Thành triệu phú nhờ nuôi loài 'lợn nhân sâm'

Dù bị vợ lẫn bạn bè phản đối, chế giễu khi bỏ việc lương cao để về quê nuôi lợn, người đàn ông này vẫn kiên trì với giấc mơ của mình và thành công chỉ sau vài năm.

Bị vợ lẫn bạn bè chế giễu vì bỏ việc lương cao đi nuôi lợn

Anh Zhou Shu Hao (đến từ Sơn Đông, Trung Quốc) là một trong những nhân vật dám đi ngược số đông khi từ bỏ công việc lương “khủng” để về quê nuôi lợn.

Trước đó, anh Hao từng làm trong quân đội. Sau khi giải ngũ vào năm 1998, anh chuyển sang nhận thầu các công trình xây dựng với thu nhập từ hơn 300.000 NDT (hơn 1 tỉ đồng)/năm.

Tuy nhiên, hành trình sự nghiệp của anh đã có bước ngoặt lớn khi anh tới Tây Tạng để thăm đồng đội cũ. Tại đây, anh tình cờ được nếm thử món thịt lợn thơm của Tây Tạng. Loài lợn này cho thịt béo ngậy nhưng không ngán, chất thịt tươi ngon khiến anh Hao mê mẩn ngay lập tức.

Sau khi tìm hiểu, anh Hao phát hiện giá thịt lợn thơm Tây Tạng rất đắt, một đĩa thịt đã hơn 150 NDT (510.000đ). Anh thầm nghĩ, nếu ở vùng bản địa thịt đã có giá như vậy, khi bán ở nơi khác như quê nhà anh chắc chắn giá sẽ còn cao hơn.

Lợn thơm Tây Tạng khá phổ biến ở Tây Tạng, Vân Nam, Tứ Xuyên và một số vùng khác tại Trung quốc. Chúng quanh năm sống ở vùng núi, uống nước suối, ăn cỏ dại. Một con lợn thơm Tây Tạng trưởng thành có thể nặng khoảng 75kg. Chúng cho thịt tươi ngon, hàm lượng mỡ tương đối thấp. Ở một số vùng, chúng còn được gọi với cái tên mỹ miều là “lợn nhân sâm”.

Anh Hao đã về quê và nhận ra gần như chưa có ai nuôi loài lợn đặc biệt này. Vì vậy, bất chấp sự phản đối kịch liệt từ vợ và bạn bè, ann vẫn quyết tâm từ bỏ công việc lương cao để về nhà nuôi lợn. Thậm chí, những người xung quanh còn chế giễu anh không có khả năng làm nên chuyện.

May mắn thay, một người đồng đội họ Wu đang kinh doanh rượu vang đỏ đã ủng hộ Hao, đồng thời quyết định đầu tư 1 triệu NDT (3,4 tỉ đồng) để cùng khởi nghiệp. Tổng cộng, cả hai đã bỏ vốn 2 triệu NDT (6,8 tỉ đồng) để mở trang trại lợn.

Kiếm trăm tỉ đồng nhờ giấc mơ nuôi lợn

Ban đầu, họ thuê hơn 30 mẫu đất trên núi và xây dựng một trang trại lợn đơn giản. Sau đó, họ dự định đến Tây Tạng để nhập 200 con giống.

Thế nhưng, anh Hao và anh Wu đã gặp rắc rối lớn trên đường vận chuyển lợn về trang trại. Đàn lợn hoảng sợ và bỏ chạy khiến chuồng bị thủng một lỗ lớn, hơn 70 con đã mất tích. Bên cạnh đó, đường từ Tây Tạng về đến trang trại khá xa, xe tải phải chạy suốt 9 ngày đêm khiến nhiều con lợn lăn ra chết khi áp suất không khí thay đổi đột ngột. Cuối cùng chỉ còn lại hơn 70 con. Anh Hao thiệt hại hơn 1 triệu NDT.

Không nản chí, anh đã đưa số lợn còn lại này về chuồng, mỗi tuần một lần sẽ đưa chúng lên trang trại trên núi để chăn thả tự do giúp thịt săn chắc hơn. Thời gian còn lại, chúng được cho ăn thủ công.

