'Thành phố học tập toàn cầu' trên vùng cao Tây Bắc

Danh hiệu 'Thành phố học tập toàn cầu' không phải là điểm đến mà là biển chỉ dẫn cho những hành trình tiếp theo - đó là tinh thần, quyết tâm của thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La từ người đứng đầu cho đến mỗi cán bộ, nhân dân, thầy và trò nơi phố núi.

"Khi đến các tổ bản, khi đến các ngôi nhà trí tuệ, khi thăm các hoạt động cộng đồng của bà con, tôi thấy mọi người rất vui, phấn khởi khi tham gia các hoạt động này và tham gia với tất cả trái tim và tình yêu của mình, đây thực sự là điều làm nên linh hồn của các mô hình học tập cũng như các cộng đồng học tập".

Đó là cảm nhận của dịch giả, chuyên gia giáo dục Tống Liên Anh trong dịp đến thăm và trải nghiệm “Thành phố học tập toàn cầu” Sơn La. Đây là thành phố thứ 5 và là thành phố khu vực miền núi khó khăn đầu tiên của cả nước được UNESCO công nhận là thành viên của mạng lưới “Thành phố học tập toàn cầu” vào năm 2024.

Bà Miki Nozawa, Trưởng bộ phận Giáo dục, Văn phòng UNESCO tại Việt Nam cũng chia sẻ: "Tôi rất ấn tượng bởi sự tâm huyết dành cho giáo dục mà tôi đã được thấy ở Sơn La. Tôi thật sự cảm nhận được người dân dành sự quan tâm rất lớn cho việc học tập. Tôi tin, đây là một trong những lý do giúp cho thành phố này phát triển mạnh mẽ như hiện tại".

Đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam trao Chứng nhận "Thành phố học tập toàn cầu" cho Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo

Đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam trao Chứng nhận "Thành phố học tập toàn cầu" cho Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo

Ngôi nhà trí tuệ, thư viện nhân ái... là một trong những điểm đến đặc biệt, riêng có ở mỗi tổ, bản của thành phố Sơn La. Mở cửa từ 8 - 20 giờ mỗi ngày, với gần 3.000 đầu sách, không gian tri thức mới mẻ, sáng tạo, gần gũi đã thu hút rất đông người dân.

Em Ngô Gia Huy, tổ 9, phường Tô Hiệu nói: Từ khi có ngôi nhà trí tuệ, con thường đến đây đọc sách, ngoài đọc sách vào buổi chiều bọn con còn tham gia hoạt động vui chơi, đánh cầu rèn luyện sức khỏe.

Những ngôi nhà trí tuệ, thư viện nhân ái được xây dựng ở mỗi tổ, bản của thành phố Sơn La.

Những ngôi nhà trí tuệ, thư viện nhân ái được xây dựng ở mỗi tổ, bản của thành phố Sơn La.

“Góp 1 cuốn sách để được đọc nhiều cuốn sách”, tinh thần ấy đã lan tỏa trong cộng đồng và góp phần xây dựng 130 ngôi nhà trí tuệ và thư viện nhân ái trên khắp thành phố Sơn La. Đây là một trong những điểm sáng của Sơn La trên hành trình xây dựng thành phố học tập, xã hội học tập.

Ông Phan Anh Hữu, Bí thư chi bộ, tổ trưởng tổ 1, phường Chiềng Lề, thành phố Sơn La chia sẻ: Chúng tôi giao cho các tổ chức đoàn thể, tổ chức nhiều hình thức, nội dung phong phú với từng đối tượng. Đến nay, ngôi nhà trí tuệ được đông đảo nhân dân, nhất là người cao tuổi, các cháu thiếu niên đến nghiên cứu, học hỏi, tìm hiểu sách báo để trang bị thêm kiến thức trong học tập, cuộc sống.

Gìn giữ và phát huy truyền thống văn hóa các dân tộc bằng nhiều mô hình, câu lạc bộ

Gìn giữ và phát huy truyền thống văn hóa các dân tộc bằng nhiều mô hình, câu lạc bộ

Sau những giờ học tập hăng say và miệt mài lao động sản xuất, những làn điệu quen thuộc với đồng bào Thái lại vang lên trong những không gian văn hóa của bản. Không chỉ xua tan mỏi mệt mà còn là sợi dây gắn kết và vun đắp tình yêu văn hóa của người dân phố núi Sơn La.

Bà Lò Mai Cương, thành viên Câu lạc bộ văn hóa dân tộc Thái, bản Chậu Cọ, phường Chiềng Cơi với hơn 60 thành viên tham gia cho hay: Câu lạc bộ sưu tầm tất cả di sản văn hóa của dân tộc Thái để lưu giữ, để truyền dạy các hoạt động văn hóa, văn nghệ, dạy múa, dạy hát, dạy chữ Thái cho người dân, cho con em, học sinh và một số sinh viên của Trường đại học Tây Bắc cũng đến tham dự lớp học chữ Thái, học hát Hạn Khuống, múa xòe...

Lớp học chữ Thái của câu lạc bộ văn hóa Thái, bản Chậu Cọ, phường Chiềng Cơi sáng đèn vào thứ 7 và chủ nhật hàng tuần. Từ các ông, các bà, đến cả các cháu thiếu niên, nhi đồng... mỗi người đến lớp học với những nỗi niềm, mong ước của riêng mình.

