Hậu thi cử: Học sinh rối loạn tâm thần do cha mẹ đặt kỳ vọng quá lớn

Không ít những trường hợp học sinh muốn tìm đến cái chết để giải thoát, khi kết quả làm bài thi không tốt.

Hãy luôn đồng hành cùng các con

Tin từ Công an Hà Nội, khoảng 10h15 ngày 2/7, sau khi nhận được tin có người nhảy cầu Long Biên, Đội Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy, cứu hộ cứu nạn trên sông đã ngay lập tức nhanh chóng đến hiện trường.

Khi đó, học sinh này đã nhảy xuống và đang chấp chới trôi trên dòng nước, đoạn gần cầu Vĩnh Tuy với biểu hiện đuối sức. Lực lượng cứu hộ đã dùng ca nô kịp thời tới giải cứu học sinh này. Sau khi cứu được nạn nhân lên bờ, các cán bộ chiến sĩ đã đưa học sinh đến cấp cứu tại bệnh viện, kịp thời cứu sống cháu bé.

Được biết học sinh này sinh năm 2009, trú ở Đội Cấn, Ba Đình, vừa trải qua kỳ thi vào lớp 10 THPT năm học 2023-2024. Nhiều người cho rằng, do áp lực thi cử đè nặng đã dẫn đến hành động của em học sinh nêu trên.

Học sinh rối loạn tâm thần sau thi cử là do cha mẹ đặt kỳ vọng quá lớn? (Ảnh minh họa).

Học sinh rối loạn tâm thần sau thi cử là do cha mẹ đặt kỳ vọng quá lớn? (Ảnh minh họa).

Th.BS Nguyễn Viết Chung, Trưởng khoa Sức khỏe tâm thần (BV E) cũng cho biết, khoa Sức khỏe tâm thần của bệnh viện mới đây đã tiếp nhận trường hợp nam sinh thi vào lớp 10 không dám về nhà sau khi nhận điểm số không như kỳ vọng. Thậm chí nam sinh còn nghĩ quẩn dùng dao cắt vào tay, cổ để tự sát.

Rất may, nam sinh được mọi người phát hiện, đưa vào bệnh viện cấp cứu, sau đó được điều trị rối loạn cảm xúc tại khoa.

Trường hợp khác là một nam sinh lớp 12 đã rất buồn sau khi thi tốt nghiệp THPT do làm bài không tốt. Nam sinh này đã mua sẵn thuốc, sử dụng để tự sát sau khi có kết quả. Rất may đã được gia đình phát hiện sớm và đưa đi khám. Sau khi được điều trị, tinh thần nam sinh đã ổn định trở lại.

Học sinh rối loạn tâm thần sau thi cử là do cha mẹ đặt kỳ vọng quá lớn, chưa đủ sự quan tâm đến con?

Theo PGS.TS Trần Thành Nam, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục - Đại học Quốc gia Hà Nội), qua quá trình can thiệp tâm lý nhiều năm qua cho thấy, sau mùa thi, tỉ lệ nhập viện chăm sóc sức khỏe tâm thần và lo âu trầm cảm, ý nghĩ tự sát của các em học sinh cũng tăng.

Nguyên nhân có thể cha mẹ đã đặt kỳ vọng lớn lên con. Khi các con nhận được kết quả không tốt, cha mẹ hay người thân đã có thái độ hoặc lời nói vô tình tạo thêm những áp lực vô hình cho con em mình.

Hay cũng có thể con đã có những dấu hiệu, những hành vi thể hiện suy nghĩ tiêu cực nhưng cha mẹ không đủ nhạy cảm để nhận ra trong thời gian này. Điều đó khiến những đứa trẻ cảm thấy dường như mình đã ở bước đường cùng. Lúc này các em có hành vi thu mình, không chia sẻ với ai sau thất bại. Các em sẽ chìm ngập trong những suy nghĩ tiêu cực và hoảng sợ.

Có trường hợp học sinh đã tìm đến cái chết vì áp lực thi cử. (Ảnh minh họa).

Có trường hợp học sinh đã tìm đến cái chết vì áp lực thi cử. (Ảnh minh họa).

"Chẳng hạn các em hình dung ra hình ảnh những người khác sẽ cười nhạo…, bản thân mình chính là tội nhân. Những bạn khác cùng lớp có lực học yếu hơn vẫn có thể đến những ngôi trường mới chỉ có mình ở lại… Các em hoàn toàn không nhận ra rằng những cảm xúc, suy nghĩ này sẽ sớm qua đi nếu tiếp tục ra ngoài và chia sẻ", ...", PGS.TS Trần Thành Nam nói.

PGS.TS Trần Thành Nam cũng cho rằng, việc không có người đồng hành, giúp đỡ vượt qua khiến các em bị "mắc kẹt" trong những cảm xúc tiêu cực. Khi cảm thấy mình vô giá trị thì sẽ tìm cách kết thúc nó, coi thất bại là dấu chấm hết của cuộc đời.

"Với những em có dấu hiệu thu mình và suy nghĩ tự tử, điều cha mẹ nên làm là hãy ở bên, động viên con thay đổi cách nhìn nhận về thất bại như cơ hội học hỏi. Đừng bao giờ làm con bẽ mặt hoặc xấu hổ vì nó. Hãy vẽ ra một tương lai tươi sáng cho con và nhắc nhở rằng điều kiện tiên quyết cho một tương lai tươi sáng là con cần phải sống", PGS Trần Thành Nam nói.

Phó hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục cũng hướng dẫn, bố mẹ nên tìm cho con những tấm gương người nổi tiếng thế giới nhưng lịch sử học hành cũng không được ghi nhận như Edison hoặc cả Einstein. Cùng với đó, cha mẹ cũng cần loại bỏ những loại vật dụng có thể gây hại đến cơ thể ở trong phòng hay không gian sống của con. Nếu con có dấu hiệu trầm cảm về tâm lý, cần can thiệp sớm trước khi quá muộn.

Cũng nói về vấn đề này, TS Vũ Thu Hương, nguyên giảng viên khoa Giáo dục tiểu học, Đại học Sư phạm Hà Nội cho rằng, thành công theo lối thông thường chưa chắc đã giá trị bằng 1 sự thất bại.

Nếu con không thành công trong kì thi này, giá trị con có được hơn bạn bè chính là một bài học lớn về tất cả: sự chuẩn bị chưa chắc chắn, thói ẩu đoảng, tính tự cao tự đại, sự chủ quan,... hoặc đơn giản chỉ là lười. Cái giá phải trả khiến các con "mở mắt" to hơn là lời trách mắng của cha mẹ.

"Dù thế nào thì chắc chắn con vẫn sẽ có ngôi trường cấp 3 của mình. Có cánh cửa mở ra cho riêng con, nhưng sự từ chối của 1 cánh cửa đã khiến con hiểu nhiều hơn, thấm nhiều hơn.

Thất bại không xấu. Đặc biệt sự thất bại của những học trò còn đang dò dẫm tìm lối đi cho tương lai. Chính vì vậy, cách các em nhìn nhận sự thất bại như thế nào, học được từ nó những gì để có thể tránh được những thất bại trong tương lai mới là quan trọng... Thành công được là điều rất tốt, nhưng thất bại cũng không phải quá tệ", TS Vũ Thu Hương nhắn nhủ.

Quỳnh Mai

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/hau-thi-cu-hoc-sinh-roi-loan-tam-than-vi-sao-169240706103509145.htm
Zalo