Thành phố Hồ Chí Minh sát cánh cùng Đồng bằng sông Cửu Long phát triển du lịch
Giai đoạn 2023 - 2024, Thành phố Hồ Chí Minh liên kết hợp tác phát triển du lịch cùng 13 tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng của vùng. Sự phối hợp này không chỉ mở ra cơ hội phát triển du lịch bền vững mà còn mang đến cho du khách trong và ngoài nước những trải nghiệm độc đáo về văn hóa, thiên nhiên và ẩm thực đặc trưng Nam Bộ với hơn 5,7 triệu lượt khách du lịch về khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh, ông Quách Ngọc Tuấn, nhấn mạnh: Để tối ưu hóa hiệu quả hợp tác, Thành phố Hồ Chí Minh đã xác định năm nhiệm vụ trọng tâm. Những nhiệm vụ này bao gồm: Trao đổi thông tin quản lý Nhà nước về du lịch; phát triển sản phẩm du lịch; quảng bá xúc tiến du lịch; đào tạo nguồn nhân lực và kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực du lịch.
Chuyển đổi số là một trong những yếu tố quan trọng được Thành phố Hồ Chí Minh cùng các địa phương Đồng bằng sông Cửu Long chú trọng.
Sở Du lịch Thành phố đã tổ chức “Ngày hội Chuyển đổi số Du lịch” với chủ đề “Chuyển đổi số - Động lực phát triển bền vững”, nơi các cơ quan, doanh nghiệp du lịch được giới thiệu các ứng dụng công nghệ mới trong quản lý và vận hành. Nền tảng bản đồ thông minh 3D/360, giúp khách du lịch dễ dàng tiếp cận thông tin đã được áp dụng để quảng bá các điểm đến tại khu vực.
Song song với việc ứng dụng công nghệ, các sản phẩm du lịch đặc trưng của từng địa phương đã được cải tiến và quảng bá mạnh mẽ đến du khách trong và ngoài nước. Chẳng hạn, chương trình khảo sát (famtrip) với sự tham gia của 50 doanh nghiệp lữ hành nhằm khám phá và xây dựng tour du lịch mới đã góp phần nâng cao tính hấp dẫn của các điểm đến tại Đồng bằng sông Cửu Long.
Với khẩu hiệu “Sống động Phương Nam,” Thành phố Hồ Chí Minh cùng 13 tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long đã tích cực triển khai các chiến dịch truyền thông. Từ website, mạng xã hội đến các sự kiện du lịch, thông tin về vùng được truyền tải một cách rộng rãi. Báo chí, truyền hình đã tích cực phát các phóng sự chuyên đề giúp du khách hiểu rõ hơn về giá trị văn hóa và thiên nhiên độc đáo của Đồng bằng sông Cửu Long.
Một trong những điểm nhấn là chương trình bình chọn “Nâng tầm điểm đến - Kết nối hành trình” với 126 điểm đến tiêu biểu tham gia. Chương trình không chỉ khuyến khích sự đổi mới trong cách quản lý điểm đến mà còn thúc đẩy sự kết nối giữa doanh nghiệp lữ hành và các điểm đến để kéo dài thời gian lưu trú của du khách, qua đó tăng doanh thu du lịch.
Phát triển du lịch bền vững không thể thiếu yếu tố con người, do đó, theo ông Quách Ngọc Tuấn, Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức các khóa đào tạo chuyên sâu với chủ đề “Truyền thông điểm đến, sản phẩm du lịch” cho 200 cán bộ quản lý và nhân viên du lịch từ các địa phương Đồng bằng sông Cửu Long. Các khóa học không chỉ nâng cao kỹ năng chuyên môn mà còn tạo cơ hội để các tỉnh, thành học hỏi lẫn nhau trong việc xây dựng và triển khai sản phẩm du lịch mới.
Ngoài ra, cộng đồng doanh nghiệp du lịch tại Thành phố Hồ Chí Minh đã góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa đặc trưng của Đồng bằng sông Cửu Long thông qua các dự án hỗ trợ xây dựng chợ nổi Tân Phong (Tiền Giang). Điều này không chỉ bảo tồn nét đẹp truyền thống mà còn biến chợ nổi thành điểm đến hấp dẫn trong hành trình khám phá miền Tây sông nước.
Đặc biệt trong khuôn khổ Hội chợ Du lịch Quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh, ngành Du lịch Thành phố hỗ trợ các tỉnh, thành đón các đoàn quốc tế (Buyer) là đại diện các doanh nghiệp lữ hành quốc tế đến khảo sát (famtrip) sản phẩm, dịch vụ du lịch tại các tỉnh, thành để xây dựng các sản phẩm du lịch cho các thị trường khách quốc tế trọng điểm,…
Thành phố Hồ Chí Minh với lợi thế về nguồn nhân lực du lịch với các chuyên gia có kinh nghiệm trong lĩnh vực du lịch đã thường xuyên góp ý về công tác xây dựng phát triển sản phẩm du lịch, tư vấn lễ hội, sự kiện, hướng dẫn phát triển các mô hình du lịch phù hợp tại các tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long.