Thành phố Hồ Chí Minh: Bốn năm có hơn 600 giáo viên nghỉ việc

UBND thành phố Hồ Chí Minh vừa gửi văn bản trình HĐND thành phố đề nghị xây dựng Nghị quyết về chính sách đối với viên chức là giáo viên cấp tiểu học các môn học ngoại ngữ, tin học, giáo dục thể chất, âm nhạc, mỹ thuật.

Một tiết học môn mỹ thuật. Ảnh: Thành Nhân

Một tiết học môn mỹ thuật. Ảnh: Thành Nhân

Theo UBND thành phố, qua rà soát tình hình thực tế trong các năm học từ 2018-2029 đến 2023-2024, giáo viên tiểu học công lập dạy các môn học nêu trên còn thiếu rất nhiều so với nhu cầu. Trong khi đó, hằng năm không tuyển dụng được giáo viên, do giáo viên dạy các môn này có thu nhập không cao nên không có người dự tuyển. Bên cạnh đó lại xuất hiện tình trạng giáo viên các môn học này nghỉ, bỏ việc.

Cụ thể, từ năm học 2020-2021 đến năm học 2023-2024, đã có 614 giáo viên các môn này nghỉ, bỏ việc. Trong đó, 2 bộ môn tin học và ngoại ngữ có số lượng giáo viên nghỉ việc cao nhất, lần lượt là 251 giáo viên và 70 giáo viên.

Theo Sở GD-ĐT thành phố, nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên là do áp lực công việc; chế độ chính sách chưa đáp ứng yêu cầu cuộc sống.

Vì áp lực, hàng trăm giáo viên các môn ngoại ngữ, tin học, giáo dục thể chất, âm nhạc, mỹ thuật nghỉ việc. Ảnh: Xuân Toàn

Vì áp lực, hàng trăm giáo viên các môn ngoại ngữ, tin học, giáo dục thể chất, âm nhạc, mỹ thuật nghỉ việc. Ảnh: Xuân Toàn

Trên thực tế, các giáo viên không chỉ dạy 23 tiết/tuần mà còn phải dạy tăng giờ do trường không có đủ giáo viên bộ môn chuyên trách. Các giáo viên khi phải dạy vượt quá số tiết nghĩa vụ thì có thể được hưởng phụ trội. Tuy nhiên, theo Điểm c Điều 107 Bộ luật Lao động quy định về làm thêm giờ: “Bảo đảm số giờ làm thêm của người lao động không quá 200 giờ trong 1 năm, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này”, dẫn đến việc giáo viên khi dạy buổi thứ hai hoặc được giao số tiết dạy vượt số tiết nghĩa vụ cũng chỉ được hưởng tối đa 200 tiết phụ trội/năm, không tương xứng với số tiết họ đã thực hiện trong một năm học.

Trong khi đó, với một trường tiểu học có 30 lớp với 1 giáo viên dạy âm nhạc hoặc mỹ thuật, thì số tiết giáo viên dạy gồm: Số tiết theo nghĩa vụ là 23 tiết/tuần (tương ứng 23 lớp); số tiết phụ trội là 7 tiết/tuần (tương ứng với 7 lớp còn lại) và số tiết phụ trội phải thực hiện trong một năm học 35 tuần: 245 tiết/giáo viên (vượt quá 45 tiết so với mức 200 tiết được hưởng phụ trội mà không phải báo cáo xin phép).

Trong trường hợp trường chỉ có 1 giáo viên dạy âm nhạc, 1 giáo viên dạy mỹ thuật, 1 giáo viên dạy giáo dục thể chất, 1 giáo viên dạy tin học thì với mỗi môn như vậy đều có số tiết dạy trong năm học vượt quá 200 tiết như trên.

Tương tự, đối với môn ngoại ngữ, số tiết dạy trong một năm học là (chỉ tính số liệu lớp học theo quy định trường chuẩn quốc gia về sĩ số là 35 học sinh/lớp và số lớp là 30 lớp/trường): Lớp 3 có 4 tiết/tuần x 6 lớp = 24 tiết; lớp 4 là 4 tiết/tuần x 6 lớp = 24 tiết; lớp 5 là 4 tiết/tuần x 6 lớp = 24 tiết. Tổng cộng một tuần cần có lượng giáo viên đủ để phân bố thực dạy 72 tiết.

Từ các phân tích trên, UBND thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, việc đề xuất chính sách thu hút đối với viên chức là giáo viên cấp tiểu học dạy các môn học nêu trên tại thành phố Hồ Chí Minh là hoàn toàn cần thiết.

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/thanh-pho-ho-chi-minh-bon-nam-co-hon-600-giao-vien-nghi-viec-667837.html
Zalo