Tháo bung rào cản để nghiên cứu và phát triển Việt Nam bứt tốc
Đối với Việt Nam hiện nay, nghiên cứu và phát triển (R&D) không còn là lựa chọn, mà đã trở thành điều kiện tiên quyết để vượt bẫy thu nhập trung bình và vươn lên nhóm các quốc gia công nghệ cao.
Nhận thức rõ vai trò then chốt của R&D, mới đây Đảng và Nhà nước ta đã đề ra mục tiêu nhất quyết tăng mức đầu tư cho R&D lên 2% GDP vào năm 2030. Đây là quyết sách không những đúng mà còn rất trúng. Song, để việc gia tăng đầu tư có hiệu quả, điều cấp thiết trước tiên là phải tháo bung các “rào cản” mở đường cho R&D Việt Nam tăng tốc, bắt nhịp với thế giới.
Tháo rào cản tài chính, ‘tiếp sức’ cho nhà khoa học
Cần cải cách mạnh mẽ để cơ chế tài chính không còn là "nỗi kinh hoàng" mà trở thành "nguồn tiếp sức" cho các nhà khoa học, giải phóng các nhà khoa học khỏi gánh nặng hành chính để tập trung vào sáng tạo tri thức, góp phần đưa R&D Việt Nam thoát khỏi tình trạng trì trệ và vươn lên mạnh mẽ.

Cần cải cách mạnh mẽ để cơ chế tài chính không còn là "nỗi kinh hoàng" mà trở thành "nguồn tiếp sức" cho các nhà khoa học, giải phóng các nhà khoa học khỏi gánh nặng hành chính. Ảnh minh họa, ảnh: vneconomy
Cơ chế tài chính hiện nay trong quản lý các nhiệm vụ KH&CN lạc hậu, phức tạp và thiếu linh hoạt. Thay vì hỗ trợ, cơ chế này đang trở thành gánh nặng hành chính cho các nhà khoa học, gây lãng phí thời gian, công sức không đáng có, làm giảm hiệu quả thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu, khiến các nhà khoa học không thể toàn tâm toàn ý cho thực hiện nghiên cứu. Một thuyết minh đề tài 300 trang thì hơn 2/3 là phần thuyết minh tài chính, yêu cầu liệt kê chi tiết đến từng danh mục chi, giá đơn vị cụ thể – bao gồm cả những vật tư nhỏ như cân hóa chất, với mức giá cố định được duyệt trước.
Quy trình thanh quyết toán phức tạp, nặng tính thủ tục khiến nhiều chủ nhiệm đề tài buộc phải "biến tấu" để phù hợp với yêu cầu duyệt chi. Tuy nhiên, sự "biến tấu" này có thể bị hiểu sai hoặc bị lợi dụng, tiềm ẩn rủi ro trong quá trình kiểm tra, thanh tra sau này. Thực tế cho thấy, việc xây dựng và hoàn thiện hồ sơ tài chính, thanh quyết toán là nỗi ám ảnh đối với cán bộ KH, khiến không ít người e ngại khi tham gia chủ trì nhiệm vụ KH&CN.
Để tháo gỡ nút thắt này, cần phải thiết kế lại cơ chế tài chính cho R&D theo hướng trao quyền chủ động tài chính thực chất cho các chủ thể trong hệ thống. Chuyển từ cấp phát kinh phí ngắn hạn sang giao kinh phí trung hạn và dài hạn, bảo đảm tính ổn định và tạo điều kiện để các nhiệm vụ nghiên cứu có thể triển khai liên tục, có chiều sâu và bền vững.
Đơn giản hóa và chuẩn hóa các thủ tục giải ngân, hướng đến mô hình “hậu kiểm” như nhiều quốc gia tiên tiến đang áp dụng, thay cho hình thức “tiền kiểm” mang tính ràng buộc cứng nhắc như hiện nay. Học hỏi các cách làm điển hình từ các quốc gia thành công như mô hình Quỹ Nghiên cứu Quốc gia (National Research Foundation) của Hàn Quốc, hay Quỹ ERC của châu Âu để xây dựng một hệ thống tài chính vừa minh bạch, vừa tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho sáng tạo.
Để doanh nghiệp trở thành “người chơi chính” trong hệ sinh thái R&D
Vai trò mờ nhạt của doanh nghiệp trong hệ thống R&D quốc gia là “rào cản” lớn cần khắc phục luôn và ngay. Bởi lẽ, chỉ khi doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp tư nhân trở thành 'người chơi chính' trong hệ thống R&D quốc gia, Việt Nam mới có thể có một hệ thống đổi mới sáng tạo năng động, có sức sống, có động lực nội sinh và bắt nhịp được với xu thế phát triển của thế giới.
