Thanh toán không sử dụng tiền mặt tăng mạnh
Nhằm phục vụ tốt nhu cầu thanh toán của khách hàng sau Tết Nguyên đán 2025, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam đã yêu cầu các đơn vị liên quan thuộc NHNN Việt Nam, các tổ chức tín dụng, Công ty Cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS) và các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán... triển khai một số biện pháp để bảo đảm hoạt động giao dịch diễn ra an toàn, thông suốt. Thực tế thời gian qua cho thấy, xu hướng thanh toán không dùng tiền mặt ngày càng chiếm ưu thế.
Giao dịch rút tiền qua máy ATM giảm
Đối với các tổ chức, đơn vị vận hành các hệ thống thanh toán, NHNN Việt Nam yêu cầu rà soát hệ thống hạ tầng, kỹ thuật, kiểm tra các phương án dự phòng, có biện pháp xử lý, ứng phó kịp thời tình huống quá tải, các sự cố phát sinh, bảo đảm các hệ thống thanh toán hoạt động ổn định, liên tục.
![Nhân viên Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quân đội (MB) hướng dẫn khách hàng sử dụng dịch vụ nộp, rút tiền mặt tại máy ATM. Ảnh: THU THẢO](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_08_16_51423647/80aadd84e4ca0d9454db.jpg)
Nhân viên Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quân đội (MB) hướng dẫn khách hàng sử dụng dịch vụ nộp, rút tiền mặt tại máy ATM. Ảnh: THU THẢO
Tăng cường, chủ động theo dõi, giám sát, quản lý chặt chẽ khả năng chi trả của ngân hàng thành viên, việc thiết lập, điều chỉnh và sử dụng hạn mức bù trừ của các ngân hàng thành viên để cảnh báo, yêu cầu thành viên có biện pháp bổ sung vốn kịp thời, điều chỉnh hạn mức bù trừ phù hợp. NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố chủ động theo dõi, nắm bắt tình hình dư luận, các vụ việc trên địa bàn có liên quan đến hoạt động thanh toán; tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra, giám sát các tổ chức tín dụng trên địa bàn nâng cao chất lượng dịch vụ, bảo đảm an ninh, an toàn trong thanh toán. Chủ động xây dựng và triển khai kế hoạch cụ thể về hoạt động ATM phù hợp với từng địa bàn, khu vực; giám sát chặt chẽ để phát hiện và tiếp quỹ kịp thời; xử lý, ứng phó các sự cố, tình huống phát sinh, không để ảnh hưởng đến giao dịch thanh toán rút tiền của người dân.
Thời gian gần đây, người dân có xu hướng ưu tiên sử dụng các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt như: Chuyển khoản, quét mã QR, ví điện tử, thẻ thanh toán... Anh Lê Văn Đặng, ở phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội, chia sẻ: “Các hoạt động mua sắm hàng hóa, dịch vụ của tôi hằng ngày đều được thanh toán qua ứng dụng ngân hàng cài đặt trên điện thoại. Bởi hầu hết các siêu thị, cửa hàng, thậm chí những sạp bán hàng ở chợ dân sinh cũng chấp nhận hình thức thanh toán không sử dụng tiền mặt”.
Ông Nguyễn Hoàng Long, Phó tổng giám đốc NAPAS cho biết: “Trong các tuần đầu năm 2025, so với cùng kỳ năm ngoái, số lượng giao dịch qua NAPAS tăng khoảng 13-15%. Hiện nay, giao dịch chạy qua hệ thống NAPAS trong ngày cao điểm khoảng 35 triệu giao dịch/ngày. Lượng giao dịch chuyển tiền qua quét mã QR tăng mạnh, thể hiện nhu cầu chuyển tiền, thanh toán của người dân. Đặc biệt, xu hướng rút tiền đều thấy sụt giảm. So với cùng kỳ năm trước, giao dịch rút tiền qua máy ATM giảm gần 20%. Đây là xu hướng rất tốt, mọi người đã thực hiện thanh toán thông qua luôn tài khoản ngân hàng, thay vì rút tiền mặt để chi tiêu như trước đây”.
Hiện nay, cao điểm nhất hệ thống NAPAS xử lý lên tới 36 triệu giao dịch/ngày; tuy nhiên, hệ thống của NAPAS được thiết kế dự phòng cao hơn so với mức cao điểm nhất khoảng 100-150%, công suất phục vụ lên đến 3.500 giao dịch/giây. Qua đó bảo đảm giao dịch qua hệ thống luôn thông suốt và an toàn. Ngoài ra, NAPAS luôn duy trì đội ngũ trực giám sát hệ thống và đội ngũ kỹ thuật trực 24/7 để bảo đảm mỗi khi thấy đầu phía ngân hàng có vấn đề gì có thể cảnh báo ngay để phối hợp xử lý nhanh nhất.
Đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiền mặt
Nhằm bảo đảm an toàn giao dịch thanh toán thông suốt, các ngân hàng thương mại như: Agribank, Vietcombank, BIDV, VietinBank, MB... đã thực hiện đầy đủ quy định về bảo đảm an ninh, an toàn, phòng, chống cháy, nổ, thiên tai trong và sau khi nghỉ Tết. Theo dõi sát tình hình thu, chi tiền mặt trong hệ thống để kịp thời có phương án xử lý, đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiền mặt của khách hàng trước, trong và sau dịp Tết. Bên cạnh đó, các ngân hàng thương mại này cũng phối hợp tích cực với cơ quan chức năng có liên quan phát hiện, xử lý kịp thời các hành vi lừa đảo, gian lận, tội phạm liên quan đến hoạt động thanh toán theo quy định của pháp luật.
Ông Nguyễn Hoàng Long thông tin thêm: “Hệ thống giám sát 24/7 của chúng tôi luôn đo lường lượng giao dịch từ phía ngân hàng gửi đến NAPAS. Khi có vấn đề về sụt giảm hay tăng trưởng bất thường thì chúng tôi đều có cảnh báo đến các ngân hàng ngay lập tức để kiểm tra, khắc phục hệ thống. Mỗi khi khách hàng thực hiện có giao dịch chậm hoặc không được, khách hàng có thể chờ một chút, không nên thực hiện giao dịch liên tục nhiều lần, có thể gây ảnh hưởng đến khả năng xử lý cho các ngân hàng. Qua theo dõi, chúng tôi thấy không có trường hợp tắc nghẽn 100%, một vài thời điểm, có thể do mạng viễn thông hoặc hệ thống các ngân hàng bị quá tải nên các khách hàng phải chờ đợi một ít phút để thực hiện giao dịch”.
Nhu cầu rút tiền mặt là hiện hữu của người dân và có xu hướng giảm mạnh trong những năm gần đây. Tuy vậy, NAPAS vẫn hỗ trợ để cung cấp các dịch vụ nhanh chóng, tiện lợi nhất cho người dân. NAPAS đã cập nhật dịch vụ rút tiền tại ATM qua mã QR, không phải dùng thẻ vật lý. Như vậy, vẫn đáp ứng nhu cầu rút tiền mặt và đem đến phương thức hiện đại, nhanh chóng cho người dùng.