Tháo 'điểm nghẽn' biển báo giao thông
Như Báo SGGP ngày 14-4 đã phản ánh, sẽ là tin vui cho người tham gia giao thông khi có 7.000 biển báo bất hợp lý trên nhiều cung đường cả nước được tháo gỡ ngay trong tháng này. Phải khẳng định chỉ đạo kịp thời của Chính phủ đã giải tỏa các vướng mắc âm ỉ lâu nay gây nên bức xúc đối với người tham gia giao thông.
Đó là sự râm ran của giới tài xế về tình trạng những biển báo “lấp ló” sau lùm cây, giống như “gài bẫy” người đi đường. Hoặc nhằm phục vụ đi đường dài, người lái ô tô đã phải mua phần mềm biển báo giao thông để nhắc tốc độ di chuyển trên các tuyến đường. Thật ra, phần mềm này làm sao biết được biển báo mới cắm hôm qua, hay sáng nay?
Xét về mặt kinh tế, sự “tù mù” của một số biển báo giao thông đã trở thành “điểm nghẽn” kinh tế trong vận tải đường bộ. Không phải ngẫu nhiên ngành logistics của nước ta có chi phí xếp vào hàng cao nhất trong khu vực Đông Nam Á, khiến các doanh nghiệp, hiệp hội thường xuyên than vãn. Theo ngành công thương, chi phí logistics của Việt Nam trung bình ở mức 16,8%-17% GDP, cao hơn nhiều so với mức bình quân chung 10,6% của thế giới.
Các biển báo bất hợp lý dễ dẫn tới việc người tham gia giao thông có thể bị xử phạt, dẫn đến chi phí tăng cao. Chẳng hạn, một container vận chuyển sầu riêng từ vựa trái cây ở Tiền Giang chạy đến cửa khẩu biên giới phía Bắc có thời điểm lên đến 115 triệu đồng, cao ngất ngưởng! Cuối năm nay khi tuyến cao tốc Bắc - Nam thông suốt sẽ tiếp tục kéo giảm thời gian vận chuyển. Nhưng đó chỉ điều kiện cần, bởi lưu thông không phải mỗi trên đường cao tốc, do vậy việc tiếp tục tháo gỡ các biển báo bất hợp lý, điều chỉnh tín hiệu đèn và tốc độ trên khắp các tuyến đường là rất cấp bách.
Hiện nay, tại các ngã 3, ngã 4 nhiều tuyến quốc lộ, liên tỉnh, tỉnh lộ không có biển báo tốc độ nên người điều khiển phương tiện giao thông không biết lưu thông thế nào, dễ bị phạm luật. Do vậy, cần cắm biển tốc độ cụ thể cho phép trên tất cả tuyến đường. Chẳng hạn, vào thành phố, thị trấn hay khu dân cư là có biển báo tốc độ, ra khỏi cũng phải có để người dân căn cứ vào đó điều khiển phương tiện tham gia giao thông một cách dễ dàng.
Đối với tín hiệu đèn xanh, đèn đỏ cũng vậy. Tại giao lộ với mật độ lưu thông đông đúc, vào giờ cao điểm thời gian tín hiệu đèn rất lâu, điều đó là phù hợp để điều phối lưu thông, tránh kẹt xe. Tuy nhiên vào thời điểm ít người lưu thông, như từ 21 giờ tối đến 5 giờ sáng hôm sau vẫn giữ thời gian như vậy là chưa hợp lý. Thành thử, trong thời buổi công nghệ hiện nay, rất cần ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào điều khiển tín hiệu đèn giao thông cho phù hợp thực tế.
Về tốc độ trên quốc lộ 1A cũng cần tính toán lại. Hiện nay biển báo quy định tốc độ trên quốc lộ 1A là cố định. Ví dụ, trên tuyến đường có dải phân cách, đoạn qua đô thị tốc độ cho phép đối với ô tô 60km/giờ. Tuy nhiên, khung giờ sau 21 giờ tối cho đến 4 giờ sáng hôm mặc dù vắng hoe nhưng tốc độ vẫn giữ nguyên như vậy, dẫn đến rất lãng phí.
Hiện nay, các đoạn đường cao tốc đưa vào vận hành nhiều hơn. Khá nhiều đoạn không có làn dừng khẩn cấp, tốc độ cho phép là 90km/giờ. Trong khi với quốc lộ 1A, đoạn có dải phân cách ngoài đô thị cũng cho phép tốc độ như vậy nhưng lại có đủ thứ phương tiện lưu thông như người đi bộ, xe đạp, xe máy… Do vậy việc nâng tốc độ trên đường cao tốc sẽ tiết kiệm không ít thời gian di chuyển.
Tóm lại, cần xem xét hết sức khoa học để điều chỉnh biển báo, tín hiệu đèn, tốc độ lưu thông cho phù hợp với thực tế; càng rõ ràng, dễ hiểu, dễ áp dụng sẽ giúp việc thực thi pháp luật của người dân tốt hơn. Nhờ đó sẽ kéo giảm chi phí logistics, đóng góp tăng trưởng rất lớn cho nền kinh tế nói chung.