Hiện nay, doanh nghiệp Việt Nam đầu tư rất ít cho R&D, trung bình chỉ chi khoảng 1,6% doanh thu hằng năm cho hoạt động R&D, thấp hơn nhiều ngay cả khi so với các quốc gia trong khu vực, như Philippines với 3,6%, Malaysia với 2,6%... Hoạt động R&D ở doanh nghiệp không đáng kể, ngoại trừ một số ít doanh nghiệp lớn hoặc các doanh nghiệp công nghệ thông tin mới nổi trong thời gian gần đây.
Các doanh nghiệp Việt Nam cũng ít liên kết với các viện nghiên cứu, trường đại học, mối liên kết này vẫn còn lỏng lẻo và hoạt động chưa hiệu quả.
Cơ chế chính sách khuyến khích, thúc đẩy chưa “sát sườn”, chưa đủ độ hấp dẫn, nhiều khi chỉ tồn tại trên giấy tờ và nếu được thực thi thì thủ tục rườm rà, nhiêu khê.
Cơ chế tài chính và quy trình đầu tư cho R&D phức tạp, rủi ro cao và thiếu hấp dẫn đối với doanh nghiệp. Hệ thống pháp lý hiện hành chưa tạo dựng được các chính sách ưu đãi đủ mạnh, cũng như chưa có môi trường pháp lý linh hoạt và minh bạch để khuyến khích doanh nghiệp tư nhân đầu tư dài hạn cho R&D.
Hệ quả là ngay cả với doanh nghiệp có tiềm lực tài chính và nhu cầu đổi mới công nghệ, họ vẫn e ngại, thậm chí “né tránh” thực hiện các hoạt động R&D trong nước, thay vào đó họ tìm mua công nghệ từ nước ngoài.
Để thúc đẩy doanh nghiệp đóng vai trò trung tâm, dẫn dắt hệ sinh thái R&D, trước hết, cần có chính sách cụ thể, đi vào chiều sâu, nhắm trúng các “rào cản” của từng đối tượng doanh nghiệp trong hoạt động R&D. Cụ thể:
Một là, cần lựa chọn và hậu thuẫn chiến lược cho một số 'đại bàng công nghệ' có năng lực và tiềm năng vươn ra toàn cầu đảm nhiệm vai trò đầu tàu, dẫn dắt hệ sinh thái đổi mới sáng tạo quốc gia. Các chính sách hỗ trợ đặc biệt như: ưu đãi về thuế, hỗ trợ tài chính trực tiếp cho các dự án công nghệ cao, nới lỏng các rào cản về quy định, thủ tục, hỗ trợ về nhân lực chất lượng cao,...
Hai là, tái cấu trúc khu vực doanh nghiệp nhà nước (DNNN) theo hướng tinh gọn, hiệu quả và định hướng đổi mới sáng tạo. Hợp nhất các DNNN cùng ngành, cùng lĩnh vực để hình thành những tập đoàn có quy mô lớn với tiềm lực tài chính, nhân lực và cơ sở hạ tầng hiện đại đủ sức đầu tư bài bản cho phát triển R&D và ứng dụng công nghệ tiên tiến. Đồng thời, các DNNN cần được đặt trong môi trường cạnh tranh sòng phẳng với khu vực tư nhân, chịu áp lực về hiệu quả kinh doanh và đổi mới như bất kỳ doanh nghiệp nào khác.
Ba là, xây dựng các cơ chế ưu đãi thuế mạnh mẽ cho các khoản đầu tư vào R&D, bao gồm cả chi phí nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng. Các chính sách tín dụng ưu đãi, bảo lãnh vay vốn, quỹ đồng tài trợ từ Nhà nước cho các dự án R&D,...
Hơn nữa, chính sách phải rõ ràng, nhất quán, dễ thực hiện trên thực tế, các chính sách quá phức tạp khiến các doanh nghiệp vừa và nhỏ khó hiểu chứ chưa nói đến việc áp dụng chúng.
Phát triển đại học nghiên cứu mạnh, kết nối trí tuệ toàn cầu
Hoạt động R&D tại khu vực đại học hiện nay chủ yếu mang tính thêm thắt bên cạnh hoạt động đào tạo, hướng đến công bố quốc tế để thăng hạng trường trong các bảng xếp hạng quốc tế phục vụ thu hút tuyển sinh thay vì hướng đến thực tế sản xuất và phục vụ xã hội. Cũng cần phải nói rằng với mức đầu tư cho R&D khiêm tốn thì việc có những công trình có giá trị sánh ngang với các nước phát triển là không thể.
