Thành phố Huế: Khuyến cáo người chơi chim cảnh cần có giấy tờ hợp pháp

Lực lượng kiểm lâm thành phố Huế khuyến cáo người chơi chim cảnh cần có giấy tờ hợp pháp về chim để không vi phạm quy định bảo vệ động vật.

Chim có nguồn gốc hợp pháp mới được đem đi chơi

Vừa qua, Hạt Kiểm lâm liên quận Thuận Hóa - Phú Xuân thông tin, đơn vị vừa có báo cáo gửi Chi cục Kiểm lâm thành phố Huế về việc kiểm tra, ký cam kết quản lý, bảo vệ động vật hoang dã trên địa bàn.

Ban giám khảo tiến hành chấm điểm tại cuộc thi chim chào mào. Ảnh: Nguyễn Tuấn

Ban giám khảo tiến hành chấm điểm tại cuộc thi chim chào mào. Ảnh: Nguyễn Tuấn

Cụ thể, Hạt Kiểm lâm liên quận Thuận Hóa - Phú Xuân đã yêu cầu các chủ quán trên địa bàn thành phố không kinh doanh động vật hoang dã, các loài chim trời, chim di cư trái quy định của pháp luật và tiến hành ký cam kết.

Đặc biệt, đơn vị này đề nghị các chủ quán khi khách đến uống cà phê mang theo chim phải có hồ sơ chứng minh nguồn gốc hợp pháp, nếu vi phạm sẽ xử lý theo quy định.

Theo Hạt Kiểm lâm liên quận Thuận Hóa - Phú Xuân, nhờ làm tốt khâu kiểm tra, tuyên truyền, ký cam kết và xử lý đối với người vi phạm, việc quản lý, bảo vệ động vật hoang dã, các loài chim trời, chim di cư trên địa bàn ngày càng tốt hơn. Các quán cà phê chim, các cửa hàng kinh doanh chim cảnh giảm hẳn so với trước đây.

Tuy nhiên, do thói quen đã có từ lâu ở Huế nên việc quảng cáo, mua bán, trao đổi chim vẫn còn diễn ra. Một số người nuôi chim từ lâu, có thói quen mang theo chim khi đi uống cà phê khá phổ biến; cần có thời gian để tuyên truyền, nhắc nhở và xử lý nếu vi phạm.

Một cán bộ kiểm lâm chia sẻ, theo quy định người nuôi chim không cần giấy phép nếu chim được sinh sản trong môi trường nuôi nhốt, có hóa đơn, chứng từ rõ ràng. Tuy nhiên, nếu bị phát hiện nuôi hoặc vận chuyển chim bắt từ tự nhiên mà không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc, sẽ bị xử lý. Điều này đồng nghĩa rằng người chơi chim khi mang chim đi giao lưu, thi đấu hoặc đơn giản là treo chơi tại quán cà phê cũng có thể bị kiểm tra. Nếu không có giấy tờ hợp lệ như hóa đơn mua bán từ cơ sở được phép nuôi hoặc nhân giống, người chơi có thể bị xử phạt hành chính hoặc tịch thu chim.

Rất khó chứng minh nguồn gốc chim

Thú chơi chim cảnh, đặc biệt là các loài chim trời như chào mào, họa mi, khuyên… đã trở thành xu hướng quen thuộc tại thành phố Huế nhiều năm trở lại đây. Bên cạnh đó, việc kết hợp mô hình cà phê và chơi chim cảnh đang phát triển mạnh không chỉ ở thành phố, ven đô mà còn ở tận các huyện, xã. Một số quán cà phê chủ động thiết kế không gian thân thiện với người chơi chim: Có cột treo lồng, khu vực giao lưu cho các hội nhóm yêu chim tụ họp định kỳ. Tuy nhiên, đa số chim trong số đó là chim trời, có nguồn gốc bẫy bắt từ thiên nhiên, rất ít chim, thậm chí không có chim được sinh ra từ các cơ sở nuôi nhốt được cấp phép.

Rất đông người dân tham gia, xem tại các cuộc thi chim tại thành phố Huế. Ảnh: Nguyễn Tuấn

Rất đông người dân tham gia, xem tại các cuộc thi chim tại thành phố Huế. Ảnh: Nguyễn Tuấn

Anh Phúc - một người nuôi chim chào mào ở thành phố Huế cho biết, anh tham gia chơi chim chào mào và tham gia thi chim chào mào cảnh tại rất nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Sau gần 15 năm nuôi chim và đi thi, thành tích đã từng giành giải quán quân “Siêu cúp Việt Nam” Tiếng chim chào mào toàn quốc vào năm 2018 và rất nhiều giải thưởng ở các cuộc thi khác.

Theo anh Phúc, việc nuôi chim cảnh nói chung, trong đó có chim chào mào nói riêng đã được người dân Huế chơi từ rất lâu và rất nhiều đối tượng nuôi, chơi. Trong đó, rất nhiều loại chim có nguồn gốc từ chim trời, rất ít chim chứng minh được nguồn gốc hợp pháp, do đó để có được “giấy khai sinh” cho chim là rất khó thậm chí không thể có.

Hiện nay, số lượng chim chào mào cảnh tại thành phố Huế là rất nhiều, trong đó đa phần là chim trời. Bởi vì chim trời có sức “chiến đấu’ ở môi trường thiên nhiên, năng động, nhanh nhẹn và bản năng sinh tồn cao, nên thường được lựa chọn chim nuôi, đi thi đấu. Việc quy định chim phải có nguồn gốc mới được chơi là yêu cầu rất khó cho những người đang chơi chim cảnh hiện nay. Cơ quan chức năng nên chăng cần xây dựng một hành lang pháp lý như thế nào để vừa đúng với quy định, vừa đáp ứng nhu cầu chơi chim của nhiều người hiện nay”, anh Phúc chia sẻ.

Tuy nhiên, vẫn có ý kiến cho rằng, dù là thú chơi mang đậm nét văn hóa truyền thống, thì việc nuôi và chơi chim cảnh tại thành phố Huế hiện nay đòi hỏi phải tuân thủ quy định pháp luật, có trách nhiệm với cộng đồng và môi trường tự nhiên.

Tháng 3/2025, một doanh nghiệp tại Huế đã đề xuất tổ chức hội thi "Tiếng hót chim chào mào cảnh" nhằm hưởng ứng Năm Du lịch quốc gia. Tuy nhiên, sau khi xem xét, Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Huế đã có văn bản gửi UBND thành phố Huế đề nghị không cấp phép tổ chức hội thi này. Lý do chính là chim chào mào là loài động vật rừng thông thường, có nguồn gốc hoang dã. Việc tổ chức hội thi chỉ được thực hiện khi các cá thể chim chào mào được nuôi nhốt theo đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên, tiêu chí thể lệ hội thi do đơn vị tổ chức đề xuất chưa quy định rõ ràng về việc các cá thể chim tham gia phải đảm bảo nguồn gốc hợp pháp, do đó chưa đủ điều kiện để xem xét đề nghị tổ chức.

Ông Lê Ngọc Tuấn - Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm thành phố Huế, cho biết, hầu hết chim chào mào nuôi làm cảnh hiện nay có nguồn gốc từ săn bắt trái phép trong tự nhiên. Nếu không kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc chim có thể vô tình khuyến khích hoạt động săn bẫy, bắt chim trái phép, vi phạm các quy định về bảo vệ động vật hoang dã.

Nguyễn Tuấn

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/thanh-pho-hue-khuyen-cao-nguoi-choi-chim-canh-can-co-giay-to-hop-phap-387530.html
Zalo