Thành phố Hồ Chí Minh họp mặt thân mật Nhà giáo đi B, Nhà giáo nội đô
Ngày 11/11, nhân kỷ niệm 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp Hội cựu Giáo chức Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức buổi họp mặt Nhà giáo đi B, Nhà giáo nội đô năm 2024.
Phát biểu tại buổi họp mặt, đồng chí Nguyễn Hồ Hải, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh bày tỏ vinh dự và xúc động lần đầu tiên được dự buổi họp mặt các Nhà giáo đi B và Nhà giáo nội đô đang sinh sống tại Thành phố Hồ Chí Minh. Đồng thời bày tỏ sự kính trọng và lòng tri ân sâu sắc đối với quý thầy cô, những người đã sống một thời hoa lửa, hiến dâng tuổi thanh xuân tươi đẹp cho sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, thống nhất đất nước và cống hiến cuộc đời cho sự nghiệp trồng người cao quý.
Trong giai đoạn từ năm 1961 đến năm 1973, đã có 10 chuyến đi B với hơn 2.700 thầy cô giáo rời bục giảng các trường phổ thông và đại học ở Hà Nội và các tỉnh, thành phố miền bắc vượt Trường Sơn vào miền nam, được phân công về các chiến trường trọng yếu, từ miền Trung-Tây Nguyên đến Đông-Tây Nam Bộ và đã trở thành những “nhà giáo cầm súng”.
Đồng chí Nguyễn Hồ Hải nhấn mạnh, các thầy cô, nhiều người còn rất trẻ, vừa dạy học và tham gia gây dựng nền giáo dục giải phóng trong các chiến khu, vùng căn cứ, vừa tăng gia sản xuất và trực tiếp cầm súng chiến đấu, chống càn.
“Nhiều người đã anh dũng hy sinh hoặc để lại một phần thân thể trên chiến trường miền nam, thậm chí có thầy cô đã ngã xuống ngay trước thời khắc ngày 30/4/1975 lịch sử”, đồng chí Nguyễn Hồ Hải xúc động cho biết.
Cũng theo Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, còn “Nhà giáo nội đô” không phải là người cầm súng chiến đấu mà là những thầy giáo, cô giáo hoạt động âm thầm trong các đô thị miền nam, một lực lượng đã góp phần rất quan trọng vào việc truyền bá tư tưởng cách mạng, khích lệ lòng yêu nước và đấu tranh bảo vệ văn hóa dân tộc ngay giữa lòng địch.
Những bài giảng của các Nhà giáo nội đô đã khơi dậy lòng yêu nước, niềm tự hào về lịch sử và truyền thống dân tộc. Phần lớn phong trào đấu tranh của nhân dân, học sinh, sinh viên Sài Gòn-Chợ Lớn-Gia Định đều có sự tham gia tích cực của các Nhà giáo nội đô.
Nhiều người bị địch phát hiện, khủng bố gắt gao buộc phải thay tên đổi họ, sống dưới nhiều vỏ bọc khác nhau để kiên trì bám trụ hoạt động và tiếp tục giảng dạy. Nhiều người bị địch bắt, bị tù đày nhưng vẫn giữ vững khí tiết của người trí thức cách mạng, không hề nao núng.
Sau khi chiến tranh kết thúc, các thầy cô trở về cuộc sống đời thường tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp giáo dục, không ngừng truyền đạt tri thức và kinh nghiệm quý báu cho thế hệ trẻ.
Nhiều thầy cô đã trở thành cán bộ lãnh đạo của hệ thống chính trị hoặc tiếp tục hoạt động trong ngành giáo dục và đào tạo, đóng góp tích cực vào sự phát triển của Thành phố Hồ Chí Minh.
Theo lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh, thời gian qua, lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh luôn quan tâm, dành sự ưu tiên hàng đầu cho giáo dục.
Thành phố Hồ Chí Minh không chỉ đưa ra nhiều quyết sách phát triển giáo dục, tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh nghiên cứu và học tập mà còn có sự chăm lo về mọi mặt cho đội ngũ ngành giáo dục, từ bồi dưỡng chuyên môn đến đời sống xã hội, tinh thần.