Thành phố của những con dốc

'Thành phố nào vừa đi đã mỏi/ Đường quanh co quyện gốc thông già...'. Nhạc sĩ Lam Phương thật có lý và cũng thật tinh tế, nghe bài hát 'Thành phố buồn' của ông thì ngay đến những người thờ ơ nhất cũng biết ông viết về thành phố nào. Cả bài hát không hề có một từ hay một câu nhắc đến địa danh nhưng người nghe vẫn biết rằng đó là Đà Lạt.

Dốc làng hoa Hà Đông.

Dốc làng hoa Hà Đông.

Cung đường đặc trưng

Tôi đến Đà Lạt lần này là lần thứ hai. Nếu như lần đến trước cách đây 18 năm chỉ là chuyện thoáng qua, vì chúng tôi chỉ có được một ngày một đêm, nên cảm nhận về Đà Lạt còn khá mơ màng, thì lần đến này chúng tôi có hẳn 10 ngày trọn vẹn.

Trong câu chuyện chào đón chúng tôi, ông Võ Bình - Giám đốc Nhà sáng tác Đà Lạt đã giới thiệu khái quát về nơi mà chúng tôi có những dự định tìm hiểu để sáng tác: “Có thể nói Đà Lạt là một thành phố di sản bởi những kiến trúc giá trị. Thành phố được ví như một bảo tàng kiến trúc châu Âu thế kỷ 20”.

Năm 1893, sau khi được bác sĩ Alexandre Yersin thám hiểm ra, rồi từ một vùng đất chỉ có người bản địa sống thưa thớt trong những cánh rừng nguyên thủy, người Pháp đã tiến hành quy hoạch và xây dựng lên một thành phố xinh đẹp với những biệt thự, công sở, khách sạn và trường học, một trung tâm du lịch và giáo dục của Đông Dương khi đó.

Ông Võ Bình cho biết: “Trải qua những khoảng thời gian thăng trầm của hai cuộc chiến tranh cùng giai đoạn khó khăn những thập niên 1970 - 1980, Đà Lạt ngày nay là một thành phố khá đông dân, là đô thị loại I trực thuộc tỉnh, giữ vai trò trung tâm chính trị, kinh tế và văn hóa quan trọng của tỉnh Lâm Đồng”.

Ngày đầu tiên tới thành phố Đà Lạt, nghĩa là sau phần giới thiệu khái quát của ông Võ Bình, chúng tôi quyết định phải làm một vòng dạo xuống phố, cũng là một cách để cảm nhận. Từ ý thức đó chúng tôi rời Nhà sáng tác Đà Lạt để dạo phố phường. Ngay từ khi bước chân rời Nhà sáng tác chúng tôi đã phải đi xuống dốc. Con đường dốc phố đã đưa chúng tôi tới hồ Xuân Hương, nơi đây cùng với Quảng trường Đà Lạt được xác định là trung tâm thành phố.

Dốc phố Đà Lạt.

Dốc phố Đà Lạt.

Đứng bên hồ Xuân Hương và ngước mắt nhìn ra bốn xung quanh, chúng tôi thấy những ngôi nhà ẩn hiện giữa rừng thông, thấy những ngả đường dốc lên dốc xuống. Ông Võ Bình đã nói: “Đến Đà Lạt thú nhất là dạo bộ ngắm thành phố”.

Tôi hỏi lại thì được ông Bình cho biết thêm: “Bởi Đà Lạt có đường phố quanh co và dốc nên dạo bộ mới thấy hết được cái tình của người nơi đây”. Một câu giới thiệu chẳng có gì hay hơn. Ngoại trừ đường quanh hồ Xuân Hương là còn bằng phẳng ra thì dường như mọi ngả đường của Đà Lạt là những cung đường uốn lượn quanh những đồi thông và đều là những con đường dốc lên dốc xuống.

Hôm đó, mới chỉ đi bộ được 1/3 đường quanh hồ Xuân Hương mà tôi đã phải lên xe ôm để quay về Nhà sáng tác vì chân tôi không thể đi bộ thêm được nữa. Thấy tôi trở về trên xe ôm thì ông Võ Bình cười vui: “Em đã bảo rồi mà. Đường phố Đà Lạt chỉ dốc với dốc thôi. Người có tuổi không theo được cánh trẻ đâu bác ạ”.

Được biết địa danh Đà Lạt được bắt nguồn từ chữ “Đạ Lạch”, đây là tên gọi cũ của con suối Cam Ly. Dòng suối được khởi nguồn từ huyện Lạc Dương, huyện nằm ôm phía bắc thành phố.

Suối Cam Ly chảy qua khu vực Đà Lạt theo hướng Bắc - Nam, trong đó đoạn từ khoảng hồ Than Thở tới thác Cam Ly ngày nay được gọi là Đạ Lạch. Ông Võ Bình cho hay: “Theo ngôn ngữ của người Thượng thì “Da” hay “Dak” có nghĩa là “nước hay là suối”, tên gọi Đà Lạt có nghĩa là “nước của người Lạt hay suối của người Lạt tức người K’Ho” như cách gọi về người bản địa Đà Lạt hiện nay”.

Thành phố Đà Lạt hiện đã rộng hơn nhiều so với cách đây 131 năm nhưng những con đường với những dốc lên xuống thì vẫn không hề thay đổi. Có khác chăng là khác ở chỗ những con đường dốc đó được mở rộng hơn và được thảm nhựa appham vừa mịn vừa phẳng.

Dốc chợ Đà Lạt.

Dốc chợ Đà Lạt.

