Tháo bỏ 'điểm nghẽn' về thể chế trong mua sắm tài sản, cải tạo công trình đầu tư xây dựng

'Điểm nghẽn' về thể chế trong mua sắm tài sản, trang thiết bị; cải tạo, nâng cấp, mở rộng, xây dựng mới hạng mục công trình trong các dự án đã đầu tư xây dựng chính thức được tháo bỏ khi Bộ Tài chính trình Chính phủ ban hành Nghị định số 138/2024/NĐ-CP vừa qua. Đây được coi là một trong những minh chứng rõ nét nhất trong việc đổi mới tư duy lập pháp để khơi thông các nguồn lực phát triển, gỡ 'điểm nghẽn' thể chế, tạo tiền đề đưa Đất nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của Dân tộc như định hướng chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm.

Nghị định số 138/2024/NĐ-CP tháo gỡ nhiều vướng mắc trong thực tiễn. Ảnh: internet

Nghị định số 138/2024/NĐ-CP tháo gỡ nhiều vướng mắc trong thực tiễn. Ảnh: internet

Ách tắc trong thực tiễn

Trong nhiều năm qua, quy định pháp luật việc lập dự toán, quản lý, sử dụng chi thường xuyên ngân sách nhà nước để mua sắm tài sản, trang thiết bị; việc cải tạo, nâng cấp, mở rộng, xây dựng mới hạng mục công trình trong các dự án đã đầu tư xây dựng chưa rõ, gây nhiều cách hiểu khác nhau, từ đó tạo ra "điểm nghẽn", gây khó khăn, ách tắc trong thực tiễn.

Luật Ngân sách nhà nước và các quy định của pháp luật chuyên ngành đã có những quy định về việc sử dụng chi thường xuyên ngân sách nhà nước để mua sắm trang thiết bị phục vụ hoạt động của bộ máy. Tuy vậy, tại khoản 1, Điều 6 Luật Đầu tư công quy định về phân loại dự án đầu tư công lại quy định cả dự án có cấu phần xây dựng là dự án đầu tư xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp, mở rộng dự án đã đầu tư xây dựng, bao gồm cả phần mua tài sản, mua trang thiết bị của dự án.

Quy định như vậy dẫn đến cách hiểu là các dự án xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp, mở rộng, mua sắm tài sản, sửa chữa, nâng cấp... phải bố trí từ nguồn vốn đầu tư công, nghĩa là phải có trong kế hoạch đầu tư công trung hạn mới thực hiện được. Điều này dẫn tới chồng lấn với các quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các quy định pháp luật chuyên ngành khác trong việc sử dụng chi thường xuyên để mua sắm, sửa chữa, nâng cấp tài sản công.

Đây là vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội đặt ra trong các kỳ họp Quốc hội và cũng là những vấn đề vướng mắc trong nhiều năm qua đối với nhiều cơ quan, bộ, ngành và địa phương. Thực trạng này cũng nhiều lần được Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trăn trở, kiến nghị giải quyết. Gần đây nhất là tại Nghị trường của Quốc hội vào tháng 11/2023, Bộ trưởng đặt vấn đề, phân biệt thế nào là chi thường xuyên, thế nào là chi đầu tư vẫn đang bị bế tắc, tạo nên những vướng mắc trong quá trình thực hiện…

Chia sẻ về vấn đề này, ông Bùi Anh Bình - Phó Vụ trưởng Vụ Hành chính sự nghiệp (Bộ Tài chính) cho biết, trong thực tiễn, các nhiệm vụ cải tạo, nâng cấp, mua sắm... nhất là đối với các công trình quy mô nhỏ diễn ra thường xuyên và không thể chờ đợi lập kế hoạch đầu tư công trung hạn. Đơn cử như trong trường hợp một số công trình bị hư hỏng phải thực hiện sửa chữa ngay để duy trì hoạt động thường xuyên của đơn vị trong khi không thể biết trước để dự kiến khi lập kế hoạch đầu tư công trung hạn.

"Chính vì những cách hiểu khác nhau trên nên thời gian qua, một số bộ, ngành, địa phương còn ngần ngại trong việc bố trí dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước để mua sắm tài sản, trang thiết bị; cải tạo, nâng cấp, mở rộng, xây dựng mới các hạng mục, công trình trong các dự án đã đầu tư", ông Bùi Anh Bình cho hay.