Bà Tòng Thị Hỏa, một trong số gần 30 học viên của lớp chia sẻ: Năm nay tôi 65 tuổi rồi, tuổi cao nhất lớp, trước đó chưa được học chữ Thái bao giờ. Nay nhà nước quan tâm, thành phố quan tâm, những người yêu văn hóa Thái tổ chức lớp học này, tôi phải cố gắng đi học để biết chữ Thái, học các bài hát, rồi kể chuyện... để sau còn truyền lại cho các con, các cháu của mình.

Sản phẩm hoạt động giáo dục STEM/STEAM của các trường học ở thành phố Sơn La

Sản phẩm hoạt động giáo dục STEM/STEAM của các trường học ở thành phố Sơn La

Đó là những mảnh ghép đặc biệt trong bức tranh của thành phố Sơn La sau 1 năm trở thành thành viên của mạng lưới “Thành phố học tập toàn cầu”. Với quan điểm giáo dục là quốc sách hàng đầu, địa phương này luôn ưu tiên đầu tư cho giáo dục, với khoảng 34% tổng chi ngân sách toàn thành phố. Hơn cả, là sự quan tâm của mỗi gia đình, dòng họ, cộng đồng học tập, trong đó, nhiều cán bộ, đảng viên đã tự nguyện đóng góp, xã hội hóa gần 2 tỷ đồng, hỗ trợ hơn 100 học sinh có hoàn cảnh khó khăn, trẻ khuyết tật trong 3 năm, mức hỗ trợ 18 triệu đồng/học sinh...

Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Nguyễn Huy Hoàng, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La khẳng định: Danh hiệu “Thành phố học tập toàn cầu” của UNESCO công nhận là sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế đối với nỗ lực xây dựng xã hội học tập của thành phố Sơn La. Đồng thời, thể hiện sự đánh giá cao của thế giới đối với các chính sách, cam kết, nỗ lực của Việt Nam, tỉnh Sơn La và thành phố Sơn La trong việc đảm bảo nền giáo dục có chất lượng, công bằng, toàn diện; thúc đẩy cơ hội học tập suốt đời cho tất cả mọi người, góp phần nâng cao vị thế giáo dục của Việt Nam trên trường quốc tế. Ngành Giáo dục và đào tạo tỉnh Sơn La và thành phố Sơn La đã và đang nỗ lực rất cao để phấn đấu đạt được giải thưởng này trong thời gian sớm nhất.

Sơn La đầu tư cho giáo dục và đào tạo hơn 34% tổng chi ngân sách toàn thành phố

Sơn La đầu tư cho giáo dục và đào tạo hơn 34% tổng chi ngân sách toàn thành phố

Đến hết năm 2024, thành phố Sơn La có trên 90% trường học đạt chuẩn quốc gia. Bên cạnh đó là hệ thống các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn và sự hình thành một số cơ sở giáo dục chuyên biệt giúp học sinh các cấp học có nhiều cơ hội để tiếp cận, trải nghiệm, tham gia và đạt giải cao tại các cuộc thi trí tuệ trong nước và quốc tế.

Theo tiêu chuẩn về các mô hình học tập của Bộ Giáo dục và đào tạo, thành phố Sơn La có trên 90% công dân đăng kí đã đạt “Công dân học tập”; 96% hộ đạt “Gia đình học tập”; 100% xã, phường, tổ, bản đạt “Cộng đồng học tập”, cao hơn so với mục tiêu trung bình của cả nước đến năm 2025 theo quyết định của Chính phủ.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo trao Chứng nhận “Thành phố học tập toàn cầu” lãnh đạo tỉnh sơn La và thành phố Sơn La

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo trao Chứng nhận “Thành phố học tập toàn cầu” lãnh đạo tỉnh sơn La và thành phố Sơn La

Bí thư Thành ủy Sơn La Hà Trung Chiến cho biết: Tham gia vào mạng lưới Thành phố học tập toàn cầu, Sơn La có rất nhiều việc phải làm, trên tất cả các lĩnh vực. Từ nâng cao kiến thức của người dân để phát triển kinh tế gia đình, có những đóng góp cho xã hội, có những ứng xử để giữ gìn những nét văn hóa bản sắc dân tộc, một cách có trách nhiệm hơn, khoa học hơn... những việc làm này yêu cầu cả hệ thống chính trị vào cuộc, trong đó có vai trò của từng người dân. Chính vì vậy mà không thể nói điểm đến của thành phố học tập toàn cầu là đâu, mà chúng ta kiên trì, bền bỉ, làm đến đâu có lợi đến đó cho nhân dân, cho sự phát triển của thành phố Sơn La.

Không chỉ dần khẳng định vị thế trong mạng lưới các thành phố học tập toàn cầu, Sơn La đang nỗ lực để có thể chạm tay vào những giải thưởng cao của UNESCO. Nhưng điều đáng nói, với Sơn La, đó không phải là đích đến mà là động lực cho những hành trình tiếp theo - hành trình không ngừng sáng tạo, chuyển mình của phố núi còn nhiều khó khăn trên vùng cao Tây Bắc, để thành phố Sơn La phát triển toàn diện và bản sắc.

Lê Hạnh/VOV-Tây Bắc

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/thanh-pho-hoc-tap-toan-cau-tren-vung-cao-tay-bac-post1149335.vov
Zalo