Thành phố Nam Định phát triển đa dạng sản phẩm OCOP
Nhằm khai thác tối đa các tiềm năng, lợi thế về nông sản và các sản phẩm truyền thống, thời gian qua, thành phố Nam Định đã tích cực đồng hành, hỗ trợ các doanh nghiệp, người dân tham gia Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP). Qua đó góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu nông sản địa phương, mang lại thu nhập cao hơn cho người dân.

Sản phẩm bánh gai của tiệm bánh Hương Cúc (thành phố Nam Định) đạt chuẩn OCOP 3 sao.
Năm 2024, thành phố Nam Định tiếp tục khẳng định vị thế là một trong những điểm sáng của chương trình OCOP toàn tỉnh khi chính thức công nhận thêm 9 sản phẩm đạt chuẩn OCOP 3 sao vào ngày 15/11. Từ lúc triển khai chương trình OCOP, thành phố đã có tổng số 45 sản phẩm, trong đó có 30 sản phẩm đạt 3 sao và 15 sản phẩm đạt 4 sao, địa phương đứng ở vị trí thứ tư trong toàn tỉnh về số lượng sản phẩm OCOP; đặc biệt, tỷ lệ sản phẩm OCOP 4 sao đạt mức cao nhất tỉnh, chiếm 33%. Hiện nay, thành phố có 33 sản phẩm OCOP (9 sản phẩm 4 sao, 23 sản phẩm 3 sao; 1 sản phẩm trình 5 sao, 12 sản phẩm hết hạn không đề nghị công nhận lại). Thành phố đang tiếp tục đánh giá, công nhận 4 sản phẩm mới của các cơ sở như: Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Thiên Trường Phát; Công ty Hother ATP, hộ kinh doanh Hương Cúc, hộ kinh doanh Đào Thị Hà, đặc biệt là có sự tham gia của các sản phẩm đặc sản truyền thống của Nam Định như bánh gai, sản phẩm từ sen. Các cơ sở sản xuất không chỉ cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP mà còn phát triển thêm các sản phẩm mới, đáp ứng nhu cầu thị trường hiện đại.
Để có được kết quả trên, thời gian qua, thành phố Nam Định đã xây dựng kế hoạch cụ thể, gắn với việc tăng cường tuyên truyền sâu rộng về mục tiêu, ý nghĩa của Chương trình OCOP; vận động doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, người dân mạnh dạn đầu tư mở rộng quy mô sản xuất gắn với đảm bảo các tiêu chí về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, chú trọng phát triển sản phẩm dựa trên các tiềm năng, lợi thế của từng địa phương để đăng ký tham gia đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP. Bên cạnh đó, thành phố chỉ đạo Phòng Kinh tế và Môi trường cùng các cơ quan liên quan tổ chức các lớp tập huấn, tư vấn, định hướng phát triển sản phẩm cho các địa phương; hướng dẫn các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp, hợp tác xã hoàn thiện về chất lượng, mẫu mã bao bì sản phẩm đảm bảo chất lượng sản phẩm và phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng. Hoạt động đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP được thành phố quan tâm chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, kịp thời. Cùng với việc tìm kiếm phát triển các sản phẩm OCOP, thành phố Nam Định còn phối hợp cơ quan, đơn vị chức năng đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu, hỗ trợ bán hàng OCOP tại các gian hàng ở các phiên chợ, hội chợ, triển lãm trong và ngoài tỉnh. Hỗ trợ đăng tải thông tin trên một số website như: ocopnamdinh.vn; ocopvietnam.gov.vn; trên nền tảng mạng xã hội, trên các sàn thương mại điện tử và bán hàng qua livestream.
Trong danh sách sản phẩm mới được công nhận năm nay, có sản phẩm bánh gai Hương Cúc của hộ kinh doanh Hương Cúc, phường Vị Xuyên. Chị Trần Thị Hương Cúc, chủ tiệm bánh cho biết: “Kế thừa nghề làm bánh gai gia truyền, thời gian qua, gia đình tôi không ngừng cải tiến, nâng cao chất lượng món bánh gai với mong muốn gìn giữ thứ quà quê thân tình và ý nghĩa của mảnh đất quê hương. Điểm đặc biệt của bánh gai Hương Cúc nằm ở lá gai tươi - nguyên liệu chính tạo nên màu sắc và hương thơm đặc trưng. Lá gai được lựa chọn kỹ lưỡng từ vườn gai nhà trồng kết hợp cùng với gạo nếp thơm, đậu xanh, mứt sen, mứt bí, mứt mỡ và dầu chuối. Tất cả các nguyên liệu đều được tuyển chọn kỹ lưỡng, hoàn toàn tự nhiên, không sử dụng chất bảo quản để đảm bảo an toàn sức khỏe cho người tiêu dùng và tạo ra bánh gai ngon chuẩn vị với hương thơm tự nhiên”. Để đảm bảo bánh gai luôn tươi mới, ngon, cửa hàng của chị Cúc chỉ sản xuất theo đơn đặt hàng của khách hàng. Bánh gai được bọc trong lá chuối đã được hấp khử trùng sau đó hút chân không để đảm bảo giữ nguyên vẹn hương vị trong quá trình vận chuyển đến tận tay người tiêu dùng. Bình quân mỗi ngày tiệm bánh xuất bán hơn 200 chiếc bánh gai tươi. Bao bì sản phẩm cũng được đầu tư thiết kế trang nhã, phù hợp cho cả nhu cầu sử dụng cá nhân và làm quà biếu. Đây chính là minh chứng cho sự thành công trong việc phát triển các sản phẩm truyền thống lên một tầm cao mới. Hiện sản phẩm bánh gai Hương Cúc đã được quảng bá giới thiệu rộng rãi tại các hội chợ thương mại, lễ hội, Festival Phở tại các tỉnh, thành trong khu vực như: Hà Nội, Thái Bình, Ninh Bình…
Các sản phẩm mới được công nhận OCOP của thành phố không chỉ đạt chuẩn về chất lượng mà còn đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về mẫu mã và giá trị sử dụng. Từ những sản phẩm truyền thống như bánh gai Hương Cúc hay trà ướp hoa sen Bách Diệp, đến các sản phẩm sáng tạo như đông trùng hạ thảo Phúc Khang Nam hay bộ gia vị Hother ATP, tất cả đều thể hiện tinh thần đổi mới và khả năng đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường. Với sự đồng hành của chính quyền, sự ủng hộ của người dân và sự nỗ lực của các cơ sở, chương trình OCOP của thành phố hứa hẹn sẽ tiếp tục đạt được những thành tựu nổi bật hơn nữa.