Thanh niên Việt - Trung hiến kế giải pháp thu hút trí thức trẻ
Trong khuôn khổ chương trình Gặp gỡ hữu nghị thanh niên Việt Nam - Trung Quốc lần thứ 24 năm 2025, sáng 13/4, đoàn đại biểu thanh niên hai nước tham gia thảo luận nhóm về chủ đề 'Công tác đoàn kết tập hợp đội ngũ trí thức trẻ'.
Thấm nhuần tinh thần “phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân”
Chị Trần Hoài Minh - Phó trưởng Ban Mặt trận thanh niên T.Ư Đoàn cho biết, những năm qua, T.Ư Đoàn và T.Ư Hội LHTN Việt Nam đã triển khai nhiều mô hình, chương trình thiết thực nhằm đoàn kết, hỗ trợ sự phát triển của đội ngũ trí thức trẻ. Điển hình như: Xây dựng Mạng lưới trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu và Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu quy tụ 200 người Việt trẻ tiêu biểu hàng năm đến từ 52 chuyên ngành khác nhau đang sinh sống, làm việc từ 21 quốc gia toàn thế giới. Giải thưởng Khoa học công nghệ Quả cầu vàng kết nối và tôn vinh hàng trăm nhà khoa học trẻ xuất sắc, tạo nên một thế hệ tài năng trẻ tiêu biểu cho trí tuệ Việt Nam thời kỳ đổi mới…

Chị Trần Hoài Minh - Phó trưởng Ban Mặt trận thanh niên T.Ư Đoàn phát biểu tại chương trình.
Tổ chức Đoàn tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hơn nữa nội dung, phương thức công tác đoàn kết tập hợp trí thức trẻ trong thời gian tới. Trước hết, Đoàn sẽ chú trọng mở rộng mạng lưới trí thức trẻ, thu hút thêm nhiều tài năng trẻ tham gia, đặc biệt là trong các lĩnh vực mũi nhọn như trí tuệ nhân tạo, năng lượng tái tạo, kinh tế số, khoa học, sức khỏe... Xây dựng cơ chế để kết nối hiệu quả hơn giữa trí thức trẻ trong nước và ngoài nước, tạo thành dòng chảy tri thức liên tục.
Các diễn đàn, hội thảo mang tầm quốc tế sẽ được tổ chức thường xuyên hơn, cả trực tiếp và trực tuyến, để lắng nghe ý kiến trí tuệ Việt toàn cầu đóng góp cho quê hương.
Đoàn sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành tham mưu ban hành những chính sách ưu đãi, môi trường làm việc thuận lợi để trí thức trẻ yên tâm nghiên cứu, sáng tạo như chính sách hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, cơ chế tài trợ các đề tài nghiên cứu khoa học trẻ, tạo điều kiện để tiến sĩ, thạc sĩ trẻ phát huy tại các trường đại học, viện nghiên cứu trong nước, hạn chế chảy máu chất xám…

Chị Trần Hoài Minh - Phó trưởng Ban Mặt trận thanh niên T.Ư Đoàn tặng quà lưu niệm anh Tôn Tấn, Phó Bí thư Đoàn Thanh niên, Chủ tịch Hội LHTN Khu tự trị dân tộc Choang, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc.
Chị Minh cho biết, Đoàn sẽ đề xuất tăng cường các giải thưởng, học bổng, quỹ phát triển tài năng trẻ, mở rộng đối tượng khen thưởng, tôn vinh để nhiều bạn trẻ ở đa dạng lĩnh vực được ghi nhận, khích lệ.



Các đại biểu thanh niên Việt - Trung chia sẻ tại chương trình.
Một nhiệm vụ không kém phần quan trọng, là công tác bồi dưỡng lý tưởng, đạo đức cách mạng cho đội ngũ trí thức trẻ. “Đoàn Thanh niên sẽ tiếp tục giáo dục để mỗi trí thức trẻ thấm nhuần tinh thần “phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân”, giữ vững bản lĩnh chính trị, tỉnh táo trước những cám dỗ và thông tin sai lệch trong thời đại số. Một trí thức trẻ Việt Nam lý tưởng không chỉ giỏi chuyên môn, mà còn phải giàu lòng yêu nước, khát khao cống hiến, đặt lợi ích dân tộc lên trên lợi ích cá nhân. Đó chính là giá trị cốt lõi mà Đoàn TNCS Hồ Chí Minh luôn mong muốn các thế hệ thanh niên hướng tới”, chị Minh nhấn mạnh.
Tài năng trẻ trở thành “trụ cột” của đổi mới khoa học công nghệ
Anh Tôn Tấn - Phó Bí thư Đoàn Thanh niên, Chủ tịch Hội LHTN Khu tự trị dân tộc Choang, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc cho rằng, Việt Nam và Trung Quốc đều là những nước xã hội chủ nghĩa, phong trào thanh niên hai nước có nhiều đặc điểm chung. “Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Thanh niên là đội tiên phong của cách mạng và là niềm hy vọng của tương lai”. Cốt lõi tinh thần này rất phù hợp với quan niệm về công tác thanh niên của Trung Quốc và Việt Nam”, anh Tôn Tấn nói.

