Thanh niên Việt ở nước ngoài - nhịp cầu bền vững trong kỷ nguyên vươn mình

Ba câu chuyện, ba hành trình, nhưng đều chung một điểm đến: Khát vọng xây dựng một Việt Nam vững mạnh trong kỷ nguyên vươn mình.

Trong thế giới hiện đại, khi hội nhập toàn cầu không còn là khái niệm xa lạ mà trở thành dòng chảy tất yếu của thời đại, câu chuyện về những người trẻ Việt Nam ở nước ngoài càng trở nên ý nghĩa hơn bao giờ hết.

Những người trẻ này, mang trong mình dòng máu Việt và tâm hồn gắn bó với quê hương, luôn đau đáu một khát khao: làm sao để đóng góp cho sự phát triển của Việt Nam – nơi chôn nhau cắt rốn, cũng là nơi đang trông chờ những bước đột phá cho kỷ nguyên vươn mình mạnh mẽ hơn.

Tiếp nối bài "Người trẻ Việt Nam trong kỷ nguyên vươn mình của đất nước" nhân tháng Thanh niên, bài viết dưới đây sẽ tập trung vào câu chuyện của các bạn trẻ Việt đang sống và làm việc ở nước ngoài, gồm Mai Võ Phúc Thành, Lương Minh Phượng và Trần Hồ Thúy Na.

Qua buổi chia sẻ với báo Pháp luật TP.HCM, chúng ta thấy được những câu chuyện đầy cảm hứng về những con người trẻ tuổi đang cùng nhau viết tiếp giấc mơ Việt Nam trong kỷ nguyên vươn mình.

 (từ trái sang) Bạn Mai Võ Phúc Thành, bạn Trần Hồ Thúy Na, và bạn Lương Minh Phượng. Ảnh: NVCC

(từ trái sang) Bạn Mai Võ Phúc Thành, bạn Trần Hồ Thúy Na, và bạn Lương Minh Phượng. Ảnh: NVCC

Khát vọng cống hiến cho đất nước trong kỷ nguyên vươn mình

Khát vọng đóng góp cho quê hương không phải là một điều mơ hồ với thế hệ trẻ Việt Nam ở nước ngoài, mà là một sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong từng câu chuyện, từng hành trình. Tuy ở nơi đất khách quê người nhưng trong lòng các bạn trẻ luôn nhớ về quê hương, luôn ấp ủ những ước mong mang sức nhỏ đóng góp cho kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

 Mai Võ Phúc Thành - một sinh viên ngành kỹ thuật máy tính tại Úc. Ảnh: NVCC

Mai Võ Phúc Thành - một sinh viên ngành kỹ thuật máy tính tại Úc. Ảnh: NVCC

Đối với Mai Võ Phúc Thành - một sinh viên ngành kỹ thuật máy tính tại Úc, sự khác biệt giữa môi trường làm việc trong và ngoài nước đặt ra những câu hỏi không dễ trả lời. Nhưng vượt trên tất cả, Thành nhìn thấy vai trò của mình không chỉ là một cá nhân, mà là một phần của cộng đồng, một mắt xích quan trọng để kết nối và mang giá trị trở về quê hương.

Với Thành, cống hiến cho đất nước không chỉ ở việc quay trở về sau quá trình học, mà là sử dụng chính kinh nghiệm quốc tế để khơi dậy sự đổi mới trong cách làm việc và tư duy.

Lương Minh Phượng - một học viên cao học ngành Khoa học Y tế tại châu Âu - lại mang trong mình một giấc mơ rất riêng: áp dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo vào chẩn đoán và điều trị y học tại Việt Nam. Phượng đã chứng kiến những bước tiến vượt bậc của công nghệ trong y học quốc tế và không ngừng tự hỏi: "Làm thế nào để Việt Nam đứng vào hàng ngũ những quốc gia ứng dụng công nghệ y học tiên tiến hiệu quả?".

 Lương Minh Phượng, một nghiên cứu sinh ngành y tế tại châu Âu. Ảnh: NVCC

Lương Minh Phượng, một nghiên cứu sinh ngành y tế tại châu Âu. Ảnh: NVCC

Với cô bạn, khát vọng cống hiến không chỉ là một lựa chọn, mà còn là một lời hứa với bản thân: sẽ mang những tri thức, những công cụ hiện đại để giúp hàng triệu người dân Việt Nam được chăm sóc sức khỏe tốt hơn.

