Thành phố Huế công bố mở cảng cá Thuận An, chính thức đưa vào hoạt động
UBND TP. Huế vừa có quyết định công bố mở cảng cá loại II đối với cảng cá Thuận An sau khi cảng này đã hoàn thành xây dựng từ cuối năm 2023.
Theo Ban quản lý Cảng cá Huế, tại quyết định số 309/QĐ-UBND của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, Bến cập tàu thứ hai của cảng cá Thuận An được bổ sung vào Cảng cá Thuận An với chiều dài cầu cảng là 370 m, độ sâu của luồng - 3.4m, chiều rộng luồng 60 m, độ sâu vùng nước đậu tàu và vùng nước trước cầu cảng - 2,6m; tổng diện tích vùng đất cảng 5,47 ha; tổng diện tích vùng nước trước cầu cảng là 13,09 ha; năng lực bốc dỡ hàng hóa tối thiểu 20.000 tấn/năm; đáp ứng nhu cầu neo đậu và tránh trú bão cùng lúc cho 500 tàu thuyền các loại có chiều dài từ 6m trở lên.
![Cảng cá Thuận An đã được hoàn thành từ cuối năm 2023. Ảnh: Thế Nghĩa](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_10_72_51438538/0c79756b4e25a77bfe34.jpg)
Cảng cá Thuận An đã được hoàn thành từ cuối năm 2023. Ảnh: Thế Nghĩa
Dự án Cảng cá Thuận An kết hợp khu neo đậu tránh trú bão TP. Huế là một trong những dự án thành phần thuộc dự án Xây dựng nâng cấp hạ tầng nghề cá tỉnh Thừa Thiên Huế do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thừa Thiên Huế làm chủ đầu tư (tổng mức 400 tỷ đồng) từ nguồn vốn bồi thường của Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh. Trong đó, dự án Cảng cá Thuận An kết hợp khu neo đậu tránh trú bão TP. Huế có tổng mức đầu tư 220 tỷ đồng.
Dự án được triển khai thi công xây dựng từ tháng 10/2020 và đến cuối năm 2023 thì hoàn thành. Theo mục tiêu, dự án sau khi hoàn thành đảm bảo quy mô tàu cập bến và xuất bến đạt công suất tối thiểu 20.000 tấn/năm, tạo điều kiện thuận lợi cho tàu thuyền cập bến bốc dỡ hàng hóa, bảo quản thủy hải sản; đảm bảo các tiêu chí kỹ thuật theo quy định của EU cần tuân thủ như vệ sinh môi trường, hệ thống xử lý nước thải, hệ thống cấp điện, nước; đáp ứng nhu cầu neo đậu và tránh trú bão cho khoảng 500 tàu thuyền các loại có chiều dài từ 6 m trở lên nhằm hạn chế thiệt hại về người và phương tiện đánh bắt trong mùa mưa bão.
Sau khi hoàn thành, cảng cá Thuận An đã được bàn giao cho Ban quản lý Cảng cá tỉnh Thừa Thiên Huế (nay là Ban quản lý Cảng cá Huế) quản lý. Tuy nhiên, cảng cá vẫn chưa thể đi vào hoạt động do chưa được công bố mở cảng, thiếu bình đồ luồng cảng.
Đại diện Ban quản lý Cảng cá Huế cho biết, quyết định công bố mở cảng cá Thuận An không chỉ tạo đà để phát triển đánh bắt thủy sản tại Huế mà còn để tạo ra hệ thống cơ sở hậu cần nghề cá phục vụ cho thành phố Huế và các tỉnh, thành tại miền Trung, góp phần chung trong nỗ lực tháo gỡ thẻ vàng IUU do khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định hiện nay.
Cũng theo Đại diện Ban quản lý Cảng cá Huế, với các khu chức năng đã được quy hoạch, thời gian tới, Ban quản lý sẽ kêu gọi doanh nghiệp đầu tư các hoạt động cung ứng dịch vụ hậu cần nghề cá như xăng dầu, nước ngọt, xưởng sản xuất đá cây, xưởng phân loại, cấp đông cá, và các gian hàng dịch vụ nhằm phục vụ nhu cầu của khách du lịch đến trải nghiệm đời sống của bà con ngư dân vùng cửa biển và đầm phá ở thành phố Huế.