Dốc và dốc

Chúng tôi đã có nhiều lần dạo phố Đà Lạt và cũng vài lần từ nội thành về các huyện. Cho dù lên Lạc Dương hay qua Đơn Dương. Cho dù xuôi Lâm Hà hay sang Đức Trọng thì mọi con đường vẫn quanh co uốn lượn và những dốc và dốc. Có người đã nói vui: “Đến với Lâm Đồng nói chung và đến với Đà Lạt nói riêng, có đi trên những cung đường đó mới thấy cái hay của vùng đất quyến rũ và rất riêng có này”.

Buổi sáng ngày cuối cùng ở Đà Lạt chúng tôi được anh chị em văn nghệ sĩ Lâm Đồng rủ đi uống cà phê gọi là để chia tay. Nhà thơ Trần Hoàng Nguyên cứ xuýt xoa kêu tiếc quá vì gặp được các anh chị Hà Nội muộn quá. Chúng tôi ngồi uống cà phê ở một quán nằm ngay góc đường Yên Thế với đường Hùng Vương.

Cô Trần Hoàng Vũ Nguyên chỉ tay về bên trái, chỗ ấy có bùng binh ngã năm với năm ngả đường tỏa đi các hướng. Hướng đi hồ Xuân Hương thì như chúng tôi đã biết, từ bùng binh xuống hết đường dốc là gặp hồ Xuân Hương. Chếch một góc là đường dốc lên dẫn về huyện Lâm Hà. Lại chếch một tẹo nữa là đường dốc đưa tới sân bay Liên Khương.

Tôi cười vui bảo: “Đà Lạt toàn đường dốc với dốc. Thử hỏi nếu không có những con đường dốc như vậy liệu Đà Lạt sẽ hình dung như thế nào nhỉ?”. Mọi người bỗng quay ra nói chuyện dốc lên dốc xuống. Tôi hào hứng kể chuyện bữa tìm tới thăm làng hoa Hà Đông ở phường 8, làng hoa giờ đã được đô thị hóa với những con đường chạy ven làng. Nói chung những con đường làng hiện được mang tên như: Lý Nam Đế, Vạn Kiếp, Xô Viết hay Phù Đổng Thiên Vương vẫn giữ được hình dáng ban đầu, đó là dốc lên dốc xuống. Nhà thơ Trần Hoàng Vũ Nguyên bảo: “Đường dốc là “thương hiệu” của Đà Lạt mà anh”.

Ngoài những đường phố với những đoạn uốn lượn và dốc lên dốc xuống ra thì nhắc đến Đà Lạt là còn nói tới với những con dốc phố kiểu bậc thang. Theo như lời nhà thơ Trần Ngọc Trác thì những dốc phố bậc thang ở Đà Lạt có khá nhiều bởi đặc điểm địa hình.

Nhưng những dốc bậc thang nổi tiếng được nhắc đến nhiều và được mọi người tìm tới chiêm ngưỡng là những con dốc gắn với quá trình xây dựng thành phố. Thực ra thì đó là những “lối tắt” do người dân tạo ra và được xây bậc thang cho việc đi lại được thuận tiện. Đây cùng là nét riêng của Đà Lạt. Tôi nhớ lần đến đầu tiên vào tháng 9 năm 2006, tối đó chúng tôi đã đặt từng bước chân lên những bậc thang để từ nơi nghỉ xuống chợ đêm Đà Lạt.

Dốc Nhà bò.

Dốc Nhà bò.

Nữ thi sĩ của cao nguyên Lâm Viên Trần Hoàng Vũ Nguyên cho biết, thì hiện Đà Lạt có nhiều con dốc bậc thang đẹp như trong phim Hàn quốc vậy. Cô lại xuýt xoa tiếc rẻ vì không đưa chúng tôi tới một trong số những con dốc bậc thang đẹp như phim để check-in. Tôi cười động viên: “Để bọn anh còn có lần sau quay lại Đà Lạt chứ”.

Cô Thùy Dung, bạn của nữ nhà thơ Trần Hoàng Vũ Nguyên, người suốt buổi chỉ nghe chúng tôi nói chuyện đã lên tiếng: “Anh đã hứa đấy nhé. Lần sau anh tới Đà Lạt nếu Nguyên có bận việc thì em sẽ đưa các anh tới những dốc bậc thang đó”. Nói rồi cô Thùy Dung kể tên cho chúng tôi hay, đó là: Dốc Nhà Bò đường Đào Duy Từ ở phường 3. Dốc Nhớ Hoài ở hiểm 7 đường Trần Hưng Đạo. Dốc cạnh Nhà thờ An Bình trên đường Triệu Việt Vương ở phường 4.

Hay như dốc Quận công Nguyễn Hữu Hào (Cha của Nam Phương Hoàng Hậu) ở ngã ba đường Hoàng Văn Thụ. Là dốc Chủng viện Minh Hòa tuy nằm cách trung tâm thành phố khoảng 5 cây số nhưng có không khí vô cùng an yên. Rồi là dốc ở số 45 đường Lê Đại Hành nữa.

Cô Thùy Dung nói thêm: “Kể tạm mấy con dốc bậc thang cho mọi người “thèm” thôi chứ dốc bậc thang Đà Lạt còn nhiều lắm”. Cô còn lưu ý trước rằng: “Tiết trời Đà Lạt mưa nắng thất thường nên dốc bậc thang khá trơn trượt. Mấy anh chị nếu có tới cũng nên đi cẩn thận đấy”. Tôi nói vui: “Thì nhỡ có trơn ngã cũng hay vì sẽ được thêm một lần hiểu hơn về mảnh đất này”.

NGUYỄN TRỌNG VĂN

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/thanh-pho-cua-nhung-con-doc-10287234.html
Zalo