Thanh tra Bộ Tài chính kiến nghị Generali, VBI hạch toán giảm hàng tỷ đồng chi phí hỗ trợ đại lý trong năm 2022

Kết luận thanh tra của Bộ Tài Chính cho biết hoạt động bán bảo hiểm qua ngân hàng chiếm tỷ trọng lớn trong doanh thu của VBI, ABIC, Generali vẫn còn phát sinh nhiều sai sót cần nhanh chóng rà soát, khắc phục.

Bán hàng qua kênh bancas chiếm tỷ trọng lớn

Theo kết luận thanh tra chuyên đề của Bộ Tài chính tại một số công ty bảo hiểm phi nhân thọ trong năm 2022 cho thấy bán bảo hiểm qua ngân hàng (bancas) đóng vai trò quan trọng trong các kênh phân phối của nhiều công ty bảo hiểm.

Theo đó, Tổng Công ty Cổ phần Bảo hiểm Ngân hàng Công thương Việt Nam (VBI) đã phân phối 65 sản phẩm bảo hiểm qua 10 tổ chức tín dụng như VietinBank, VIB, GP Bank, Shinhan Việt Nam, Bac A Bank, NCB, Woori Việt Nam,..

Theo báo cáo tài chính đã được kiểm toán năm 2022 và số liệu báo cáo của Tổng Công ty, doanh thu phí bảo hiểm khai thác qua kênh bancas đạt hơn 1.539 tỷ đồng, chiếm 50,4% tỷ trọng tổng doanh thu phí bảo hiểm gốc năm 2022 của VBI.

Trong đó, 5 sản phẩm có doanh thu chính chiếm 86,39% gồm: Bảo hiểm người vay vốn; Bảo hiểm sức khỏe VBICare toàn diện; Bảo hiểm vật chất xe ô tô; Bảo hiểm cháy nổ bắt buộc; Bảo hiểm cháy và các rủi ro đặc biệt - phần thiệt hại vật chất.

Còn tại CTCP Bảo hiểm Ngân hàng Nông nghiệp Việt Nam (ABIC), 49 sản phẩm bảo hiểm đã được bán qua các tổ chức tín dụng, trong đó doanh thu phí bảo hiểm qua Agribank chiếm 99,99% tổng doanh thu phí, mang về gần 1.640 tỷ đồng trong năm 2022.

Nguồn: Kết luận Thanh tra tại ABIC.

Nguồn: Kết luận Thanh tra tại ABIC.

Sản phẩm mang lại doanh thu cao nhất cho ABIC là bảo hiểm Bảo an tín dụng với doanh thu phí bảo hiểm đạt hơn 1.367 tỷ đồng. Tiếp đó là các sản phẩm như bảo hiểm thân xe ô tô (doanh thu 107 tỷ đồng), bảo hiểm Bảo an chủ xe Flexi, bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc,....

Kết luận thanh tra cho thấy ABIC có tỷ lệ hủy bỏ hợp đồng thấp, chỉ có chưa đầy 2.000 hợp đồng bị hủy bỏ trên tổng phát hành mới là hơn 5,3 triệu hợp đồng, tỷ lệ tương ứng 0,04%.

Tại Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ Generali Việt Nam (doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài), trong năm 2022 đã có hơn 83.000 hợp đồng có hiệu lực được khai thác qua kênh bancas với doanh thu phí đạt 1.812 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 35,5% tổng doanh thu phí cả năm. Số lượng hợp đồng khai thác mới là hơn 35.000 hợp đồng với doanh thu phí là 916 tỷ đồng, chiếm 49,2% tổng doanh thu khai thác mới cả năm.

Generali Việt Nam đã phân phối bảo hiểm qua hai ngân hàng là Eximbank, OCB và duy trì các hợp đồng bảo hiểm trước đó với ba tổ chức tín dụng khác gồm Bac A Bank, Techcombank và CIMB Việt Nam.Đã có 39 sản phẩm được bán thông qua kênh bancas trong đó có 2 sản phẩm bảo hiểm liên kết chung, 2 sản phẩm bảo hiểm liên kết đơn vị, 2 sản phẩm bảo hiểm tử kỳ và 33 sản phẩm bảo hiểm bổ sung.

Số liệu được công ty cung cấp, tỷ lệ hủy bỏ hợp đồng qua kênh bancas trong thời hạn 21 ngày củaGenerali Việt Nam là 6,9% (trong đó của Eximbank là 3% và OCB là 10,5%). tỷ lệ hủy bỏ sau thời gian cân nhắc là 52,5% (trong đó Eximbank là 55,7% và OCB là 50,2%).

Nhiều sai sót trong quá trình thực hiện

Kết quả thanh tra tại các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nói trên cho thấy các công ty đều có những sai sót trong việcthực hiện quy trình, quy tắc, điều khoản, biểu phí đối với các sản phẩm được bán qua kênh ngân hàng.

Tại VBI, nhiều trường hợp giấy chứng nhận điện tử bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm người vay được bán qua các ngân hàng chưa có đầy đủ thông tin hoặc các thông tin đưa ra không chính xác. Một số khách hàng được cấp nhiều giấy chứng nhận bảo hiểm sức khỏe trùng nhau về thời hạn được bảo hiểm, chưa phù hợp với quy định của VBI; Một số giấy chứng nhận bảo hiểm sức khỏe được cấp năm 2022 nhưng có hiệu lực về thời hạn bảo hiểm từ năm 2024 đến 2027.

Kết quả thanh tra chọn mẫu tại ABIC cho thấy có những hợp đồng có thời gian thu phí bảo hiểm vượt quá thời hạn quy định, sai lệch thông tin khách hàng, áp dụng mức phí chưa đúng theo biểu phí ban hành,...

Bên cạnh đó, công tác quản lý tài chính, hạch toán đối với một số khoản chi phí năm 2022 liên quan đến hoạt động đại lý bảo hiểm của ba doanh nghiệp nói trên chưa đúng với quy định.

Thanh tra Bộ kiến nghị Generali Việt Nam điều chỉnh hạch toán tăng doanh thu (khoảng 540 triệu đồng) trong khi giảm 235 tỷ đồng chi phí, phần lớn là các khoản chi hỗ trợ bán hàng đối với hai ngân hàng đối tác.

VBI hạch toán tăng chi phí với các khoản chi phí hoa hồng với số tiền là 279 triệu đồng, đồng thời giảm với các khoản chi phí hỗ trợ, chi thưởng cho nhân viên thuộc các đại lý, tổng số tiền là hơn 1,5 tỷ đồng.

Căn cứ vào kết quả thanh tra, Bộ Tài chính kiến nghị Tổng Giám đốc các công ty bảo hiểm nói trên tăng cường rà soát hoàn thiện việc xây dựng, triển khai và giám sát việc thực hiện các quy trình, quy chế theo quy định; rà soát việc triển khai công tác chăm sóc khách hàng, đào tạo đại lý,...

H.T

Nguồn Doanh Nhân VN: https://doanhnhanvn.vn/thanh-tra-bo-tai-chinh-kien-nghi-generali-vbi-hach-toan-giam-hang-ty-dong-chi-phi-ho-tro-dai-ly-trong-nam-2022.html
Zalo