Vì số lượng lợn giảm mạnh so với dự tính ban đầu nên anh Hao quyết định tìm cách cải thiện tỷ lệ sinh sản của chúng, nhằm mở rộng quy mô chăn nuôi. Hành trình này dù tốn thời gian nhưng cho kết quả vô cùng mỹ mãn.

Đến năm 2016, số lợn thơm Tây Tạng do anh Hao và cộng sự nuôi đã lên tới hơn 1.000 con. Lúc này, anh quyết định bán heo con để mở ra thị trường tại địa phương thay vì bán lợn trưởng thành.

Nguyên do là chi phí nuôi lợn khá cao, mỗi ngày tốn hơn 3 NDT cho một con. Nếu không bán được những con lợn này, họ sẽ lỗ hàng nghìn NDT mỗi ngày. Việc bán lợn con có thể giúp xoay vòng vốn nhanh, tránh đứt gãy chuỗi vốn. Tất nhiên, anh Hao và cộng sự vẫn có kế hoạch bán thịt lợn thơm Tây Tạng trong tương lai. Vì vậy, sau khi bán bớt heo giống, họ đã nhận nuôi thêm 200 con trưởng thành.

Sau đó, anh Hao bắt đầu lập trang web bán hàng riêng và bán thịt lợn thơm Tây Tạng với giá đắt gấp 5 lần thịt lợn thông thường. Mức giá này tưởng không ai mua, không ngờ đắt hàng không tưởng.

Lúc đó, anh Wu - cộng sự của anh Hao cũng hỗ trợ hết mình. Vốn kinh doanh rượu vang đỏ và làm trong lĩnh vực nhà hàng, anh Wu đã chế biến thịt lợn thơm Tây Tạng thành nhiều món ngon để thu hút thực khách tới thưởng thức.

Đồng thời, lượng thịt tiêu thụ tăng mạnh, tỉ lệ thuận với những phản hồi tích cực từ phía khách hàng. Tuy nhiên, kết quả này vẫn còn cách xa so với mong đợi của anh Hao.

Sau đó, một bước ngoặt mới xuất hiện khi anh Liu - chủ một tiệm bánh bao ở Thiên Tân tìm thấy anh Hao thông qua internet. Vì muốn mở rộng chủng loại bánh bao nên anh đã quyết định đặt mua lợn thơm Tây Tạng, gồm hơn 100 lợn con và 200 lợn trưởng thành.

Những thành công này đã mang lại cho anh Hao sự tự tin và tiếp tục khai thác thêm nhiều thị trường tiêu thụ mới cho thịt lợn thơm Tây Tạng.

Anh nhắm đến những khách hàng thuộc tầng lớp thượng lưu ở Thanh Đảo, bởi anh cho rằng tệp khách hàng này mới sẵn sàng chi trả cho món thịt lợn giá hơn 120 NDT (408.000đ)/kg. Sau đó, anh đã liên hệ với các cửa hàng thịt ở cạnh các khu nhà ở cao cấp và thành công bán được hơn 700 con lợn chỉ trong 1 năm.

Kế đó, để mở rộng số lượng tồn kho, anh Hao đã hợp tác với hơn 60 hộ dân trong thôn để cùng nuôi lợn thơm Tây Tạng. Thậm chí, để họ yên tâm nuôi lợn, anh Hao còn chỉ dạy kỹ thuật miễn phí, đồng thời nhận thu mua lại lợn con từ 1 tháng tuổi.

Hiện tại, thị trường tiêu thụ chủ yếu của anh Hao nằm ở Thiên Tân, Thanh Đảo, riêng lợn giống được bán đến mọi tỉnh thành ở Trung Quốc. Năm 2020, doanh thu hàng năm của anh Hao lên đến hơn 35 triệu NDT (hơn 119 tỉ đồng).

Hương Nguyễn (Theo baijiahao)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/thanh-trieu-phu-nho-nuoi-loai-lon-nhan-sam-204241512052012102.htm
Zalo