Thanh tra, giám sát ngân hàng phải lưu ý việc cấp tín dụng 'sân sau'
Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước yêu cầu Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng cần lưu ý việc cấp tín dụng cho các khách hàng, nhóm khách hàng liên quan tới cổ đông lớn, cổ đông chi phối; việc cấp tín dụng đối với một số khách hàng có dấu hiệu tài chính cần lưu ý, cấp tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro…
Năng lực nhiều cán bộ thanh tra, giám sát còn hạn chế
Tại Hội nghị Công tác thanh tra, giám sát ngân hàng (TTGSNH) năm 2024 mới đây, ông Lại Hữu Phước - Phó Chánh TTGSNH phụ trách Cơ quan TTGSNH nêu thực trạng, hiện nay, quy mô các tổ chức tín dụng (TCTD) ngày càng lớn, hoạt động ngày càng phức tạp và đa dạng, khối lượng công việc phải xử lý lớn hơn, nhiều công việc có tính phức tạp cao.
Trong khi đó lực lượng cán bộ thanh tra, giám sát còn hạn chế. Chất lượng thông tin, dữ liệu phục vụ giám sát chưa hoàn thiện, phụ thuộc nhiều vào tính trung thực, chính xác của số liệu do các TCTD báo cáo.
Hạ tầng công nghệ, cơ sở dữ liệu, phương tiện hỗ trợ hoạt động giám sát còn hạn chế dẫn đến hiệu quả công tác giám sát một số nội dung hoạt động chưa cao, một số yếu tố rủi ro tiềm ẩn chưa phát hiện kịp thời để có biện pháp xử lý hiệu quả…
Một số sai phạm, tồn tại của các TCTD được tích tụ từ nhiều năm trước, để xử lý dứt điểm đòi hỏi phải phối hợp với nhiều cơ quan, bộ, ngành và phụ thuộc vào điều kiện thị trường, gây áp lực cho công tác thanh tra, giám sát.
Tình hình tội phạm mạng, sử dụng công nghệ cao trong hoạt động ngân hàng có diễn biến phức tạp, gây tổn thất cho TCTD, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn hệ thống.
Bên cạnh đó, số lượng cán bộ, công chức còn thiếu, trình độ không đồng đều, năng lực thực thi công vụ của một bộ phận cán bộ thực hiện TTGSNH còn hạn chế và chưa theo kịp với tốc độ phát triển của hệ thống tài chính, ngân hàng…
Về những điều cần lưu ý trong hoạt động của các TCTD qua công tác giám sát ngân hàng, Phó Chánh TTGSNH Nguyễn Đức Long cho biết, thời gian qua, các TCTD đã tích cực triển khai các giải pháp nâng cao năng lực quản trị, điều hành, kiểm soát rủi ro và kiểm soát nội bộ, tập trung cơ cấu lại, xử lý nợ xấu theo các mục tiêu, nhiệm vụ nêu tại đề án/phương án đã được phê duyệt.
Tuy nhiên, Cơ quan TTGSNH nhận thấy còn một số vấn đề đáng lưu ý trong hoạt động của các TCTD như: Nợ xấu của hệ thống các TCTD có xu hướng tăng; hoạt động tín dụng của một số TCTD còn chưa đi vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên; Công tác kiểm soát, kiểm toán nội bộ của một số TCTD còn tồn tại một số vấn đề; Tiến độ triển khai phương án cơ cấu lại của một số TCTD còn chậm; Hoạt động đại lý bảo hiểm; hoạt động thu nợ còn một số tồn tại…
Lưu ý chất lượng tín dụng các ngân hàng
Lưu ý một số vấn đề về công tác thanh tra, giám sát ngân hàng, Phó Thống đốc NHNN Phạm Quang Dũng cho hay, mặc dù tăng trưởng tín dụng đến thời điểm này khả quan hơn so với cùng kỳ năm 2023, tuy nhiên, chất lượng tín dụng có xu hướng giảm nợ xấu có nguy cơ gia tăng...
Nguyên nhân là do ảnh hưởng suy thoái kinh tế và thiệt hại do thiên tai gây ra. Cùng đó, việc hấp thụ vốn của DN vẫn còn hạn chế, chưa được cải thiện, thị trường bất động sản vẫn đối mặt với khó khăn.
Do đó, Phó Thống đốc nhấn mạnh, Cơ quan TTGSNH và NHNN chi nhánh cần lưu ý việc cấp tín dụng cho các khách hàng, nhóm khách hàng liên quan tới cổ đông lớn, cổ đông chi phối; việc cấp tín dụng đối với một số khách hàng có dấu hiệu tài chính cần lưu ý, cấp tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro (gồm các lĩnh vực: bất động sản, tiêu dùng, chứng khoán)…
Thời gian tới, Phó Thống đốc yêu cầu, tiếp tục thực hiện hiệu quả Kế hoạch thanh tra năm 2024, bảo đảm tiến độ triển khai tuân thủ theo quy định của pháp luật; xây dựng sớm Kế hoạch thanh tra năm 2025, có trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải, phù hợp với nguồn lực của đơn vị và có tính dự phòng các công việc phát sinh đột xuất...
Khẩn trương ban hành kết luận thanh tra đối với các cuộc thanh tra đã kết thúc thanh tra.
Nâng cao chất lượng kiến nghị tại các kết luận thanh tra; kịp thời, kiến nghị cụ thể các cơ chế, chính sách còn bất cập, chưa phù hợp để sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện; đẩy mạnh công tác theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, xử lý sau thanh tra đảm bảo các TCTD thực hiện nghiêm túc các kết luận, kiến nghị và quyết định xử lý.
Kịp thời lập biên bản, xử lý vi phạm hành chính hoặc chuyển hồ sơ đến cơ quan chức năng đối với các vi phạm, sai phạm của TCTD để xử lý theo quy định pháp luật...
Đặc biệt, tiếp tục tăng cường, nâng cao chất lượng công tác giám sát; tập trung giám sát về chất lượng tín dụng; việc cấp tín dụng đúng đối tượng và lĩnh vực... nhằm phát hiện các rủi ro, tồn tại, vi phạm quy định để kịp thời cảnh báo rủi ro, chỉ đạo có biện pháp xử lý góp phần đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống các TCTD; tăng cường giám sát chặt chẽ hoạt động của các TCTD yếu kém, có nhiều vấn đề tồn tại trong hoạt động.
Giám sát chặt chẽ và chỉ đạo các TCTD triển khai quyết liệt, hiệu quả phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu đã được phê duyệt; đẩy mạnh xử lý nợ xấu, hạn chế nợ xấu mới phát sinh.