Thanh tra TPHCM chỉ ra thiếu sót, vi phạm tại Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch

Theo kết luận thanh tra, Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch sử dụng quỹ khen thưởng, quỹ phúc lợi, quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp không đúng quy định.

Thanh tra Thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành Kết luận thanh tra số 416/KL-TTTP-P3 về trách nhiệm Thủ trưởng trong việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân, xử lý đơn, khiếu nại, tố cáo và việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản được giao tại Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch.

Một số vi phạm của Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch

Kết luận thanh tra nêu rõ một số hạn chế, thiếu sót, vi phạm tại Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch.

Về việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân, xử lý đơn, khiếu nại, tố cáo: Việc bố trí phòng tiếp công dân của Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch tại tầng 1 (khoảng 4m²) là chưa đảm bảo khi thực hiện tiếp các vụ việc có nhiều người tham gia theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 18 Luật Tiếp công dân năm 2013.

Bên cạnh đó, nhà trường không ban hành thông báo kết luận việc tiếp công dân của hiệu trưởng 01/02 vụ là chưa đúng theo quy định tại Khoản 4, Điều 9 Thông tư số 04/2021/TT-TTCP của Thanh tra Chính phủ.

Trách nhiệm thuộc về hiệu trưởng, trưởng phòng thanh tra pháp chế.

 Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch. Ảnh: Lê Phương.

Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch. Ảnh: Lê Phương.

Về việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản: Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch thực hiện công tác công khai tài chính chưa đảm bảo đầy đủ theo quy định về nội dung và hình thức được quy định tại Điều 7, Điều 9 Thông tư số 61/2017/TT-BTC ngày 15 tháng 6 năm 2017 của Bộ Tài chính; khoản 3 Điều 8 Thông tư số 16/2018/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo; khoản 1 Điều 11 Thông tư số 144/TT-BTC ngày 29 tháng 12 năm 2017 của Bộ Tài chính.

Ngoài ra, trường chưa thực hiện đầy đủ quy định về in và lưu trữ sổ kế toán theo quy định tại Điều 24, Điều 26 Luật Kế toán năm 2015. Nhà trường cũng chưa lập kế hoạch và ban hành thông báo điều chỉnh mức thu học phí năm học 2022-2023 theo quy định tại khoản 2 Nghị quyết số 165/NQ-CP ngày 20 tháng 12 năm 2022 của Chính phủ về học phí đối với cơ sở giáo dục và đào tạo công lập năm học 2022-2023.

Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch không thực hiện hạch toán các nguồn thu, các khoản chi theo từng nội dung thu theo khoản 3 Điều 6 Nghị định số 60/2021/NĐ-CP của Chính phủ. Trường có xây dựng dự toán thu, chi đối với các hoạt động không sử dụng kinh phí nhà nước trong năm, nhưng chưa báo cáo Sở Tài chính là chưa đúng theo khoản 1 Điều 32 Nghị định số 60/2021/NĐ-CP.

Nhà trường chưa phản ánh đầy đủ, kịp thời khoản thu tiền mặt phí khám bệnh tại Phòng khám đa khoa theo quy định tại khoản 2 Điều 5, khoản 3 Điều 6 Luật Kế toán năm 2015. Một số chứng từ liên quan đến hoạt động khám đoàn thiếu văn bản đề xuất chỉ hỗ trợ của trưởng phòng khám.

Kết luận cũng chỉ rõ, Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch không gửi Quy chế chi tiêu nội bộ năm 2022 đến Sở Tài chính theo quy định tại khoản 3 Điều 11 Thông tư số 56/2022/TT-BTC của Bộ Tài chính.

