Thành quả nghìn năm cuộc chiến Sơn Tinh-Thủy Tinh

Thủ tướng yêu cầu các bí thư, chủ tịch tỉnh, thành phố có liên quan không chủ quan, lơ là; huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc; đôn đốc, kiểm tra công tác phòng, chống lũ, hộ đê.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo công tác tìm kiếm nạn mất tích do sạt lở đất tại làng Nủ. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo công tác tìm kiếm nạn mất tích do sạt lở đất tại làng Nủ. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Ngày 11/9/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành Công điện số 93/CĐ-TTg về việc tập trung ứng phó lũ lớn, đảm bảo an toàn đê điều trên các sông ở Bắc Bộ, nhất là hệ thống sông Hồng-sông Thái Bình.

Thủ tướng yêu cầu các bí thư, chủ tịch tỉnh, thành phố có liên quan không chủ quan, lơ là; huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc; phân công thường vụ, thường trực ủy ban trực tiếp tới các địa bàn trọng điểm để lãnh đạo, đôn đốc, kiểm tra công tác phòng, chống lũ, hộ đê; rà soát, kiểm tra, triển khai trên thực tế phương án bảo vệ các trọng điểm đê điều xung yếu theo phương châm "bốn tại chỗ."

Nhiều sông, lắm lũ

Việt Nam nằm trong khu vực nhiệt đới gió mùa, lượng mưa trung bình vào khoảng 1.940 mm/năm nhưng phân bố không đều và biến đổi theo thời gian, hình thành các miền khí hậu khác nhau rõ rệt.

Khí hậu được chia ra làm hai đới lớn: Miền Bắc (từ đèo Hải Vân trở ra) là khí hậu nhiệt đới gió mùa, với 4 mùa, độ ẩm cao. Miền Nam (từ đèo Hải Vân trở vào) do ít chịu ảnh hưởng của gió mùa nên khí hậu nhiệt đới khá điều hòa, nóng quanh năm và chia thành hai mùa (mùa khô và mùa mưa).

Ở hai đầu đất nước có hai đồng bằng rộng lớn, phì nhiêu là vùng đồng bằng sông Hồng rộng 16.700km2 và vùng đồng bằng sông Cửu Long rộng 40.000km2.

Mạng lưới sông ngòi rất dày đặc (2.360 con sông), chảy theo hai hướng chính là Tây Bắc-Đông Nam và vòng cung. Hệ thống các sông, suối hằng năm được bổ sung 310 tỷ m3 nước. Chế độ nước của sông ngòi chia thành mùa lũ và mùa cạn, lượng nước trong mùa lũ chiếm tới 70-80% cả năm và thường gây ra lũ lụt.

Với đặc điểm tự nhiên, khí hậu như vậy nên Việt Nam thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai, đặc biệt là lũ, lụt, bão. Câu chuyện Sơn Tinh-Thủy Tinh chính là một cách thức thể hiện cuộc chiến ác liệt chống lũ lụt của ông cha ta.

Vùng đồng bằng sông Hồng (lưu vực sông Hồng, sông Thái Bình) được hình thành bởi 2 hệ thống sông: sông Hồng (gồm 3 sông lớn là Đà, Thao, Lô) và hệ thống sông Thái Bình (gồm 3 sông lớn là Cầu, Thương, Lục Nam) có diện tích lưu vực 169.020km2, trong đó phần lưu vực thuộc lãnh thổ Việt Nam là 86.720km2 chiếm 51% tổng diện tích, phần còn lại thuộc địa phận Lào và Trung Quốc.

 Nước sông Hồng đang rút (ảnh chụp 8h15, ngày 13/9/2024). (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)

Nước sông Hồng đang rút (ảnh chụp 8h15, ngày 13/9/2024). (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)

Địa thế chung của hệ thống sông Hồng rất hiểm trở (47% chiều dài có độ cao trên 1.000m), phần đất bằng chỉ phân bố nhỏ lẻ dọc thung lũng của các sông lớn. Do phần lớn diện tích là miền núi (chiếm 87%) với địa hình dốc và tập trung nhiều tâm mưa lớn nên khu vực thượng nguồn tích nước nhanh và tạo ra lũ lớn đổ về đồng bằng trong mùa mưa bão (lưu lượng trận lũ lịch sử năm 1971 tại Sơn Tây lên đến 37.800m3/s).

Trung bình hằng năm vùng đồng bằng sông Hồng nhận 4 trận bão từ Biển Đông gây nhiều mưa từ tháng 5 đến tháng 10, tạo ra lũ lụt (tháng 7 và tháng 8 thường có lũ lớn). Vào mùa lũ nguồn nước chiếm khoảng 70 % lượng nước cả năm.Nhiều trận lũ gây ra thiệt hại lớn cả về người và tài sản đã xảy ra, điển hình là những trận lũ trong các năm 1915, 1945, 1969, 1971, 1996.

"Lụt cả làng - thiếp, chàng cùng lo"

Các con đê ở Việt Nam đã được bồi đắp dần qua hàng nghìn năm và đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc bảo vệ tính mạng, tài sản người dân.

