chưa thực sự khuyến khích, thu hút nhà đầu tư khi nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách cho các chương trình tín dụng đãi ngộ nhà ở xã hội còn thấp, chưa huy động được mạnh mẽ nguồn lực xã hội tham gia.

Theo đại biểu Quốc hội Lê Thị Thanh Lam, thủ tục thực hiện các dự án nhà ở xã hội rất phức tạp và có nhiều loại thủ tục hơn so với các dự án nhà ở thương mại. Mặt khác, nguồn cung cấp nhà ở xã hội hiện nay còn nhiều hạn chế; tình trạng dư thừa quỹ đất nhà ở thương mại nhưng lại thiếu quỹ đất ở và nhà ở xã hội còn chậm được khắc phục…

Vì vậy, đại biểu cho rằng, để tạo điều kiện cho người dân dễ tiếp cận với nhà ở xã hội cần hoàn thiện hành lang pháp lý. Theo đó, sớm nghiên cứu ban hành các văn bản quy định riêng về đấu thầu, lựa chọn nhà thầu; đẩy nhanh việc thực hiện dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, người lao động có thu nhập thấp. Bảo đảm bố trí đủ nguồn vốn ngân sách Nhà nước để thực hiện chính sách phát triển nhà ở xã hội, trong đó có chương trình hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và người có thu nhập thấp tại đô thị; cải cách chính sách xét duyệt cho vay, tránh tình trạng chính sách rất hay nhưng lại phải trải qua “rừng thủ tục”.

Các đại biểu Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội tham dự phiên họp sáng 28/10 - Ảnh: Như Ý

Các đại biểu Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội tham dự phiên họp sáng 28/10 - Ảnh: Như Ý

Cùng với đó, Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng nghiên cứu xây dựng và cung cấp gói tín dụng cho người mua nhà ở xã hội với thời hạn 10-20 năm, lãi suất ưu đãi từ 3-5%. Ngoài ra, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, đảm bảo việc thực thi chính sách nhà ở xã hội đúng quy định của pháp luật; có giải pháp ngăn chặn, phòng ngừa, xử lý nghiêm các sai phạm cố tình trục lợi chính sách…

Đối tượng được tiếp cận nhà ở xã hội có khi chưa đúng, không đúng

Quan tâm tới vấn đề phát triển nhà ở xã hội, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương) đề nghị báo cáo giám sát bổ sung vấn đề quan trọng trong phát triển nhà ở xã hội thời gian qua, đó là đối tượng được tiếp cận nhà ở xã hội có khi chưa đúng, không đúng. Có người sở hữu nhà ở xã hội không phải là người được hưởng chính sách ưu đãi này.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương) phát biểu tại hội trường. Ảnh: Quochoi.vn

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương) phát biểu tại hội trường. Ảnh: Quochoi.vn

Đại biểu mong muốn, Đoàn giám sát xem xét vấn đề này và có những kiến nghị cụ thể trong dự thảo nghị quyết của Quốc hội, tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện chính sách pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội. Theo đó, giao Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành địa phương ngăn chặn kịp thời và kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm cục bộ trong thi hành luật về quản lý thị trường bất động sản về nhà ở xã hội. Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán về chất lượng nhà ở xã hội.

Đại biểu cũng đề nghị bổ sung nội dung về tăng cường kiểm tra đối tượng sở hữu nhà ở xã hội và quy trình, thủ tục xét duyệt hồ sơ mua, thuê mua nhà ở xã hội để có thể phát hiện và xử lý các sai phạm có liên quan.

Đại biểu Quốc hội Mai Văn Hải (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa) phát biểu tại hội trường. Ảnh: Quochoi.vn

Đại biểu Quốc hội Mai Văn Hải (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa) phát biểu tại hội trường. Ảnh: Quochoi.vn

Trong khi đó, đại biểu Quốc hội Mai Văn Hải (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa) đề nghị Chính phủ tiếp tục quan tâm chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, các điểm nghẽn trong thực hiện các chính sách pháp luật về nhà ở xã hội trong lĩnh vực đầu tư đất đai, quy hoạch, sửa đổi các chính sách thu hút để thu hút các nhà đầu tư, giúp cho người có thu nhập thấp, công nhân lao động có nhu cầu nhà ở xã hội được tiếp cận tốt hơn với chính sách.

Đại biểu Huỳnh Thị Phúc (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) đề nghị, cơ cấu lại quy hoạch và tạo quỹ đất ưu tiên cho nhà ở xã hội. Trong đó, xây dựng quy hoạch đồng bộ, dài hạn, đặc biệt tại các đô thị lớn và khu vực có nhiều khu công nghiệp, với ít nhất 30% diện tích đất phát triển bất động sản ưu tiên cho nhà ở xã hội. Đồng thời, cải cách thủ tục hành chính và tăng cường phân cấp quản lý, thực hiện triệt để cơ chế "một cửa liên thông" trong cấp phép và tăng cường phân cấp cho địa phương trong phê duyệt dự án nhà ở xã hội…

Hồng Thái

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/thao-go-cac-diem-nghen-trong-thuc-hien-chinh-sach-ve-phat-trien-nha-o-xa-hoi.html
Zalo