“Việt Nam là nơi mình sinh ra và lớn lên. Tiện nghi, thói quen sinh hoạt, sự gần gũi và đặc biệt ẩm thực là những giá trị mang lại cảm giác thuộc về mà không có nơi nào bằng. Vì vậy, sau hành trình học tập và trải nghiệm quốc tế, trở về đóng góp và sống tại quê hương là một quyết định mình đã cân nhắc và luôn hướng đến” - Phượng chia sẻ.

 Trần Hồ Thúy Na - một chuyên viên về công nghệ tại Hong Kong (Trung Quốc). Ảnh: NVCC

Trần Hồ Thúy Na - một chuyên viên về công nghệ tại Hong Kong (Trung Quốc). Ảnh: NVCC

Còn với Trần Hồ Thúy Na - một chuyên viên về công nghệ tại Hong Kong (Trung Quốc), tình yêu quê hương của cô bạn được vun đắp từ mảnh đất Tây Nguyên, nơi cô sinh ra và lớn lên. Na khao khát xây dựng vùng đất này thành một điểm đến không chỉ phát triển về kinh tế mà còn là nơi những người trẻ khác có cơ hội vươn xa, chắp cánh cho những ước mơ lớn. Với cô, chuyển đổi số chính là chìa khóa để đưa doanh nghiệp Việt Nam đến gần hơn với thế giới, khẳng định bản lĩnh và tạo dựng tiếng nói trên thương trường quốc tế.

“Sẽ quay về Việt Nam sau một khoảng thời gian trải nghiệm ở các môi trường khác nhau. Vì ra khỏi Việt Nam là để trải nghiệm, đa dạng bản thân chứ không vì vậy mà xa xứ mãi” - Thúy Na khẳng định chắc nịch.

Ba câu chuyện, ba hành trình, nhưng đều chung một điểm đến: Khát vọng xây dựng một Việt Nam vững mạnh trong kỷ nguyên vươn mình. Những thanh niên Việt Nam như Phúc Thành, Phượng và Thúy Na chính là biểu tượng của lòng yêu nước sâu đậm, sự kiên trì và ý chí vươn xa.

Nỗi trăn trở về nhịp cầu bền vững

Giữa dòng chảy hội nhập, thế hệ trẻ Việt Nam ở nước ngoài không ngừng trăn trở làm sao để duy trì sự kết nối với quê hương một cách bền vững.

Đối với Phúc Thành, điều này không chỉ nằm ở việc quay về trực tiếp mà còn thông qua những hành động thiết thực như xây dựng mạng lưới cộng đồng, tổ chức các diễn đàn hỗ trợ sinh viên Việt Nam, hay thúc đẩy các dự án hợp tác quốc tế. Thành nhận định rằng chỉ khi có những kết nối đúng hướng và bền lâu, thế hệ trẻ mới có thể đảm bảo rằng họ không chỉ đang "xa quê", mà còn "hướng về quê".

Với những trải nghiệm sâu sắc trong nghiên cứu y khoa, Phượng cho rằng một thách thức lớn đối với những người trẻ muốn quay về là làm thế nào để họ không cảm thấy bị "lạc lõng" trong chính môi trường làm việc tại quê nhà. Phượng nhấn mạnh vào việc cải thiện các cơ chế đãi ngộ và tạo ra lộ trình phát triển rõ ràng, đồng thời gợi ý rằng Việt Nam cần xây dựng các bộ dữ liệu y tế đủ mạnh để đáp ứng nhu cầu nghiên cứu hiện đại, không chỉ phục vụ cho trong nước mà còn thu hút sự quan tâm từ quốc tế.

Còn Thúy Na thì thừa nhận rằng việc một số người trẻ chọn ở lại nước ngoài cũng xuất phát từ nhu cầu cá nhân về môi trường trải nghiệm và thách thức. Nhưng cô cũng tin tưởng, dù họ làm việc ở đâu, sự kết nối và trách nhiệm với quê hương sẽ luôn là "kim chỉ nam" giúp họ đóng góp vào sự phát triển của Việt Nam theo những cách đặc biệt, đôi khi không cần phải quay về ngay lập tức.

