Tháo gỡ bất cập về sử dụng tài sản công cho thuê, liên doanh, liên kết

Qua hơn 6 năm thực hiện, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật, đến nay có nhiều bất cập, vướng mắc phát sinh, nhất là việc sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết. Nghị định số 114/2024/NĐ-CP (NĐ 114) sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 151/2017/NĐ-CP (NĐ 151) của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công giúp tháo gỡ những bất cập này.

Quy định mới giúp cho việc quản lý, sử dụng tài sản công ngày càng hiệu quả hơn. Ảnh tư liệu

Quy định mới giúp cho việc quản lý, sử dụng tài sản công ngày càng hiệu quả hơn. Ảnh tư liệu

Nhiều quy định “cứng” gây khó khăn cho việc thực hiện

Báo cáo từ Bộ Tài chính cho biết, qua tổng hợp thực tế triển khai quy định về sử dụng tài sản công (TSC) tại đơn vị sự nghiệp công lập (ĐVSNCL) vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết đã cho thấy có rất nhiều bất cập. Đơn cử như việc lựa chọn đối tác liên doanh, liên kết theo các tiêu chí như quy định hiện hành gặp nhiều vướng mắc do không có cơ sở để đánh giá chấm điểm đối với từng tiêu chí. Hơn nữa, trong thực tế có một số trường hợp trong quá trình thực hiện liên doanh, liên kết vì lý do bất khả kháng, đối tác liên doanh, liên kết không thể tiếp tục thực hiện nên đề nghị chấm dứt hợp đồng trước hạn. Tuy nhiên, hiện nay không có quy định cụ thể cho trường hợp này dẫn đến lúng túng trong xử lý. Đồng thời, chưa có quy định về việc điều chỉnh giá cho thuê TSC, gia hạn hợp đồng cho thuê TSC…

Quy định về tiền thuê đất, tiền nhận chuyển nhượng đất có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước

Tiền thuê đất đã nộp, tiền nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất đã trả được xác định là có nguồn gốc từ NSNN trong các trường hợp sau: Nhà nước cấp tiền từ NSNN; ĐVSNCL sử dụng Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp; ĐVSNCL được Nhà nước cho thuê đất trả tiền thuê đất một lần và được miễn tiền thuê đất cho cả thời gian thuê; ĐVSNCL sử dụng nguồn khác để nộp tiền thuê đất, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nhưng sau đó sử dụng nguồn tiền Nhà nước cấp hoặc sử dụng Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp để hoàn trả.

Ngoài ra, theo quy định tại NĐ 151, trường hợp sử dụng tài sản gắn liền với đất để kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết phải nộp tiền thuê đất tương ứng với thời gian sử dụng, tỷ lệ diện tích nhà, công trình sử dụng vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết theo quy định của pháp luật về thu tiền thuê đất, thuê mặt nước kể từ thời điểm có quyết định sử dụng TSC vào mục đích kinh doanh hoặc kể từ thời điểm ký hợp đồng cho thuê, hợp đồng liên doanh, liên kết. Tuy nhiên, trên thực tế các đơn vị gặp vướng mắc trong quá trình xác định do nhiều đơn vị thuộc đối tượng được Nhà nước giao đất nên cơ quan thuế không có cơ sở để xác định tiền thuê đất; không có cơ sở để xác định thời gian sử dụng và tỷ lệ diện tích sử dụng vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết.

Bỏ quy định về nộp tiền thuê đất cho trường hợp sử dụng tài sản gắn liền với đất

Để giải quyết những bất cập này, NĐ 114 của Chính phủ đã sửa đổi Điều 42 quy định việc quản lý, sử dụng tài sản gắn liền với đất và giá trị quyền sử dụng đất tại ĐVSNCL vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết.

Theo đó, trường hợp ĐVSNCL được Nhà nước cho thuê đất thu tiền thuê đất 1 lần cho cả thời gian thuê, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai mà tiền thuê đất đã nộp, tiền nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất đã trả bằng tiền không có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước (NSNN) được bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan trung ương, chủ tịch UBND cấp tỉnh xác nhận, thì được phép sử dụng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng TSC và nghị định này. Trường hợp sử dụng giá trị quyền sử dụng đất để góp vốn còn phải đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật về đất đai.

Ngoài ra, NĐ 114 cũng sửa Điều 43 về yêu cầu khi sử dụng TSC vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết. Cụ thể, TSC sử dụng vào các mục đích này phải được tính đủ khấu hao tài sản cố định (TSCĐ), thực hiện đầy đủ nghĩa vụ về thuế, phí, lệ phí và các nghĩa vụ tài chính khác với Nhà nước theo quy định của pháp luật gồm: Chi phí khấu hao TSCĐ đối với các TSC trực tiếp sử dụng vào các mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết theo quy định của Bộ Tài chính về chế độ hạch toán, tính hao mòn, khấu hao TSCĐ tại cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Đặc biệt, tại NĐ 114 đã bỏ quy định về nộp tiền thuê đất đối với trường hợp sử dụng tài sản gắn liền với đất vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết. Thay vào đó, các ĐVSNCL sử dụng TSC vào các mục đích này phải nộp 1 khoản tiền tối thiểu bằng 2% doanh thu của đơn vị thu được từ hoạt động kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết (ngoài các khoản thuế, phí, lệ phí và các khoản thu khác theo quy định của pháp luật). Riêng ĐVSNCL thuộc lĩnh vực văn hóa, y tế, giáo dục và đào tạo, thể dục, thể thao, khoa học và công nghệ, môi trường; ĐVSNCL thực hiện nộp tiền thuê đất theo quy định của pháp luật về đất đai không phải nộp khoản tiền quy định này.

Ông Nguyễn Tân Thịnh - Cục trưởng Cục Quản lý công sản, Bộ Tài chính cho biết, các quy định được sửa đổi, bổ sung tại NĐ 114 đã bám sát được các thực tế hiện nay đang gặp phải. Theo đó, NĐ 114 sẽ là “kim chỉ nam” giúp cho việc quản lý, sử dụng TSC ngày càng tốt hơn, hiệu quả hơn. “Đặc biệt, quy định về sử dụng TSC vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết sẽ giúp “cởi trói” cho nhiều ĐVSNCL trong việc sử dụng TSC vào các mục đích này” - ông Thịnh chia sẻ./.

Vân Hà

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/thao-go-bat-cap-ve-su-dung-tai-san-cong-cho-thue-lien-doanh-lien-ket-159871.html
Zalo