Hơn thế nữa, trường sử dụng quỹ khen thưởng, quỹ phúc lợi, quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp không đúng quy định tại điểm a, c, d khoản 2 Điều 14 Nghị định số 60/2021/NĐ-CP của Chính phủ, cụ thể như sau:

Sử dụng quỹ khen thưởng để chi cho hoạt động phúc lợi (năm 2022: 104.700.000 đồng); sử dụng quỹ phúc lợi để chi cho hoạt động giao tế, chi cho hoạt động phát triển hoạt động sự nghiệp, chi bổ sung thu nhập, chi cho các hoạt động khác (năm 2022 là 443.639.213 đồng; năm 2023: 42.756.764 đồng);

Sử dụng quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp để chi thanh toán các khoản chi phí phát sinh tại Trung tâm Xét nghiệm Y khoa như thanh toán dịch vụ bảo vệ, vệ sinh, internet, mua sắm vật tư, hóa chất, xử lý chất thải (năm 2022: 83.023.000 đồng; năm 2023: 1.514.5 71.558 đồng).

Theo giải trình của Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch là do kế toán hạch toán không đúng nguồn và trường sẽ hạch toán điều chỉnh theo đúng quy định.

Ngoài ra, hồ sơ tạm ứng, thanh toán tạm ứng có một số thiếu sót như: Thời gian tạm ứng và hoàn tạm ứng chậm so với quy định tại quy chế chi tiêu nội bộ, chứng từ chi, hoàn tạm ứng có một số thiếu sót như: không có kế hoạch, không có báo giá hoặc hợp đồng kinh tế; giấy đề nghị tạm ứng không theo mẫu, không ghi rõ thời gian thanh toán tạm ứng, hóa đơn thanh toán tạm ứng sau ngày tổ chức thực hiện.

Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch không thực hiện đối chiếu công nợ (không có biên bản xác nhận, đối chiếu công nợ) năm 2022 là thực hiện không đúng quy định của Luật Kế toán năm 2015.

Nhà trường chi phụ cấp, thu nhập khác để hỗ trợ cho các nhân sự thực hiện một số công việc phát sinh đột xuất trong năm (như phụ cấp hội họp, ngoại khóa, phục vụ công tác kiểm định chất lượng giáo dục...). Mặc dù các nội dung chi đều đã thông qua hội đồng trường, chi theo kế hoạch do hiệu trưởng phê duyệt nhưng Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch không quy định rõ định mức, mức chi cụ thể của các khoản chi này tại Quy chế chi tiêu nội bộ là chưa đảm bảo theo khoản 4 Điều 14 Nghị định số 60/2021/NĐ-CP của Chính phủ (năm 2022: 610.052.750 đồng, năm 2023: 1.943.132.666 đồng).

Nhà trường không thực hiện kiểm kê, dán nhãn tài sản, không công khai việc quản lý, sử dụng tài sản năm 2022 là chưa đúng theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017.

Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch sử dụng tài sản - mặt bằng của trường để cho thuê làm bãi giữ xe cho sinh viên, thư quán khi chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt Đề án sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết và không tổ chức đấu thầu là chưa đúng theo quy định tại Nghị định số 151/2017/NĐ-CP của Chính phủ và kết luận của Thường trực Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tại Thông báo số 634/TB-VP.

Kết luận nêu rõ, trách nhiệm các thiếu sót, vi phạm nêu trên thuộc về hiệu trưởng và các phó hiệu trưởng phụ trách có liên quan, trưởng phòng Tài chính Kế toán, kế toán trưởng của trường, trưởng phòng Tài chính Kế toán Phòng khám đa khoa và các tập thể, cá nhân có liên quan theo thời kỳ phát sinh vụ việc.

Kiến nghị các biện pháp xử lý

Từ những kết luận nêu trên, Chánh Thanh tra Thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh chỉ đạo xử lý như sau:

Giao Hiệu trưởng Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch tổ chức kiểm điểm trách nhiệm của tập thể và cá nhân có liên quan đến các thiếu sót, sai phạm theo nội dung kết luận thanh tra theo thẩm quyền quản lý; qua kiểm điểm, tùy theo tính chất mức độ sai phạm mà có hình thức xử lý phù hợp, đúng quy định; chấn chỉnh và có kế hoạch cụ thể khắc phục các hạn chế, thiếu sót, sai phạm được chỉ ra tại kết luận thanh tra.

Thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về tiếp công dân, ban hành thông báo kết luận sau khi tiếp công dân của người đứng đầu. Nghiên cứu, bố trí, sắp xếp phòng tiếp công dân phù hợp theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 18 Luật Tiếp công dân năm 2013.

