Thành phố Hòa Bình đạt tiêu chí đô thị loại II
Ngày 23/12, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Việt Hùng chủ trì Đề án đề nghị công nhận thành phố Hòa Bình là đô thị loại II trực thuộc tỉnh Hòa Bình.
Xây dựng Hòa Bình đạt tiêu chí đô thị loại II trước năm 2025
Thành phố Hòa Bình là trung tâm chính trị - hành chính của tỉnh Hòa Bình, là trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, khoa học công nghệ, giáo dục và đào tạo; đầu mối giao lưu của Vùng Tây Bắc.
Thành phố Hòa Bình được công nhận là đô thị loại III trực thuộc tỉnh Hòa Bình tại Quyết định 2076/2005/QĐ-BXD ngày 04/11/2005 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng và thành lập thành phố Hòa Bình thuộc tỉnh Hòa Bình tại Nghị định số 126/2006/NĐ-CP ngày 27/10/2006 của Chính phủ.
Ngày 17/12/2019, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 830/NQ-UBTVQH14 về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thuộc tỉnh Hòa Bình, trong đó sáp nhập toàn bộ huyện Kỳ Sơn vào thành phố Hòa Bình và thành lập phường Kỳ Sơn. Ngày 12/01/2021, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 1189/NQ-UBTVQH14 về việc thành lập phường Quỳnh Lâm và phường Trung Minh thuộc thành phố Hòa Bình. Hiện nay, thành phố Hòa Bình có 19 đơn vị hành chính cấp xã, bao gồm 12 phường và 7 xã.
Xây dựng thành phố Hòa Bình đạt các tiêu chí đô thị loại II trước năm 2025 là nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị tỉnh Hòa Bình, được cụ thể hóa tại Chương trình hành động số 06-CTr/TU ngày 31/08/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố Hòa Bình lần thứ II.
Trên cơ sở đó, thành phố Hòa Bình đã phát huy tinh thần đoàn kết, đổi mới, sáng tạo, triển khai nhiều giải pháp quyết liệt, đồng bộ và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Đến nay, kinh tế thành phố đã phát triển với tốc độ tăng trưởng cao; cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp - xây dựng và thương mại - dịch vụ, giảm tỷ trọng nông nghiệp, cơ sở kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được tăng cường, bộ mặt đô thị có nhiều đổi mới; văn hóa - xã hội có chuyển biến tiến bộ; hệ thống chính trị được củng cố, giữ vững ổn định chính trị, tinh thần đoàn kết được phát huy; đời sống vật chất tinh thần của nhân dân từng bước được cải thiện.
Việc xây dựng thành phố Hòa Bình là đô thị loại II phù hợp với Kế hoạch phân loại đô thị quốc gia giai đoạn 2021 – 2025; phù hợp với phương án Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; phù hợp với Quy hoạch tỉnh Hòa Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Vì vậy, việc lập Đề án đề nghị công nhận thành phố Hòa Bình là đô thị loại II trực thuộc tỉnh Hòa Bình là cần thiết, phù hợp với chủ trương đường lối của Đảng, Nhà nước, vừa đáp ứng nguyện vọng của nhân dân, vừa đánh giá đúng vị thế, thực tiễn phát triển của thành phố Hòa Bình, tạo đà tiếp tục thu hút vốn đầu tư mạnh mẽ hơn nữa, phát huy tiềm năng, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của thành phố trong tương lai.
Đô thị sinh thái, mang đậm bản sắc văn hóa, lịch sử, dân tộc vùng Tây Bắc
Phạm vi lập Đề án bao gồm toàn bộ địa giới hành chính thành phố Hòa Bình với quy mô khoảng 348,65km2, bao gồm 19 đơn vị hành chính cấp xã. Phạm vi nội thành gồm 12 phường hiện hữu và xã Mông Hóa dự kiến thành lập phường.
Về vị trí, chức năng, vai trò, thành phố Hòa Bình là trung tâm hành chính, chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học kỹ thuật, là hạt nhân thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế toàn tỉnh Hòa Bình; là một trong những đô thị trung tâm vùng Thủ đô Hà Nội; là đô thị cửa ngõ, cầu nối giữa vùng Thủ đô Hà Nội và vùng Tây Bắc.
Về tính chất đô thị, Đồ án xây dựng quy hoạch chung thành Hòa Bình đến năm 2045 xác định, thành phố Hòa Bình sẽ là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa, xã hội và khoa học – kỹ thuật của tỉnh; là một trong những đô thị trung tâm vùng Thủ đô Hà Nội; là đô thị sinh thái, mang đậm bản sắc văn hóa, lịch sử, dân tộc vùng Tây Bắc; có vị trí quốc phòng, an ninh quan trọng phía Tây vùng Thủ đô. Đây cũng sẽ là thành phố của cảnh quan thiên nhiên, phát triển hai bên bờ sông Đà, kết nối với hồ Hòa Bình…
Tính đến hết năm 2023, dân số toàn đô thị Hòa Bình khoảng 177.000 người, tỷ lệ dân số khu vực nội thị chiếm khoảng 83,6%. Mật độ dân số toàn đô thị khoảng 1.004 người/km2.
Mức tăng trưởng kinh tế trung bình 3 năm gần nhất đạt 11,93%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp - xây dựng và thương mại - dịch vụ, giảm tỷ trọng nông nghiệp. Tỷ lệ lao động phi nông nghiệp toàn đô thị đạt 82,2%.
