Thành phố Hồ Chí Minh đặt tên các tuyến Quốc lộ mang tên các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước

Sáng 19/1, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Lễ công bố Nghị quyết về việc đặt tên đường đối với Quốc lộ 1, Quốc lộ 1K, Quốc lộ 22, Quốc lộ 50.

Lãnh đạo Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh công bố Nghị quyết về việc đặt tên đường đối với Quốc lộ 1, Quốc lộ 1K, Quốc lộ 22, Quốc lộ 50. (Ảnh: QUÝ HIỀN)

Lãnh đạo Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh công bố Nghị quyết về việc đặt tên đường đối với Quốc lộ 1, Quốc lộ 1K, Quốc lộ 22, Quốc lộ 50. (Ảnh: QUÝ HIỀN)

Lễ công bố đặt tên đường nhân dịp Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố thi đua lập thành tích chào mừng Kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930-3/2/2025).

Đồng thời, đẩy mạnh triển khai thực hiện các chương trình, công trình, dự án tiêu biểu chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025), góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu đã đề ra tại Đại hội đại biểu Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ XI nhiệm kỳ 2020-2025.

Nghi thức công bố tên đường Đỗ Mười.

Nghi thức công bố tên đường Đỗ Mười.

Theo đó đặt tên các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các đồng chí chỉ huy chiến dịch Hồ Chí Minh cho các tuyến quốc lộ trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh như sau: Đối với Quốc lộ 1, đặt tên Đỗ Mười từ nút giao thông Thủ Đức (ngã ba trạm 2 cũ) đến nút giao thông An Sương.

Đặt tên Lê Đức Anh từ nút giao thông An Sương đến vòng xoay An Lạc. Đặt tên Lê Khả Phiêu đoạn từ vòng xoay An Lạc đến ranh tỉnh Long An.

Nghị thức công bố đặt tên các tuyến đướng trên Quốc lộ 1. (Ảnh: QUÝ HIỀN)

Nghị thức công bố đặt tên các tuyến đướng trên Quốc lộ 1. (Ảnh: QUÝ HIỀN)

Đối với Quốc lộ 22, đặt tên Lê Quang Đạo từ Quốc lộ 1 đến cầu An Hạ, đặt tên Phan Văn Khải cho từ cầu An Hạ đến ranh tỉnh Tây Ninh.

Đặt tên Văn Tiến Dũng cho Quốc lộ 50 từ đường Nguyễn Văn Linh đến ranh tỉnh Long An.

Đặt Hoàng Cầm cho Quốc lộ 1K từ Quốc lộ 1 đến ranh tỉnh Bình Dương.

Theo Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, Quốc lộ là những con đường trọng yếu trong hệ thống giao thông quốc gia, gồm những tuyến đường huyết mạch giữ vị trí đầu mối chiến lược đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của cả vùng và khu vực trọng điểm của đất nước.

Quốc lộ ở Thành phố Hồ Chí Minh còn là những tuyến đường lớn nhất, được hình thành và phát triển mở rộng qua quá trình phát triển cơ sở hạ tầng đô thị Sài Gòn-Gia Định nhiều thế kỷ nay, đặc biệt là thời kỳ từ khi công cuộc đối mới đến nay.

Bà Trần Thị Diệu Thúy, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh: Trong những năm 90 của thế kỷ XX và những năm đầu của thế kỷ XXI, đất nước đạt được nhiều thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, tạo tiền đề quan trọng cho sự phát triển của đất nước nói chung và của Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng.

Những thành tựu này gắn với dấu ấn của Tổng Bí thư Đỗ Mười, Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, Chủ tịch nước Lê Đức Anh, Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải, Chủ tịch Quốc hội Lê Quang Đạo,…

Nghị thức công bố đặt tên đường trên Quốc lộ 22 và Quốc lộ 50.

Nghị thức công bố đặt tên đường trên Quốc lộ 22 và Quốc lộ 50.

Với những giá trị lịch sử, kinh tế-xã hội như vậy, tại kỳ họp lần thứ 20 của Hội đồng nhân dân Thành phố Khóa X, các đại biểu đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về đặt tên đường, công trình công cộng và điều chỉnh lý trình trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.

“Việc đặt tên các Đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các đồng chí chỉ huy chiến dịch Hồ Chí Minh trên các tuyến Quốc lộ nhằm tôn vinh những công lao, đóng góp to lớn của các đồng chí cho đất nước, góp phần giáo dục truyền thống lịch sử-văn hóa dân tộc, nâng cao tình yêu quê hương, đất nước, lòng tự hào dân tộc của nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh”, bà Thúy nói.

Quốc lộ 1 đoạn đi qua quận 12. (Ảnh: QUÝ HIỀN)

Quốc lộ 1 đoạn đi qua quận 12. (Ảnh: QUÝ HIỀN)

Bên cạnh việc phục vụ cho công tác quản lý đô thị, còn tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong việc nhận diện, tìm kiếm tên đường và địa chỉ.

Đồng thời, việc đặt tên các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các đồng chí chỉ huy chiến dịch Hồ Chí Minh trong dịp này là hoạt động hướng đến chào mừng kỷ niệm các ngày lễ lớn và sự kiện lịch sử quan trọng năm 2025 của đất nước và thành phố.

Ông Đỗ Mười (1917-2018): Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam từ 6/1991 đến 12/1997. Tổng Bí thư Đỗ Mười (tên khai sinh là Nguyễn Duy Cống), sinh năm 1917 tại Hà Nội, mất năm 2018.

Ông Lê Đức Anh (1920-2019): Đại tướng, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam từ năm 1992 đến năm 1999. Chủ tịch nước Lê Đức Anh (bí danh Nguyễn Phú Hòa; Sáu Nam), sinh năm 1920 tại Thừa Thiên Huế, mất năm 2019.

Ông Lê Khả Phiêu (1931-2020): Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam từ 1997 đến 2001. Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu sinh 1931 tại Thanh Hóa, mất năm 2020.

Ông Hoàng Cầm (1920-2013): Thượng tướng, Tư lệnh Quân đoàn 4 từ 1975 đến 1977. Thượng tướng Hoàng Cầm (còn tên gọi khác là Đỗ Văn Cầm) sinh năm 1920 tại Hà Nội, mất năm 2013.

Ông Lê Quang Đạo (1921-1999): Trung tướng, Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam từ 1987 đến 1994. Trung tướng Lê Quang Đạo (có tên gọi khác là Nguyễn Đức Nguyện), sinh năm 1921 tại Bắc Ninh, mất năm 1999.

Ông Phan Văn Khải (1933-2018): Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam từ 1997 đến 2006. Thủ tướng Phan Văn Khải sinh năm 1933 tại Củ Chi, Thành phố Hồ Chí Minh, mất năm 2018.

Ông Văn Tiến Dũng (1917-2002): Đại tướng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng 1980-1986; tư lệnh chiến dịch Hồ Chí Minh. Đại tướng Văn Tiến Dũng (bí danh Lê Hoài) sinh năm 1917 tại Hà Nội, mất năm 2002.

QUÝ HIỀN

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/thanh-pho-ho-chi-minh-dat-ten-cac-tuyen-quoc-lo-mang-ten-cac-dong-chi-lanh-dao-dang-nha-nuoc-post856763.html
Zalo