Thành phố Hồ Chí Minh tăng cường giám sát, quản lý an toàn thực phẩm

Thời gian qua, công tác quản lý vệ sinh, an toàn thực phẩm tại Thành phố Hồ Chí Minh đã đạt được một số kết quả tích cực. Trong 6 tháng đầu năm 2024, trên toàn địa bàn Thành phố chỉ xảy ra 4 sự cố liên quan an toàn thực phẩm. Để tiếp tục bảo đảm sức khỏe cho người dân, các cơ quan quản lý nhà nước đã tăng cường các phương án giám sát, thanh tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm…

Đoàn Giám sát thuộc Ban Văn hóa-Xã hội, Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh kiểm tra công tác vệ sinh, an toàn thực phẩm tại Phố ẩm thực Hồ Thị Kỷ.

Đoàn Giám sát thuộc Ban Văn hóa-Xã hội, Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh kiểm tra công tác vệ sinh, an toàn thực phẩm tại Phố ẩm thực Hồ Thị Kỷ.

Bảo đảm an toàn ẩm thực đường phố

Trong những ngày giữa tháng 8/2024, Ban Văn hóa-Xã hội, Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức các buổi giám sát vệ sinh, an toàn thực phẩm tại Phố ẩm thực Hồ Thị Kỷ (Hồ Thị Kỷ, phường 1, quận 10). Đây là phố ẩm thực tập trung các hàng quán chuyên các món xiên nướng, hải sản và các món ăn vặt được giới trẻ yêu thích. Khu vực này luôn nhộn nhịp, thu hút cả khách Việt và khách quốc tế.

Ông Phạm Minh Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường 1 quận 10, cho biết, chợ Hồ Thị Kỷ hiện có 176 gian hàng, trong đó có 87 hộ kinh doanh ẩm thực đường phố. Thời gian vừa qua, lãnh đạo phường 1, quận 10 cũng đã triển khai một số phương pháp quản lý an toàn thực phẩm cơ bản cho các tiểu thương như: thực hiện khám sức khỏe định kỳ 6 tháng/lần, tuyên truyền nâng cao ý thức người dân trong công tác an toàn thực phẩm và kiểm soát nghiêm ngặt nguồn gốc xuất xứ nguyên liệu các món ăn được bày bán.

Anh Trần Nhật Minh Trí, đại diện gian hàng đồ nướng, xiên que Trúc Lam-Trúc Linh tại phố ẩm thực Hồ Thị Kỷ (Hồ Thị Kỷ, phường 1, quận 10), sẵn sàng cung cấp các hóa đơn, chứng thực nguồn nguyên liệu khi được yêu cầu. Anh Trí chia sẻ: “Nguồn thực phẩm của quán được lấy tươi mỗi ngày từ chợ đầu mối Bình Điền, nếu trong ngày không bán hết thì quán sẽ chia cho nhân viên, không để qua hôm sau”.

Chị Âu Thanh Tuyền, chủ quán ốc tại Phố ẩm thực Hồ Thị Kỷ cũng cho biết, quán hiện đang nhập hàng tại chợ đầu mối Bình Điền. Mỗi ngày, chị Tuyền chỉ nhập số lượng đủ bán để tránh việc tồn hàng; đặc biệt, chị luôn chú trọng lấy hàng ở nơi được cấp giấy phép an toàn thực phẩm.

Tương tự, ông Lâm Phước, đại diện quán nướng Chú Ba cho biết, hàng hóa đang bán bảo đảm có nguồn gốc rõ ràng, tôm hùm tươi sống được nhập từ Khánh Hòa hằng ngày; cánh gà, thịt heo... cũng được nhập từ cơ sở đạt chứng nhận an toàn thực phẩm, có đầy đủ hóa đơn và kiểm định.

