Thành phố Hồ Chí Minh rà soát, giải quyết tình trạng tồn đọng rác thải sinh hoạt

Thành phố Hồ Chí Minh đã rà soát, ghi nhận và xử lý 770 điểm tồn đọng rác thải, gây ô nhiễm môi trường, trong đó đã chuyển hóa 508 điểm thành khu sinh hoạt cộng đồng: công viên, vườn hoa, sân chơi.

Ảnh minh họa. (Ảnh: Hoàng Hiếu/TTXVN)

Ảnh minh họa. (Ảnh: Hoàng Hiếu/TTXVN)

Năm 2024, Thành phố Hồ Chí Minh đã tập trung rà soát, giải quyết các điểm ô nhiễm do tồn đọng rác thải trên đường phố, kênh rạch và nơi công cộng, qua đó giúp giảm số lượng các điểm ô nhiễm nhưng vẫn chưa thể khắc phục hoàn toàn khi liên tục phát sinh nhiều điểm ô nhiễm mới hoặc tái phát sinh.

Thời gian tới, các ngành chức năng tiếp tục vệ sinh, giải tỏa, nhằm xóa các điểm ô nhiễm, tồn đọng rác. Tuy nhiên việc này cần sự vào cuộc tích cực của người dân.

Cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc

Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh cho biết thời gian qua, để giải quyết tình trạng tồn đọng, phát sinh chất thải gây mất vệ sinh môi trường, mỹ quan đô thị tại một số nơi, địa điểm, cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc.

Ủy ban Nhân dân các quận, huyện và thành phố Thủ Đức đã chủ động, nâng cao hiệu quả quản lý chất thải rắn theo phân cấp của Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh trong Quyết định số 60/2023/QĐ-UBND, gắn với triển khai có hiệu quả “Cuộc vận động người dân Thành phố Hồ Chí Minh không xả rác ra đường và kênh rạch, vì thành phố sạch, xanh và thân thiện môi trường” theo Chỉ thị số 19-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy Thành phố; đạt được nhiều kết quả tích cực.

Từ năm 2019 đến nay, các địa phương và ngành Môi trường Thành phố đã tiếp nhận và giải quyết 41.208/41.

208 ý kiến phản ánh người dân liên quan đến các điểm “đen” về rác thải cùng các vấn đề trong lĩnh vực môi trường và trật tự đô thị nói chung; xử phạt vi phạm hành chính 17.737 trường hợp với số tiền hơn 30,478 tỷ đồng.

Thành phố đã rà soát, ghi nhận và xử lý 770 điểm tồn đọng rác thải, gây ô nhiễm môi trường, trong đó đã chuyển hóa 508 điểm thành khu sinh hoạt cộng đồng: công viên, vườn hoa, sân chơi thể thao

Ủy ban Nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cùng các tổ chức chính trị-xã hội cấp quận, huyện và thành phố Thủ Đức đã phối hợp tổ chức tổng vệ sinh làm sạch các tuyến đường, chung cư, khu dân cư, giải tỏa khu vực ô nhiễm tồn đọng rác thải.

Nhiều địa phương như Quận 1, Quận 3 cũng đã thực hiện cải tạo mảng tường cũ, xây dựng mảng xanh và kết hợp tuyên truyền, nhắc nhở người dân nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường sống, không xả rác, vứt rác, đổ nước thải ra lòng đường, hè phố; vận động người dân bỏ rác đúng giờ và đúng nơi quy định.

Ngoài ra, các địa phương cũng tăng cường kiểm tra, xử lý việc thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường tại công trình xây dựng, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, y tế.

Đồng thời kêu gọi người dân khi phát hiện hành vi gây ô nhiễm môi trường, vứt rác không đúng nơi quy định thì thực hiện tố giác thông qua hình ảnh, video chứng minh để cơ quan chức năng xử lý theo quy định.

Bên cạnh đó, Thành phố tăng cường ứng công nghệ để quản lý rác thải, giảm tình trạng rác không được xử lý đúng cách gây ô nhiễm môi trường. Nổi bật là giải pháp phần mềm quản lý AI về công tác phân loại, thu gom rác mang tên Grac do Công ty Cổ phần Công nghệ Grac phát triển.

Giải pháp này đang được 200 Ủy ban Nhân dân các phường, xã tại thành phố Thủ Đức cùng các quận 3, Gò Vấp, Bình Thạnh, Phú Nhuận áp dụng với hơn 1 triệu chủ nguồn thải và hộ gia đình.

Công nghệ này được thiết kế riêng cho chính quyền địa phương, giúp chủ động quản lý thông tin về chủ nguồn thải (các hộ gia đình), khối lượng thải, thời gian thu gom chất thải theo hướng 100% “số hóa” thay vì phải dựa vào sổ sách, giấy tờ, tránh trường hợp bị mất dữ liệu và không có khả năng khôi phục.

Công ty Grac cũng thiết kế ứng dụng di động cho phép người dùng đặt lịch thu gom các loại rác cồng kềnh hay gửi khiếu nại về tiền rác, thời gian thu gom, thậm chí báo cáo việc đổ trộm rác trong khu vực sinh sống.

