Thành phố cổ đứng vững 2.000 năm 'thất thủ' trong nội chiến Syria
Thành phố cổ Palmyra đứng vững suốt 2.000 năm trước thách thức của thời gian, thời tiết, nhưng bị tàn phá nặng sau 13 năm nội chiến Syria.
Những cột đá cao chót vót của TP cổ Palmyra (miền trung Syria) vươn lên uy nghi giữa bãi cát sa mạc, dọc theo đại lộ chính từng nối liền các ngôi đền, chợ và đấu trường. Lâu đài trên đỉnh đồi vẫn có tầm nhìn bao quát nhìn ra di tích của TP. Những di tích này rộng lớn, được bảo tồn và đã thu hút các nhà thám hiểm, nhà khảo cổ học và khách du lịch trong hàng trăm năm.
Tuy nhiên, nhìn gần hơn, người ta có thể thấy thiệt hại từ cuộc nội chiến kéo dài 13 năm ở Syria rất rõ ràng: các mái vòm lịch sử bị đánh sập do các vụ nổ, các bức tượng bị hư hại nặng nề và các ngôi đền bị biến thành đống đổ nát, theo tờ The New York Times.

Người bán hàng rong tại TP cổ Palmyra. Ảnh: THE NEW YORK TIMES
Nơi chứng kiến nhiều chuyển biến trong nội chiến Syria
Năm 1980, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) đã công nhận TP cổ Palmyra là Di sản Thế giới. UNESCO cho rằng nơi này chứa đựng "những tàn tích đồ sộ của một TP lớn từng là một trong những trung tâm văn hóa quan trọng nhất của thế giới cổ đại".
Mặc dù một số di tích đã bị hư hại nặng nề, nhưng quy mô và vẻ đẹp của TP cổ này vẫn gây ấn tượng lớn.
Palmyra có sự pha trộn giữa kiến trúc Hy Lạp, La Mã và Ba Tư và có lịch sử 2.000 năm. Đây cũng là một điểm dừng chân quan trọng dọc theo Con đường Tơ lụa.
Sau khi cuộc nội chiến Syria bắt đầu vào năm 2011, vị trí chiến lược của Palmyra đã biến nơi đây thành chiến trường giữa quân nổi dậy, lực lượng chính phủ Syria, lực lượng Nga và dân quân Afghanistan được Iran hậu thuẫn.
Dấu ấn từ những đợt tấn công của các nhóm trên đều được ghi lại trên TP cổ. Tuy nhiên, tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) – lực lượng đã chiếm Palmyra vào năm 2015 – là nhóm đã gây nhiều thiệt hại cho nơi này khi tiến hành một chiến dịch phá hủy có chủ đích, khiến nơi này bị phá hủy nghiêm trọng.
IS đã cho nổ tung các khu bảo tồn, bao gồm đền Baalshamin và gian bên trong của đền Baal – một địa điểm tôn giáo quan trọng. Hiện tại, ở giữa sân rộng lớn của ngôi đền, chỉ còn lại cổng hình chữ nhật, bên cạnh một mớ các khối đá lớn. Không những vậy, IS đã hành quyết ông Khalid al-Asaad – Giám đốc cổ vật của Palmyra.