Qua quá trình kiểm tra, ông Cao Thanh Bình, Trưởng Ban Văn hóa-Xã hội, Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh xác nhận, các hóa đơn chứng từ được người dân xuất trình rất rõ ràng và có đầy đủ thông tin. Người bán hàng cũng đảm bảo bảo hộ lao động khi đeo khẩu trang, mang găng tay. Các gian hàng sạch sẽ, công tác bảo quản và chế biến thực phẩm an toàn.

Nâng cao chất lượng công tác quản lý

Ông Nguyễn Minh Nhựt, Phó Trưởng Ban Văn hóa-Xã hội, Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, đánh giá cao phương thức quản lý an toàn thực phẩm của chính quyền địa phương đối với Phố ẩm thực Hồ Thị Kỷ. Tuy nhiên, ông Nhựt cho rằng các đơn vị liên quan cần phải định kỳ kiểm tra ngẫu nhiên một số hàng quán để các tiểu thương ý thức được tầm quan trọng của an toàn thực phẩm.

Đồng thời, dù quận 10 chưa ghi nhận ca ngộ độc thực phẩm nào trong 6 tháng đầu năm 2024, ông Nguyễn Minh Nhựt vẫn mong muốn chính quyền quận có những buổi tập huấn giả định để nhanh chóng xử lý khi có tình huống ngộ độc thực phẩm xảy ra trên địa bàn. Việc chuẩn bị kịch bản, phân chia vai trò của các bên liên quan là một bước quan trọng trong công cuộc ổn định quản lý an toàn thực phẩm tại quận 10 nói riêng và toàn thành phố nói chung.

Bên cạnh đó, theo khảo sát, hiện có hơn 80% hộ kinh doanh ẩm thực ở Phố ẩm thực Hồ Thị Kỷ lấy hàng từ các chợ đầu mối. Như vậy, các chợ đầu mối trên địa bàn thành phố cũng cần thắt chặt kiểm tra nguồn cung để bảo đảm an toàn thực phẩm.

Ông Lê Hồng Tây, Trưởng phòng Y tế quận 10, kiến nghị: “Sở An toàn thực phẩm Thành phố cần tăng cường công tác kiểm soát chặt chẽ nguồn thực phẩm tại các chợ đầu mối để đảm bảo an toàn đối với thực phẩm nông nghiệp”.

Đồng tình với ông Tây, ông Cao Thanh Bình chia sẻ: “Nếu chúng ta kiểm soát chặt chẽ an toàn thực phẩm tại chợ đầu mối thì nguồn hàng về các phố ẩm thực, về các chợ, các điểm bán hàng nhỏ lẻ trên địa bàn thành phố sẽ yên tâm hơn. Ngoài ra, thành phố cũng không mất nhiều nhân lực để kiểm soát những điểm nhỏ lẻ mà chỉ cần tập trung những điểm lớn là các chợ đầu mối”.

Để công tác quản lý an toàn thực phẩm thêm chặt chẽ, Ủy ban nhân dân quận 10 cũng kiến nghị Sở An toàn thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh nên tổ chức tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ quận, phường, nhất là những lĩnh vực khó như: ôi khét dầu mỡ, hóa chất, phẩm màu, phụ gia thực phẩm, thực phẩm chức năng, nông sản thực phẩm; xây dựng phần mềm quản lý chung và triển khai cho tuyến quận huyện thực hiện, nhằm nâng cao công tác quản lý trong việc bảo đảm quản lý đầy đủ thông tin, dữ liệu cơ sở; tăng cường kiểm tra đột xuất các cơ sở buôn bán, các hàng quán kinh doanh ẩm thực thay vì kiểm tra có thông báo trước hay theo lịch định kỳ. Đặc biệt, cần tăng mức phạt vi phạm hành chính đối với hành vi kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ và hành vi chế biến, cung cấp thực phẩm không bảo đảm…

Vũ Ngân

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/thanh-pho-ho-chi-minh-tang-cuong-giam-sat-quan-ly-an-toan-thuc-pham-post826141.html
Zalo