Hơn nữa, do bất cập trong chính sách đào tạo và sử dụng nhân lực trình độ cao đã khiến khu vực đại học ở Việt Nam đánh mất một nền tảng quan trọng trong đào tạo lực lượng cán bộ nghiên cứu có năng lực như vốn có ở các nước phát triển. Ở nhiều quốc gia phát triển, nghiên cứu sinh tiến sĩ, hay thực tập sau tiến sĩ không chỉ được miễn học phí mà còn được trả lương thông qua việc tham gia các dự án nghiên cứu. Mô hình “học bằng làm” này không chỉ giúp tận dụng nguồn nhân lực trẻ, đầy khát vọng, mà còn tạo ra một môi trường đào tạo ưu việt, nơi các nghiên cứu sinh được dẫn dắt trực tiếp bởi các nhà khoa học đầu ngành.
Ngược lại, tại Việt Nam, các nghiên cứu sinh không những không được hỗ trợ tài chính, mà còn phải tự trang trải học phí trong điều kiện rất ít cơ hội được tham gia các đề tài nghiên cứu thực chất. Hệ quả là quá trình đào tạo mang tính hình thức, manh mún, thiếu chiều sâu và chất lượng thấp. Hơn nữa, Việt Nam hiện chưa có cơ chế đào tạo sau tiến sĩ, một giai đoạn then chốt trong chuỗi đào tạo nhân lực KH&CN chất lượng cao ở các nước phát triển. Giai đoạn sau tiến sĩ cho phép các tiến sĩ trẻ tích lũy kinh nghiệm thực tế trong môi trường nghiên cứu chuyên nghiệp, trước khi trở thành nhà nghiên cứu độc lập.
Cần tái cấu trúc hệ thống giáo dục đại học theo hướng gắn kết chặt chẽ giữa giảng dạy – nghiên cứu – ứng dụng thực tiễn, các trường đại học cần tái định vị từ chạy theo số lượng công bố khoa học trên giấy sang việc cung cấp tri thức và giải pháp thực tiễn cho doanh nghiệp, cho xã hội.
Giảng viên không chỉ truyền đạt tri thức, sản xuất tri thức mà còn trực tiếp tham gia giải quyết các bài toán kinh tế – xã hội, qua đó trở thành tấm gương sống động cho người học. Mỗi trường đại học không chỉ là "trường học" mà còn là một "trường đời", nơi sinh viên được trải nghiệm thực tiễn, phát triển năng lực tư duy, thích ứng và sáng tạo – những kỹ năng không thể có được chỉ qua sách vở.
Cần dồn lực đầu tư phát triển một số đại học nghiên cứu mạnh kết nối trí tuệ toàn cầu, là cái nôi sản sinh ra tri thức mới, nơi khởi nguồn của các công nghệ đột phá và sáng kiến mang tầm ảnh hưởng quốc gia, quốc tế.
Tái cấu trúc R&D công lập theo hướng tinh gọn, hiệu quả
Các viện nghiên cứu công có đội ngũ cán bộ nghiên cứu khá lớn nhưng hoạt động R&D nơi đây èo uột, manh mún. Kinh phí đầu tư khiêm tốn, trình độ tổ chức, quản lý hạn chế nhưng chúng ta lại tổ chức hệ thống R&D công cồng kềnh, quá nhiều đầu mối.
Sau nhiều lần sắp xếp, hệ thống R&D công vẫn còn khá nhiều đầu mối, sơ bộ, chúng ta có tới gần 500 tổ chức R&D thuộc cấp trung ương, khoảng 170 tổ chức thuộc thẩm quyền quản lý của UBND cấp tỉnh.
Cần tái cấu trúc hệ thống R&D công lập theo hướng giảm tối đa đầu mối, sáp nhập các viện nghiên cứu công hình thành những viện nghiên cứu quy mô lớn để có đủ nguồn lực và năng lực tiến hành những nghiên cứu, dự án tầm cỡ, có giá trị. Lý tưởng nhất là hợp nhất toàn bộ viện nghiên cứu công lập hiện thời với đa số là còi cọc còn dưới 100 viện, sáp nhập 170 tổ chức KH&CN thuộc thẩm quyền quản lý của UBND cấp tỉnh vào 2 viện hàn lâm...
Tóm lại, cùng với việc tăng nhanh đầu tư cho phát triển R&D, Việt Nam cần có những bước đi chiến lược nhằm tháo bung các “rào cản”, tạo ra động lực đủ mạnh, đà phát triển đủ lớn và không gian đủ rộng mở đường cho R&D bứt tốc, bắt nhịp với thế giới. Việc chúng ta có tập trung mạnh mẽ để tăng tốc phát triển R&D hôm nay hay không sẽ định hình vị thế của Việt Nam trong những thập niên tới.