Thành phố Thanh Hóa: Người dân vùng ngập lụt trở lại cuộc sống bình thường sau mưa lũ
Do ảnh hưởng của mưa lũ, hàng nghìn người dân ở vùng trũng thấp thành phố Thanh Hóa phải di dời đến những nơi an toàn do nước sông Mã, sông Chu dâng cao. Sau khi nước rút, người dân trở về và bắt tay vào dọn dẹp vệ sinh, đưa cuộc sống trở lại bình thường.
Theo báo cáo của UBND thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa, từ tối 22/9 đến 24/9 do mực nước trên sông Mã và sông Chu dâng cao, nhiều khu vực dân cư trên địa bàn bị ngập lụt, chia cắt.
Chịu ảnh hưởng của nước lũ, có 2.358 hộ, 9.684 nhân khẩu sinh sống vùng ngoại đê thành phố Thanh Hóa bị cô lập. Trong đó có 14 phố, thôn bị ngập toàn bộ hoặc phần lớn khu dân cư; 17 phố, thôn ngập một phần. Các địa phương bị ngập lụt sâu nhất là phường Thiệu Khánh có 3/9 thôn bị ngập với 384 hộ; phường Thiệu Dương có 7/10 thôn bị ngập với 1.743 hộ, xã Hoằng Quang có 3/7 thôn bị ngập với 128 hộ.
Trong đó, Trung đoàn 762 thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thanh Hóa, Ban Chỉ huy Quân sự thành phố và Công an thành phố Thanh Hóa đã huy động hàng trăm cán bộ, chiến sỹ đến phường Thiệu Dương và Thiệu Khánh hỗ trợ cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương ổn định tình hình sau lũ. Trung tâm Y tế thành phố Thanh Hóa cũng huy động 100% cán bộ, nhân viên đến các phường, xã bị ảnh hưởng để hỗ trợ công tác phun tiêu độc khử trùng, đảm bảo vệ sinh môi trường sau lũ.
Có mặt tại phường Thiệu Khánh, lực lượng dân quân, công an, các hội, đoàn thể chính trị - xã hội những ngày này đang tất bật giúp đỡ người dân di chuyển, sắp xếp đồ đoàn, vật dụng, dọn dẹp nhà cửa để ổn định cuộc sống. Bên cạnh đó, nhân viên Trạm y tế phường cũng phối hợp với Trung tâm Y tế thành phố Thanh Hóa tiến hành phun tiêu độc khử trùng, phòng ngừa dịch bệnh sau lũ.
Ông Ngô Văn Đạt ở khu phố Giang Thanh, phường Thiệu Khánh cho biết: “Chúng tôi ở ven sông, nên việc ngập lụt vẫn thường xảy ra qua các năm. Trong những ngày qua, cấp ủy, chính quyền địa phương đã thăm hỏi, động viên, hỗ trợ khi chúng tôi cần. Sau khi nước rút, chúng tôi được các lực lượng quân đội, công an đến giúp đỡ, hỗ trợ dọn dẹp nhà cửa, di chuyển đồ đoàn, ổn định cuộc sống. Gia đình tôi vô cùng biết ơn”.
Tại xã Hoằng Quang, nơi có 3/7 thôn với 128 hộ có nhà cửa bị ngập trong đợt lũ. Một người dân vùng ngập xã này chia sẻ: “Lâu rồi tôi mới chứng kiến một trận lũ lớn như lần này. Cả khu dân cư ngập trong biển nước, hàng trăm nhà dân bị ngập, đồ đạc trôi nổi khắp nơi. Nhiều đoạn đường, các phương tiện giao thông không di chuyển được. Rất may mắn và ấm lòng là mấy hôm nay, thành phố đã huy động phương tiện máy móc, các lực lượng quân đội, công an cùng chung tay giúp bà con khắc phục hậu quả, trước tiên là dọn vệ sinh môi trường, giúp giao thông đi lại thông suốt. Chúng tôi rất ghi nhận sự nỗ lực, cố gắng, toàn tâm toàn lực của cả hệ thống chính trị thành phố trong việc khắc phục hậu quả mưa lũ”.
Chủ tịch UBND xã Nguyễn Trọng Kiên cho biết, cuộc sống của người dân bị ngập lụt đã trở lại bình thường. Trong lũ và sau lũ không xảy ra tình trạng người dân bị đói hoặc thiếu nơi ở.
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Xây dựng (qua điện thoại), ông Trần Anh Chung, Chủ tịch UBND thành phố Thanh Hóa cho biết: “Sau khi mực nước trên sông Mã, sông Chu rút, với tinh thần nước rút đến đâu, dọn dẹp đến đó, sáng 25/9, UBND thành phố Thanh Hóa đã chỉ đạo các xã, phường tập trung thực hiện các giải pháp nhằm nhanh chóng ổn định đời sống nhân dân sau lũ, huy động tối đa lực lượng, phương tiện hỗ trợ các xã, phường tổ chức giúp đỡ người dân di chuyển đồ đoàn về nhà, tham gia dọn dẹp nhà cửa, vệ sinh môi trường, phun tiêu độc, khử trùng, phòng trừ dịch bệnh, đảm bảo cuộc sống”.