Đồng thời, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo kiểm tra, giám sát và nghiêm túc tổ chức thực hiện tốt, đầy đủ các biện pháp về công khai, minh bạch tài chính; xây dựng, điều chỉnh, bổ sung Quy chế chi tiêu nội bộ phù hợp theo quy định pháp luật và thực tế hoạt động tại đơn vị gửi Sở Tài chính theo quy định.

Nghiêm chỉnh thực hiện các quy định về xây dựng dự toán, quyết toán ngân sách, dự toán thu, chỉ ngoài ngân sách theo quy định tại Nghị định số 60/2021/NĐ-CP của Chính phủ, Thông tư số 61/2021/TT-BTC ngày 26 tháng 7 năm 2021 của Bộ Tài chính và các văn bản hướng dẫn của Sở Tài chính.

Chỉ đạo Trưởng Phòng khám đa khoa khắc phục ngay các thiếu sót, vi phạm trong công tác quản lý tiền mặt, chấp hành chế độ báo cáo tại Phòng khám theo quy định.

Bên cạnh đó, khẩn trương xây dựng, hoàn thiện Đề án sử dụng tài sản công của trường theo hướng dẫn của Sở Tài chính; Việc quản lý, sử dụng tài sản công tại đơn vị vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh liên kết phải phù hợp với tình hình thực tế của đơn vị, đạt hiệu quả và đúng quy định pháp luật. Thực hiện kiểm kê, dán nhãn tài sản, đối chiếu công nợ, thanh lý tài sản, công cụ, công khai việc quản lý, sử dụng tài sản hàng năm theo đúng quy định.

Thực hiện đối chiếu các khoản công nợ trước thời điểm lập báo cáo tài chính; chấp hành nghiêm quy định về thời gian tạm ứng và thanh toán tạm ứng.

Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch báo cáo, xin ý kiến hướng dẫn của Sở Tài chính để xem xét, xử lý theo thẩm quyền đối với các khoản chi thu nhập không thể hiện trong Quy chế chi tiêu nội bộ đã nêu.

Đồng thời, chấm dứt tình trạng sử dụng không đúng mục đích các quỹ (phát triển hoạt động sự nghiệp, khen thưởng, phúc lợi). Thực hiện điều chỉnh, sửa chữa những nghiệp vụ hạch toán sai trên sổ sách liên quan đến các nguồn quỹ theo quy định tại Điều 27 Luật Kế toán năm 2015 và thuyết minh việc điều chỉnh vào báo cáo tài chính kỳ tiếp theo; báo cáo kết quả cho Sở Tài chính.

Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch ban hành Kế hoạch thực hiện và Thông báo điều chỉnh mức thu học phí năm học 2022-2023 bằng với mức thu học phí năm học 2021-2022 theo quy định tại Nghị quyết số 165/NQ-CP; công bố rộng rãi và rà soát, lập danh sách hoàn trả chênh lệch học phí cho sinh viên theo quy định.

Yêu cầu nhà trường nghiêm túc thực hiện Nghị định số 222/2013/NĐ-CP và các văn bản có liên quan, theo đó hạn chế tối đa việc thanh toán bằng tiền mặt trong giao dịch, hạn chế tạm ứng kinh phí tiền mặt cho cá nhân trong triển khai thực hiện nhiệm vụ của đơn vị.

Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch được thành lập trên cơ sở Trung tâm Đào tạo bồi dưỡng cán bộ y tế Thành phố theo Quyết định số 24/QĐ-TTg ngày 7/1/2008 của Thủ tướng Chính phủ. Trường là cơ sở giáo dục đại học công lập nằm trong hệ thống giáo dục quốc dân, chịu sự quản lý trực tiếp của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, quản lý nghiệp vụ của Bộ Giáo dục và Đào tạo, quản lý chuyên môn của Bộ Y tế.

Hiện, Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Bác sĩ Nguyễn Thanh Hiệp là Hiệu trưởng Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch.

Thi Thi

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/thanh-tra-tphcm-chi-ra-thieu-sot-vi-pham-tai-truong-dh-y-khoa-pham-ngoc-thach-post247519.gd
Zalo