Lâu đài Palmyra, được bao quanh bởi các rào chắn và đồn quân sự. Ảnh: THE NEW YORK TIMES
Cách tàn tích chính một đoạn lái xe ngắn, một đường hầm dẫn xuống một khu phức hợp dưới lòng đất được IS sử dụng làm căn cứ. Các bao cát bảo vệ lối vào, những bức tranh graffiti trên tường và những đồ vật tại đây cho thấy quan điểm cực đoan của IS.
Tại đây, các phòng chứa quan tài bằng đá được chạm khắc công phu với những tượng người đang nằm dài trong chiếc áo choàng dài. Giờ đây, tất cả tượng này đều mất đầu.
Trước khi IS đến, căn phòng trong cùng đã được trang trí bằng những bức bích họa về động vật, nữ thần có cánh và những người được chôn trong các hầm mộ. Bây giờ, căn phòng chỉ còn lại họa tiết tổ ong màu đỏ, trắng và xanh lá cây trên trần nhà. Tất cả tác phẩm nghệ thuật khác đã được sơn phủ vội vàng bằng sơn trắng.
Năm 2016, lực lượng chính phủ Syria với sự hỗ trợ của Nga đã giành lại TP cổ Palmyra. Vào tháng 5 cùng năm, Nga đã đưa một dàn nhạc giao hưởng và khán giả đến tham dự một buổi hòa nhạc nhạc cổ điển tại Palmyra. Tổng thống Nga Vladimir Putin khi ấy cho biết đây là báo hiệu "hy vọng về sự hồi sinh của Palmyra như là di sản của toàn thể nhân loại".
Vài tháng sau, IS đã chiếm lại TP cổ. Chính phủ Syria đã giành lại quyền kiểm soát nơi này vào năm 2017.

Những hố do những người săn kho báu đào để tìm đồ cổ bao quanh tàn tích cổ đại Apamea (tây bắc Palmyra). Ảnh: THE NEW YORK TIMES
Một phần của lịch sử loài người
Cuộc nội chiến ở Syria đã khiến hơn một nửa trong 22 triệu người (dân số của Syria trước nội chiến) phải sơ tán và hơn 500.000 người thiệt mạng. Giao tranh cũng đã tàn phá các di tích lịch sử nằm rải rác trên vùng đất trung tâm của nhiều nền văn minh Trung Đông cổ đại.
Các khu chợ, nhà trọ và nhà thờ Hồi giáo lịch sử của TP Aleppo (tây bắc Syria) phần lớn đã bị đổ nát. Các gia đình phải sơ tán đã tìm nơi ẩn náu trong các thị trấn và đền thờ bị bỏ hoang từ lâu.
Kể từ khi quân nổi dậy ở Syria lật đổ Tổng thống Bashar al-Assad vào tháng 12-2024, người Syria và một số ít khách du lịch quốc tế đã đến thăm Palmyra. Họ đến đây chiêm ngưỡng một trong những di sản tuyệt đẹp nhất của Syria và suy ngẫm về tương lai của những di sản này.
"Nơi đây từng có nền văn minh. Và bất chấp pháo kích và sự tàn phá, nơi đây vẫn còn nền văn minh. Điều này làm thay đổi hình ảnh trong tâm trí mọi người về Syria, về sự hủy diệt và xung đột” – theo ông Ziad Alissa, bác sĩ người Syria sống ở Pháp đã đến thăm Palmyra cùng bạn bè vào một ngày gần đây.
Ông Mohammed Awad – một người bán hàng rong tại Palmyra – cho biết tất cả cuộc giao tranh đã làm TP hoang tàn và không người. Ông cho biết đã làm việc tại địa điểm này từ khi còn nhỏ và đã học tiếng Anh, tiếng Nga, tiếng Ý, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Đức, tiếng Pháp và tiếng Nhật để có thể giao tiếp cơ bản và để bán hàng.

Một chiếc xe tăng bị phá hủy bên ngoài lối vào Palmyra. Ảnh: THE NEW YORK TIMES
Ông Awad mong muốn khách du lịch quay trở lại TP cổ này.
"Mỗi ngày, chúng tôi đều thấy 2 hoặc 3, 4 người nước ngoài. Nhưng chúng tôi hy vọng rằng họ sẽ quay lại đông đảo bằng xe buýt như trước đây" – ông Awad nói.
Ông Amr Al-Azm – GS lịch sử và nhân chủng học Trung Đông tại Đại học Shawnee State (Mỹ) – cho biết chính quyền mới của Syria không có đủ nguồn lực để giải quyết thiệt hại cho Palmyra. Tuy nhiên, ông Al-Azm cho biết điều đó không phủ nhận giá trị lịch sử của địa điểm này.
"Trong bức tranh toàn cảnh, đây là một phần của lịch sử loài người và bất kỳ thiệt hại nào xảy ra đều là một phần của câu chuyện về những nơi này" – ông nói.