Tháo bỏ điểm nghẽn

Trước những vướng mắc trong thực tiễn nêu trên, Bộ Tài chính đã tập trung tổng hợp những ý kiến phản ánh của các đại biểu Quốc hội, của các bộ, ngành và địa phương về những khó khăn, vướng mắc trong sử dụng ngân sách nhà nước cho việc mua sắm tài sản, trang thiết bị; cải tạo, nâng cấp, mở rộng, xây dựng mới hạng mục công trình trong dự án đã đầu tư xây dựng trình Chính phủ.

"Sốt ruột" tháo gỡ điểm nghẽn này, Bộ Tài chính đã khẩn trương, tích cực xây dựng, hoàn thiện và trình Chính phủ ký ban hành Nghị định số 138/2024/NĐ-CP quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng chi thường xuyên ngân sách nhà nước để mua sắm tài sản, trang thiết bị; cải tạo, nâng cấp, mở rộng, xây dựng mới hạng mục công trình trong các dự án đã đầu tư xây dựng.

Nghị định đã quy định cụ thể nguyên tắc bố trí kinh phí chi thường xuyên ngân sách nhà nước để thực hiện các nhiệm vụ mua sắm tài sản, trang thiết bị; cải tạo, nâng cấp, mở rộng, xây dựng mới hạng mục công trình trong dự án đã đầu tư xây dựng. Chính sách này nhằm đảm bảo phân định ranh giới giữa việc bố trí chi thường xuyên và chi đầu tư công trong việc thực hiện các nhiệm vụ mua sắm tài sản, trang thiết bị; cải tạo, nâng cấp, mở rộng, xây dựng mới hạng mục công trình trong dự án đã đầu tư xây dựng, phù hợp với tính chất của nguồn kinh phí chi thường xuyên theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước và pháp luật có liên quan.

Nghị định cũng quy định rõ về quy trình các bước xây dựng dự toán, phân bổ và quyết toán kinh phí để thực hiện nhiệm vụ mua sắm tài sản, trang thiết bị; cải tạo, nâng cấp, mở rộng, xây dựng mới hạng mục công trình trong dự án đã đầu tư xây dựng. Chính sách này nhằm hoàn thiện quy định về việc xây dựng, phân bổ dự toán, quản lý, thanh toán, quyết toán kinh phí thực hiện nhiệm vụ sử dụng nguồn chi thường xuyên ngân sách nhà nước được thực hiện thống nhất, đúng quy định của pháp luật.

Việc ban hành Nghị định trên với thời gian có hiệu lực ngay từ ngày ký (24/10/2024) sẽ kịp thời tháo gỡ các vướng mắc đã được các đại biểu Quốc hội, bộ, ngành và địa phương phản ánh trong suốt thời gian vừa qua. Các quy định của Nghị định sẽ góp phần tạo điều kiện để các bộ, ngành, địa phương được chủ động sử dụng chi thường xuyên để thực hiện các nhiệm vụ, dự án ngoài kế hoạch đầu tư công trung hạn đã được phê duyệt, chủ động trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao, đặc biệt là các nhiệm vụ liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội.

Có thể nói, việc khẩn trương báo cáo, xây dựng, hoàn thiện trình Chính phủ ban hành Nghị định số 138/2024/NĐ-CP nêu trên đã thể hiện rõ nét sự quyết tâm, tâm huyết, rốt ráo của Bộ Tài chính, Bộ trưởng Bộ Tài chính để có thể tháo gỡ một cách nhanh nhất "điểm nghẽn" về thể chế trong vấn đề này. Từ đó, giúp các bộ, ngành, địa phương có cở sở pháp lý rõ ràng trong triển khai thực hiện, xóa bỏ những "ách tắc" thời gian qua.

Nghị định này cũng là một trong những minh chứng rõ nét nhất trong việc đổi mới tư duy lập pháp để khơi thông các nguồn lực phát triển, gỡ các "điểm nghẽn" thể chế - "điểm nghẽn" của "điểm nghẽn" để tạo tiền đề đưa Đất nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của Dân tộc theo định hướng chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm.

Trần Huyền

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/thao-bo-diem-nghen-ve-the-che-trong-mua-sam-tai-san-cai-tao-cong-trinh-dau-tu-xay-dung.html
Zalo