Cân đối thu chi ngân sách dư. Thu nhập bình quân đầu người/tháng bằng 1,5 lần so với trung bình của cả nước. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giảm xuống còn 1,38%. Diện tích nhà ở bình quân đầu người đạt 29,5m2 sàn/người. Tỷ lệ nhà kiên cố khoảng 97,06%...
Tuy nhiên, thành phố Hòa Bình vẫn còn 6 tiêu chuẩn chưa đạt tiêu chí của đô thị loại II, đó là tỷ lệ đất giao thông so với đất xây dựng đô thị, mật độ đường giao thông đô thị, tỷ lệ nước thải đô thị được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật, đất cây xanh sử dụng công cộng khu vực nội thành bình quân đầu người, công trình xanh và khu chức năng đô thị, khu đô thị được quy hoạch, thiết kế theo mô hình xanh, ứng dụng công nghệ cao, thông minh.
Tập trung phát triển hạ tầng đô thị, gìn giữ bản sắc văn hóa Mường
Về cơ bản, Hội đồng thẩm định nhất trí đánh giá thành phần hồ sơ đầy đủ, Đề án được lập theo đúng quy định của pháp luật, phù hợp với chủ trương của Trung ương và tỉnh, phù hợp với chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã…
Tuy nhiên, các thành viên của Hội đồng vẫn đóng góp một số ý kiến để thành phố Hòa Bình hoàn thiện Đề án trước khi trình Thủ tướng Chính phủ xem xét công nhận.
Cụ thể, Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng) đề nghị thành phố Hòa Bình quan tâm đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng giao thông, công viên, cây xanh…; phát triển đô thị Hòa Bình gắn với phát triển Khu du lịch quốc gia hồ Hòa Bình; lưu ý các tác động của biến đổi khí hậu.
Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng) đề nghị địa phương chú ý vấn đề thu gom, xử lý nước thải; xây dựng kế hoạch bố trí nguồn lực xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị; nghiên cứu giải pháp phát triển đô thị xanh, bền vững. Vụ Quy hoạch - Kiến trúc (Bộ Xây dựng) đề nghị quan tâm xây dựng giải pháp quản lý không gian hai bờ sông Đà…
Vụ Chính quyền địa phương (Bộ Nội vụ) đề nghị thành phố Hòa Bình có giải pháp cụ thể để hoàn thiện các tiêu chuẩn chưa đạt và tiêu chuẩn đạt ở mức tối thiểu; làm tốt vấn đề môi trường khi quy hoạch nghĩa trang công viên; chú trọng công tác tinh gọn bộ máy, nâng cao năng lực của cán bộ, cải cách hành chính… Vụ Pháp luật (Văn phòng Quốc hội) lưu ý chính quyền địa phương cần quan tâm phê duyệt các quy hoạch phân khu.
Bộ Tài nguyên và Môi trường góp ý về việc thống nhất số liệu về đất đai, đầu tư hệ thống xử lý nước thải. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị địa phương quan tâm xây dựng các sản phẩm du lịch mang tính đặc trưng; thống nhất số liệu về công trình văn hóa, thể thao; bảo tồn và phát huy giá trị của các di tích lịch sử. Bộ Công Thương đề nghị thành phố Hòa Bình quan tâm phát triển hạ tầng thương mại, phục vụ phát triển du lịch.
Bộ Quốc phòng lưu ý việc đảm bảo quy hoạch đất an ninh - quốc phòng. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, Đề án cần bổ sung Nghị quyết 06-NQ/TW năm 2022 về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 20245 vào căn cứ pháp lý; bổ sung nội dung của Quy hoạch vùng trung du và miền núi phía Bắc thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050…
Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam đề nghị thành phố Hòa Bình lưu ý gìn giữ bản sắc văn hóa Mường khi phát triển không gian đô thị mới. Tổng hội Xây dựng Việt Nam lưu ý việc làm rõ nguồn lực đầu tư xây dựng thành phố theo mô hình đô thị sinh thái.
Thay mặt chính quyền địa phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình Nguyễn Văn Chương đã tiếp thu các ý kiến của Hội đồng thẩm định, cam kết sẽ nhanh chóng chỉ đạo các đơn vị chuyên môn sớm bổ sung, chỉnh sửa, hoàn thiện Đề án.
Kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Việt Hùng đã tổng hợp ý kiến của Hội đồng thẩm định, thống nhất đánh giá thành phố Hòa Bình đạt tiêu chí đô thị loại II trực thuộc tỉnh Hòa Bình. Nhưng để hoàn thiện Đề án đúng với quy định, đủ điều kiện để trình cấp có thẩm quyền xem xét phê duyệt, Thứ trưởng cũng đề nghị địa phương lưu ý một số nội dung trọng tâm.
Thứ nhất, tỉnh Hòa Bình cần rà soát, thuyết minh số liệu, bản vẽ của Đề án để đảm bảo thống nhất, chính xác. Thứ hai, tỉnh cần có giải pháp, kế hoạch cụ thể để sớm hoàn thiện, khắc phục các tiêu chí, tiêu chuẩn còn thiếu, còn yếu, nhằm nâng cao chất lượng đô thị.
Thứ ba, tỉnh cần có báo cáo thuyết minh các nội dung tiếp thu, giải trình, hoàn thiện hồ sơ, Đề án.
Thứ tư, tỉnh cần sớm tổ chức lập quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết cho khu vực dự kiến thành lập phường; có kế hoạch đầu tư phát triển đô thị để làm cơ sở đánh giá trình độ phát triển cơ sở hạ tầng đô thị, áp dụng đối với khu vực dự kiến thành lập phường.
Hội đồng thẩm định thống nhất chấm Đề án đạt 84,16/100 điểm.