Việc mở rộng kết nối vẫn đang được Công ty Grac tiếp tục cùng sự phối hợp của các địa phương, với kỳ vọng trong tương lai gần sẽ hoàn thiện số hóa dữ liệu giúp hình thành mạng lưới kết nối giữa hộ dân, đơn vị thu gom và chính quyền, mở rộng phạm vi ứng dụng trên toàn Thành phố.

Phụ thuộc nhiều vào ý thức, sự tự giác của người dân

Theo thống kê của Ban Quản lý các Khu liên hợp xử lý chất thải Thành phố Hồ Chí Minh (đơn vị giám sát của Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố), tính đến tháng 11/2024, Thành phố ghi nhận còn 71 điểm ô nhiễm, tồn đọng rác thải ở thành phố Thủ Đức và các quận, huyện (trong đó có 67 điểm đã được dọn dẹp vệ sinh nhưng tái phát sinh rác thải, 3 điểm mới phát sinh và 1 điểm chưa dọn dẹp vệ sinh), giảm 84 điểm so với thống kê hồi tháng 5/2024 và giảm 250 điểm so với thống kê vào cuối năm 2023.

 Xử lý rác thải. (Ảnh: Thanh Tân/TTXVN)

Xử lý rác thải. (Ảnh: Thanh Tân/TTXVN)

Đây là số liệu tích cực, thể hiện tính hiệu quả trong công tác giữ gìn vệ sinh môi trường và xóa bỏ các điểm ô nhiễm, bãi rác tự phát của chính quyền Thành phố.

Tuy nhiên, việc vẫn còn tồn tại hàng chục điểm ô nhiễm, đa số trong số đó là tái phát sinh sau khi đã được dọn dẹp cho thấy muốn giải quyết dứt điểm tồn đọng rác trên đường phố còn phải phụ thuộc vào ý thức của người dân.

Ông Nguyễn Trọng Minh, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Công nghệ Grac cho biết, tình trạng phát sinh các bãi rác tự phát, những bãi rác tự phát xuất hiện mọi nơi như ven kênh rạch, vỉa hè, đất trống dự án hay thậm chí tại trạm xe buýt xuất phát từ chính thói quen xả rác bừa bãi và đổ rác trộm của người dân, thói quen này đang dần trở thành một “thói khó bỏ.”

Phần lớn mọi người chỉ tập trung giữ vệ sinh tại nơi ở của mình mà quên đi trách nhiệm ở nơi công cộng. Đi dọc bất cứ một tuyến đường nào cũng sẽ thấy rác nằm trên lề hoặc lòng đường mặc dù xung quanh có đặt thùng rác công cộng. Thậm chí, một số hộ dân còn chở rác sinh hoạt từ nhà ra chỗ xa để đổ trộm.

Tình trạng này diễn ra khá nhiều nhưng trường hợp chính quyền địa phương phát hiện và phạt chưa cao.

Ông Võ Văn Phúc, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, theo Điều 25 Nghị định 45/2022/NĐ-CP quy định đối với hành vi vứt bỏ rác thải, đổ nước thải không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng sẽ bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng.

Mức phạt này là đủ sức răn đe thế nhưng việc thực thi pháp luật của một bộ phận người thi hành công vụ còn chưa quyết liệt, dẫn đến tình trạng “nhờn luật”, gây ra thói quen xả rác bừa bãi hiện nay.

Để giải quyết triệt để “vấn nạn” này, mỗi người dân cần tự giác nâng cao ý thức, không xả rác bừa bãi, phân loại rác tại nguồn, còn chính quyền địa phương cần tăng cường quản lý, giám sát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Nhằm khắc phục những điểm còn tồn tại, hạn chế trong giải quyết tồn đọng rác sinh hoạt, thời gian tới, Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh sẽ thường xuyên chỉ đạo Ban Quản lý các Khu liên hợp xử lý chất thải bám sát địa bàn, tăng cường giám sát chất lượng vệ sinh để kịp thời ghi nhận các vị trí, khu vực tồn đọng rác thải, tình trạng không đảm bảo chất lượng vệ sinh môi trường, mỹ quan đô thị.

Đồng thời thông báo đến Ủy ban Nhân dân thành phố Thủ Đức và các quận, huyện để kịp thời xử lý; duy trì chất lượng vệ sinh tại khu vực đã cải tạo, không để phát sinh điểm ô nhiễm mới; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong quản lý rác sinh hoạt.

Thành phố tiếp tục tăng cường công tác đối thoại, tiếp nhận phản biện xã hội để nâng cao hiệu quả tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng; từng bước xây dựng, hình thành ý thức tự giác, thói quen giữ vệ sinh nơi công cộng của người dân Thành phố.

Khuyến khích giảm sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi nilon khó phân hủy; ưu tiên sử dụng các vật liệu, sản phẩm tái chế, thân thiện môi trường; sử dụng bao bì, túi đựng nhiều lần khi mua sắm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/thanh-pho-ho-chi-minh-ra-soat-giai-quyet-tinh-trang-ton-dong-rac-thai-sinh-hoat-post1003256.vnp
Zalo