“Mình tin khi Việt Nam tiếp tục mở cửa, thu hút các tập đoàn công nghệ và phát triển những lĩnh vực đòi hỏi lao động chất lượng cao như trí tuệ nhân tạo (AI), y tế, giáo dục,... thì sẽ có ngày càng nhiều nhân tài trở về. Vì suy cho cùng, ai cũng mong muốn được cống hiến cho quê hương, chỉ cần có môi trường phù hợp thì đất lành chim sẽ đậu” - Thúy Na chia sẻ.

Để thắp sáng ngọn lửa này, không chỉ cần nỗ lực từ phía các bạn trẻ Việt ở nước ngoài, mà còn là sự chung tay từ cả xã hội. Một môi trường làm việc chuyên nghiệp, cơ chế đãi ngộ minh bạch và lộ trình phát triển rõ ràng chính là những bước đi đầu tiên để giữ chân và thu hút thế hệ trẻ. Bởi lẽ, trong dòng máu Lạc Hồng, không chỉ có tình yêu quê hương, mà còn có khát vọng viết tiếp một tương lai rực rỡ cho đất nước.

Gợi ý thu hút nhân tài trẻ từ chính người trẻ

Thế hệ trẻ Việt Nam ở nước ngoài bên cạnh những hoài bão cá nhân còn là cầu nối để đưa Việt Nam đến gần hơn với thế giới. Họ, bằng những hành động thiết thực, đang xây dựng một tương lai mà biên giới địa lý không còn là rào cản cho sự kết nối văn hóa, kinh tế, và tri thức.

Phúc Thành tin rằng Việt Nam cần một hệ sinh thái chuyên nghiệp hơn – nơi những người trẻ có thể tìm thấy lộ trình phát triển sự nghiệp dài hạn. Thành nhấn mạnh rằng cải thiện chính sách lao động, giảm bớt sự phức tạp trong quy trình làm việc và nâng cao mức lương sẽ là những yếu tố quan trọng để giữ chân nhân tài.

Về phần mình, Phượng đề xuất một mô hình hỗ trợ sinh viên du học, tương tự cách Đài Loan đã thực hiện hiệu quả: cung cấp tài trợ tài chính và tạo kết nối với các cơ hội việc làm sau khi học xong trở về nước, hoặc tạo điều kiện để các bạn tham gia các dự án hợp tác với quê nhà ngay từ khi xây dựng lộ trình du học.

Đây là cách không chỉ giúp thu hút nhân tài quay về, mà còn nuôi dưỡng mối liên kết bền lâu với đất nước.

Thúy Na lại mang đến một góc nhìn khác: những "vườn ươm ý tưởng" và các chương trình thử nghiệm thực tiễn sẽ giúp người trẻ có cơ hội thử sức, sai lầm và phát triển ngay ở đất mẹ. Những sáng kiến này không chỉ tạo ra giá trị cho hiện tại, mà còn là bước đệm quan trọng cho tương lai bền vững.

“Muốn thu hút nhân tài Việt trở về, ngoài các chính sách hỗ trợ kinh tế, quan trọng nhất là tạo ra một môi trường cho phép người trẻ được thử, được làm, được sai và được sửa. Việt Nam cần mở rộng các vườn ươm khởi nghiệp trong công nghệ, giáo dục, y tế, với sự đồng hành chặt chẽ của các cơ quan liên quan. Đồng thời, cần tổ chức thường xuyên các cuộc thi mang tính thực tiễn, có lộ trình rõ ràng để biến ý tưởng thành dự án quy mô lớn. Khi có hệ sinh thái hỗ trợ bài bản, du học sinh và những người Việt trẻ ở nước ngoài sẽ trở về và cống hiến nhiều hơn” - Thúy Na tỏ bày.

DƯƠNG KHANG

Nguồn PLO: https://plo.vn/thanh-nien-viet-o-nuoc-ngoai-nhip-cau-ben-vung-trong-ky-nguyen-vuon-minh-post840641.html
Zalo