Theo Giao Châu Ký của Trung Hoa, thì khoảng 3 thế kỷ trước công nguyên ở Giao Châu (một châu hoặc phủ thời xưa, bao trùm vùng đất miền Bắc Việt Nam ngày nay) đã có đê lớn. Trong các sách lịch sử Việt Nam, đê được nói đến đầu tiên là vào khoảng năm 521 dưới thời Lý Bí (tức Lý Bôn). Hệ thống đê sông Hồng được hoàn chỉnh dưới thời vua Trần Thái Tông (trị vì năm 1226-năm 1258).

Trải qua các triều đại, hệ thống đê điều từng bước được bổ sung cả về quy mô và phạm vi bảo vệ.

Cuốn sách “Lịch sử đê điều Việt Nam” (Tổng cục Phòng, chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) viết: Đồng thời với việc hình thành các tuyến đê thì cũng hình thành tổ chức và quy chế quản lý đê. Triều Nguyễn năm 1809 ban hành điều lệ về đê điều, năm 1857 bắt đầu thành lập cơ quan phụ trách về đê. Từ đó đến nay, đặc biệt sau năm 1945, hệ thống đê điều chống lũ đã phát triển cả về quy mô, khối lượng, mở rộng ra trên hầu hết các vùng miền cả nước.

Hệ thống đê điều của Việt Nam hiện có quy mô lớn với tổng số chiều dài là 9.080km (5.547km đê sông, 1.343km đê cửa sông, 1.150km đê biển), trong đó có 2.727km đê từ cấp III đến cấp đặc biệt.

Đây là thành quả của cuộc chiến chống Thủy Tinh bền bỉ của dân tộc ta.

Riêng chiều dài hệ thống đê sông trong vùng đồng bằng sông Hồng là 3.000km. Hệ thống sông Hồng có 1.667km đê và 750km đê thuộc hệ thống sông Thái Bình. Hệ thống đê sông Hồng có quy mô lớn và hoàn thiện hơn so với các hệ thống đê còn lại. Các đê sông thường có độ cao không quá 10m. Đặc điểm lũ ở vùng đồng bằng sông Hồng là không dữ dội như lũ ở miền Trung, nhưng cũng không hiền hòa như lũ ở vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Tùy theo tầm quan trọng kinh tế và số dân cư của địa phương, dựa vào đợt lũ lớn nhất thế kỷ năm 1971 mà 5 cấp đê đã được thiết kế. Tiêu chuẩn phòng lũ đối với hệ thống đê Hà Nội là bảo đảm chống được lũ tương ứng với mực nước sông Hồng tại trạm Long Biên (13,4 m), thoát được lưu lượng tối thiểu (20,000 m3/s).

 Cán bộ, chiến sỹ Trung đoàn 102 hỗ trợ người dân đắp bao tải đất gia cố đê sông Tích. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)

Cán bộ, chiến sỹ Trung đoàn 102 hỗ trợ người dân đắp bao tải đất gia cố đê sông Tích. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)

Theo Tổng cục Phòng, chống thiên tai, trong thời gian qua Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong lĩnh vực xây dựng, quản lý đê điều và phòng chống lũ lụt, bảo vệ cuộc sống yên bình của người dân nhờ các yếu tố sau:

Điều quan trọng nhất là xác định đúng đắn vai trò và tầm quan trọng của đê trong công cuộc phòng, chống lũ lụt nhằm bảo vệ cuộc sống của nhân dân, phát triển sản xuất. Thời kỳ nào chính quyền coi trọng, xác định đúng vị trí, vai trò của đê thì đều hạn chế được những tác hại của lũ lụt. Ngược lại, hậu quả do lũ lụt gây ra sẽ rất lớn.

Luật Đê điều năm 2006 khẳng định: Nguyên tắc hoạt động trong lĩnh vực đê điều là “đảm bảo phát triển bền vững, quốc phòng, an ninh; bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân, chủ quyền và lợi ích quốc gia; góp phần phát triển kinh tế-xã hội.”

Một điều nữa rất có ý nghĩa là sự hình thành và phát triển của hệ thống đê điều của Việt Nam từ nghìn năm qua nhờ vào sự đoàn kết, kiên cường và sáng tạo của nhiều thế hệ người dân trong cuộc chiến chống thiên tai, lũ lụt theo tinh thần “Đã lụt là lút cả làng. Thế nên cả thiếp, cả chàng cùng lo.”

Trong lịch sử xây dựng đê điều của Việt Nam, nhà nước đóng một vai trò quan trọng. Các triều đại phong kiến Việt Nam từ thời Lý, Trần, Lê đến thời Nguyễn đã ban hành nhiều chính sách, xuất ngân khố, thành lập các cơ quan, chức quan trông coi việc đắp và bảo vệ đê.

Từ sau năm 1945, Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Nhà nước luôn dành sự quan tâm đặc biệt tới công tác xây dựng đê điều, đề ra các chủ trương, ban hành chính sách, lãnh đạo, chỉ đạo, đầu tư vốn, quản lý, đào tạo nguồn nhân lực, nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế, huy động nhân lực, tổ chức, động viên nhân nhân tham gia xây dựng và bảo vệ đê.

Đây là một trong những nhân tố cơ bản, tạo ra những thành tựu lớn trong việc xây dựng và bảo vệ đê điều ở Việt Nam./.

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/thanh-qua-nghin-nam-cuoc-chien-son-tinh-thuy-tinh-post976476.vnp
Zalo