Anh Tôn Tấn - Phó Bí thư Đoàn Thanh niên, Chủ tịch Hội LHTN Khu tự trị dân tộc Choang, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc phát biểu tại chương trình.
Anh Tôn Tấn cho rằng, lý tưởng và niềm tin chính là “công tắc tổng thể” cho sự trưởng thành của trí thức trẻ. Vì thế, nhiệm vụ đầu tiên của Đoàn TNCS Trung Quốc trong đoàn kết, tập hợp đội ngũ trí thức trẻ là tăng cường chỉ đạo tư tưởng, xây dựng nền tảng lý tưởng, niềm tin vững chắc.
Theo anh Tấn, trí thức trẻ cần một sân khấu rộng lớn để trưởng thành. “Chúng tôi tập trung vào các nhu cầu chiến lược quốc gia và tích cực xây dựng các nền tảng cho sự đổi mới và khởi nghiệp, thực hành xã hội và trao đổi học thuật để tài năng của số lượng lớn thanh niên được sử dụng”, anh Tấn nói. Bên cạnh đó, Đoàn TNCS Trung Quốc liên kết với các doanh nghiệp, cơ sở nghiên cứu khoa học thành lập “Đội đặc công thanh niên” và “Đội phục vụ tiến sĩ” để khuyến khích họ đi đầu, đóng vai trò chủ đạo trong nghiên cứu các công nghệ cốt lõi then chốt. “Những năm gần đây, trong các dự án khoa học công nghệ lớn như thám hiểm mặt trăng của Trung Quốc, tàu lặn Giao Long, điện toán lượng tử, các nhà nghiên cứu khoa học trẻ chiếm hơn 60%, trở thành “trụ cột” của đổi mới khoa học công nghệ”, anh Tấn chia sẻ.
Giao các dự án có tầm ảnh hưởng để phát huy tài năng trẻ
TS. Phạm Huy Hiệu - giảng viên Trường ĐH VinUni cho rằng, trong những ngành, lĩnh vực mới nổi như AI, bán dẫn, công nghệ xanh vấn đề lớn chính là nguồn nhân lực. Nguồn nhân lực chất lượng cao, trí thức trẻ, chuyên gia quốc tế trở thành nhu cầu cấp thiết.

TS. Phạm Huy Hiệu - giảng viên Trường ĐH VinUni
Theo TS. Phạm Huy Hiệu, để thu hút, tập hợp đội ngũ chuyên gia, trí thức, nhất là chuyên gia, tri thức trẻ trong các ngành, lĩnh vực mới nổi cần xây dựng môi trường và văn hóa làm việc nơi các nhân tài được trọng dụng và phát triển. Trong đó, xây dựng văn hóa làm việc lành mạnh và tôn trọng chuyên môn và sự khác biệt của các cá nhân, tư duy cởi mở, khuyến khích sáng tạo và đóng góp ý tưởng mới.

Đại biểu thanh niên 2 nước Việt Nam - Trung Quốc chụp ảnh lưu niệm
“Công việc có tính thử thách, được tham gia các dự án có tầm ảnh hưởng giúp tài năng trẻ phát huy tối đa khả năng chuyên môn của mình vì những nhân tài đều muốn giải những bài toán khó, thách thức và có tác động lớn”, TS. Hiệu nói. Điều quan trọng, là tháo gỡ các điểm nghẽn, rào cản về thể chế, cũng như đưa giải pháp mạnh mẽ nhằm giải phóng sức sáng tạo của các nhà khoa học.
Theo TS. Hiệu những chính sách mới, đột phá như tăng chi cho nghiên cứu phát triển (R&D) lên 2%; bố trí ít nhất 3% tổng chi ngân sách cho phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, đồng thời tăng dần tỉ lệ này trong những năm tiếp theo; chấp nhận rủi ro, đầu tư mạo hiểm và độ trễ trong nghiên cứu… sẽ giúp các nhà khoa học tăng khả năng nhận hỗ trợ từ ngân sách trong việc đầu tư, xây dựng hạ tầng nghiên cứu quy mô lớn.